Làm kiểu Tân Hoa Ban food nè! Nhưng để tiện ăn thì đánh vảy, bỏ đầu và phơi/sấy khô
Em khoái vì cay, thơ
https://hoabanfood.com/cach-lam-ca-suoi-say-kho.html
CÁ SUỐI SẤY KHÔ – MÓN NGON KHÓ KIẾM
Từ Châu Âu sang Châu Á, từ Tây Bắc đất Việt mù xương cho đến xứ Thụy Điển đẹp xinh. Tất cả các món thịt & cá “khô”, thực tế ban đầu là nhằm mục đích bảo quản lâu dài, trong những chuyến đi săn, đánh bắt dài ngày, không thể mang đồ tươi về được. Ấy nhưng mấy cái món “khô” này ăn lại rất thú vị, vừa có mùi oi khói, lại ngon & dai hơn đồ tươi nữa chứ. Chả thế mà thị trường những món thịt “hun” khói bây giờ đa dạng & phong phú và phát triển lắm, và hái ra tiền đấy.
Tây Bắc chúng tôi, nổi tiếng với hệ thống sông/suối đẹp, nước trong xanh và nhiều cá, mà lại tuyền cá ngon nữa mới ác liệt chứ. Trong số các đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc, người Thái tài giỏi hơn cả ở kinh nghiệm đánh bắt cá. Tôi may mắn, lớn lên cùng văn hóa ẩm thực của bà con đồng bào Thái. Đến bây giờ lại đi chơi cùng, làm ăn cùng bà con nơi thượng nguồn Sông Đà. Mà tất nhiên rồi, cá Sông Đà nổi tiếng, toàn cá hảo hạng cả. Mỗi lần tôi lên bản, sau khi đã lo xong công việc, thường dành ra vài ngày đi bắt cá cùng mấy anh em bản xứ. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 2 đến 3 ngày, có thể dài hơn. Tùy vào sức khỏe & lượng cá chúng tôi đánh bắt được. Và hầu hết, lần nào đi, chúng tôi cũng làm cá khô, mà tiếng Thái gọi là “Pa Giảng” mang về bản. Còn tôi, tất nhiên rồi, mang về thủ đô, cho các thành viên trong gia đình thưởng thức thành quả chuyến đi của bố/con/chồng. Tôi thích thế, “gói mang về” mấy thứ quà dân dã, thú vị lắm.
Đây, cá Sông Đà đây, thường thì cá sông Đà có kích thước lớn hơn cá Suối. Đợt này chúng tôi bắt được hàng chục con Dầm Xanh, 1 loại cá rất ngon, mà nếu ở thành phố, giá tiền nói ra sẽ choáng váng đấy. Đắt cực
Cả 1 mớ nhé, nào ăn không hết, mang về thì ko kịp. Tôi bảo anh em làm khô tất chỗ cá này.
Cá làm khô thường phải chọn những con ít nhất phải tầm 3 ngón tay trở lên. Mổ đằng lưng ra như thế này, không đánh vẩy. Có 1 điểm hay là chỉ rửa cá trước khi mổ, còn sau khi mổ thì tuyệt đối không được rửa lại nước nữa.
Tẩm ướp gia vị nào. Mắc Khén, muối, chúng tôi đi đợt này thiếu gia vị, đúng ra nên có đủ Mắc Khén, Hạt Dổi, Ớt và Muối. Tất cả trộn đều, thoa lên mặt trong của cá rồi để gia vị ngấm trong vài tiếng.
Nếu nhiều cá, chúng tôi sẽ đan những chiếc giàn sấy như thế này, bằng tre, nứa bất kì mà kiếm được ở bờ sông, suối thôi!
Đối với sấy bằng giàn như thế này, nguyên tắc là phải đặt phần thịt lên trên. Phần da nằm phía dưới. Mục đích là để cá chín, khô từ từ, nếu nước ngọt có tiết ra, cũng được da & vẩy giữ lại.
Còn nếu được ít, he he, thì chỉ cần xỏ dây rừng, treo lên thế này thôi. Thời gian sấy cá thường rất lâu, trung bình từ 8 đến 12 tiếng, tùy vào lượng củi, hoặc tùy thuộc vào gió nữa. Nếu nhiều gió, chúng tôi phải sấy đến 14 tiếng, cá mới khô được. Anh em thay nhau trông, lửa không được to quá, cháy hết cá, cứ phải nhỏ nhỏ, đều đều, cá mới khô dần & ngon được.
Đây, thành phẩm đây. Mấy chú Dầm Xanh này to bự chảng. Thịt ngon cực kì!
Thật ra, ngon nhất là sấy vừa phải, bên ngoài cứng, nhưng bên trong vẫn còn phải mềm. Ăn mới tuyệt vời. Nhưng vì đây là tôi sấy để mang về Hà Nội, nên bọn tôi sấy thật khô. Đảm bảo không bị mốc khi mang về.
Sấy bằng cách treo lên cũng phải khô đạt chuẩn, ngon lắm.
Cách ăn cá hun khói & sấy khô của chúng tôi thì đơn giản lắm, vùi vào tro ấm 1 lát rồi mang ra ăn. Thường thì cá hun khói như này là đã chín rồi, có thể sử dụng được ngay. Nhưng nếu muốn mềm hơn, ngon hơn thì cứ vùi vào tro bếp. Mang về thủ đô, không có tro, tôi thường xếp cá vào chõ, xôi lên 1 loáng là chín.
Còn đây là cách ăn tương đối phổ biến của bà con. Cá hun khói được ngâm nước ấm trong vòng 1 tiếng cho mềm ra, rồi bẻ ra những miếng vừa ăn, cho vào rim với cà chua. Ăn với cơm nếp thì món này là nhất. Vừa dai dai, lại mùi thơm nồng của khói.