Bàn thờ Altare della Bugia có tranh của Thánh Phê rô về sự trung thực, là tác phẩm bằng chất liệu mosaic của họa sĩ Cristoforo Roncalli thế kỉ 18, thực hiện trong thời gian 02 năm (1725~1727). Nội dung của bức tranh nói về sự dối trá của cặp vợ chồng Anania và Saphira.
Hồi ấy, có hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, tự nguyện lấy tiền dâng các tông đồ, nhưng sau lại tiếc tiền, giữ lại một phần. Người chồng là Anania đưa tiền để dưới chân Thánh Phêrô, và vì thiếu thành thực, nên Thánh Phêrô đã nặng lời lên án hành vi giả trá của anh ta. Lập tức Anania ngã lăn ra chết. Vài giờ sau người vợ là Saphira đến gặp Thánh Phê rô và khi Thánh hỏi: “Tiền bán ruộng chỉ có bấy nhiêu sao?". Saphira lừa dối Thánh Phê rô, trả lời là: “Chỉ có ngần ấy” và Saphira cũng ngã lăn ra chết nốt.
Đọc xong câu chuyện này, nhiều người ở Việt Nam sẽ rất khó hiểu : tiền của mình, tự nguyện dâng hiến, nhưng sau tiếc tiền, găm lại một ít, thế mà phải chết ?. Kiểu suy nghĩ của Việt Nam : tiền của tôi, thích thì cho, không thích nữa thì thôi (dù trước đó đã hứa chắc như đinh đóng cột, thậm chí lên cả TV tuyên bố, hứa trao thưởng này nọ). Chính kiểu suy nghĩ đó đã làm cho nhiều người Việt coi sự bất tín là rất bình thường.
Ý nghĩa sâu sa của câu chuyện là lời hứa và sự trung thực phải tuyệt đối. Dù là tiền của chính mình, nhưng một khi đã hứa thì phải trung thực. Với cách giáo dục trung thực như thế từ tấm bé, nên có thể hiểu là người công giáo Châu Âu rất trung thực.