Bài viết mới nhất của cháu trên tạp chí Kilala :
http://www.kilala.vn/kham-pha-nhat/mot-ngay-phat-ca-ri-cho-nguoi-vo-gia-cu-tai-tokyo.html
Một ngày phát cà ri cho người vô gia cư tại Tokyo
Là tình nguyện viên ở nhà thờ Thánh Ignatius tại Tokyo nhằm phân phát cà ri cho người vô gia cư, tôi thấy được một mặt khác đằng sau xã hội thịnh vượng ở Nhật và học được nhiều điều về tinh thần cộng đồng bền chặt ở đất nước này.
Vì sao Hội cà ri được thành lập ?
Vào năm 2008, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà đỉnh điểm là sự sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers ở Mỹ, nền kinh tế Nhật cũng như toàn thế giới chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề. Rất nhiều nhân viên thời vụ của các công ty ở Nhật bị mất việc và trở nên khốn đốn, thậm chí lâm vào cảnh vô gia cư. Vào năm 2009, dưới chỉ thị cấp bách của Giáo hội Công giáo, Hội cà ri thuộc nhà thờ Thánh Ignatius ở quận Chiyoda, Tokyo được thành lập để hỗ trợ những người đột ngột lâm vào cảnh túng quẫn và từ đó duy trì hoạt động đến ngày hôm nay.
Nhằm đem lại cho những người vô gia cư sống ở khu vực quận Chiyoda những bữa ăn nóng hổi, Hội cà ri đã được thành lập để phần nào đem lại cho họ niềm vui và sự động viên tinh thần. Sở dĩ món ăn này được chọn, vì cà ri là một món ăn đã được "Nhật hóa" và rất gần gũi với người Nhật. Nhắc đến cà ri, nhiều người Nhật được sống lại kỷ niệm thủa bé với người mẹ nấu nồi cà ri nóng hổi trong căn bếp gia đình. Cà ri Nhật cũng là một món ăn đơn giản, dễ nấu, hương vị phù hợp với đa số quần chúng mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng với đầy đủ cơm, thịt và rau củ.
Đằng sau những đĩa cà ri ấm áp
Tôi bén duyên với Hội cà ri thông qua sự giới thiệu của một chị senpai khóa trên ở trường vào kỳ nghỉ xuân năm ngoái. Tuy ban đầu khá rụt rè do chưa bao giờ tham gia tình nguyện ở Nhật, tôi nhanh chóng làm quen với việc nấu nướng và phân phát cà ri nhờ sự hỗ trợ tận tâm của mọi người xung quanh.
Hàng tuần, vào sáng thứ hai trước khi vào học, tôi luôn cố gắng dành ra khoảng 3 tiếng, từ 8h-11h sáng để phụ giúp mọi người trong nhà thờ, chế biến và phân phát các đĩa cà ri. Những người tham gia vào hoạt động tình nguyện này rất đa dạng, từ các xơ trong nhà thờ, các bà các cô nội trợ sống quanh khu vực, cho đến sinh viên của trường tôi.
Mỗi tình nguyện viên cần tự trang bị ba vật dụng, gồm có tạp dề, khẩu trang và khăn mùi xoa để buộc lên đầu giữ tóc gọn gàng. Trước khi bắt tay vào làm việc, cần rửa tay xà phòng và khử trùng bằng cồn. Công việc nấu nướng và trình bày món ăn trở thành quy trình tuần tự : người trông chừng và đảo nồi cơm, người thái khoai tây và cà rốt, người chia phần cà ri ra để phân phát. Dù công việc có vất vả với số lượng suất ăn lên đến 150-200 suất mỗi buổi, ai nấy đều hăng say làm việc và phối hợp nhịp nhàng ăn ý. Sau khi phân phát cà ri xong, chúng tôi cùng rửa dụng cụ nấu ăn và quét dọn sàn bếp để căn bếp luôn được sáng bóng.
Dù đứng trong bếp chế biến và trình bày cà ri lên đĩa, hay khi bưng bê những khay cà ri đến cho những người vô gia cư, tôi đều cảm nhận được sự chu đáo và tận tâm của người Nhật. Những tình nguyện viên không quên nụ cười trên môi cùng những câu nói : Omataseshimashita/ Matasemashita (Xin lỗi vì đã khiến đợi lâu) khi đặt đĩa cà ri lên bàn, hay là "Gokyoroku arigatougozaimasu" (Xin cảm ơn vì đã hợp tác) khi thu lại phiếu ăn được phát ra từ trước.
Bài học từ căn bếp nhỏ
Khi tham gia tình nguyện ở đây, tôi tình cờ làm quen với một giáo sư môn Xã hội học ở trường. Ông nói với chúng tôi rằng, tuy hoạt động này không nằm trong chương trình học ở trường, thầy luôn khuyến khích sinh viên chung tay góp sức. Đó là cách sinh viên có thể trực tiếp thấy thực tế xã hội và vun đắp sự sẻ chia với người khác, điều mà bài vở trên lớp khó lòng truyền tải được hết. Một người bạn cũng nói với tôi rằng, hoạt động này khiến cô ấy nhận ra chính phủ cũng như xã hội cần dành nhiều sự quan tâm cho người vô gia cư hơn nữa, cô ấy rất mong mỏi trở thành một nhà hoạt động xã hội để nghiên cứu sâu và giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội đằng sau tình trạng này.
Ngoài ra, khi lắng nghe trải lòng của những người vô gia cư, chúng tôi hiểu hơn về lý do đưa họ đến đây và cảm nhận cá nhân của họ. Họ chia sẻ rằng dù là ngày hè nóng nực hay ngày đông buốt giá, được thưởng thức cà ri ở nhà ăn của nhà thờ và nhận được sự động viên chân thành từ các tình nguyện viên, họ cảm thấy an toàn và được tiếp thêm nghị lực sống. Thì ra, giá trị mà những đĩa cà ri chứa đựng, không chỉ đơn thuần là một bữa ăn, mà hơn thế, nó còn truyền tải sự gắn kết cộng đồng và tình cảm ấm áp giữa người với người.
Dù những "khách hàng" của chúng tôi đều không có một mái nhà cho riêng mình, họ vẫn là những con người và xứng đáng được đối xử bình đẳng và tôn trọng như những người khác. Tuy lâm vào hoàn cảnh khó khăn, họ cũng không phải cảm thấy cô độc hay nằm ngoài lề của xã hội. Khi những người vô gia cư nhận lấy đĩa cà ri trên tay, người nào cũng nói lời cảm ơn với đôi mắt lấp lánh niềm vui và sự biết ơn, khiến chúng tôi - những tình nguyện viên, cũng cảm thấy ấm lòng vì góp được phần nào sức mình cho cộng đồng.