Khủng hoảng nỗi sợ mùa dịch: Cảnh giác trước ‘đại dịch thông tin’
Vietcetera·
Tâm Lý Học
·February 13, 2020·7 min read
“Thứ duy nhất chúng ta cần phải sợ chính là bản thân nỗi sợ”. Đây là
câu nói nổi tiếng của Franklin Roosevelt trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ, đúng lúc thế giới đang trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại (The Great Depression). Câu nói trên nhằm trấn an người dân, giúp họ không để nỗi sợ ảnh hưởng đến nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng.
Nỗi sợ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế. Việc sợ hãi quá mức có thể gây hại trong tất cả các cuộc khủng hoảng ở mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, hay hiện tại là y tế, khi
dịch Corona (hay tên WHO vừa đặt là
COVID-19) đang hoành hành.
Nguồn gốc của nỗi sợ
Về bản chất, nỗi sợ cũng có những lợi ích nhất định. Sợ hãi là
một dạng cảm xúc gắn liền với quá trình tiến hóa của con người.
Nỗi sợ giúp chúng ta nhận biết nguy hiểm cần phải tránh.
Vào thời xưa, điều này đặc biệt quan trọng, thậm chí mang tính sống còn, khi xã hội loài người chưa phát triển và môi trường sống có quá nhiều mối nguy hiểm (núi lửa, thú dữ, bệnh dịch,…). Nếu con người thời cổ đại bị chặn đường bởi thú dữ, nỗi sợ sẽ khiến cho cơ thể họ thay đổi trạng thái (tim đập nhanh hơn, cơ bắp căng cứng, thở gấp hơn…) để chuẩn bị đối mặt (fight) hoặc chạy trốn (flight) khỏi mối nguy hiểm. Trong một số trường hợp, họ còn có một phản ứng thứ ba là tê liệt hoặc giả chết (freeze) để đánh lừa con thú đó.
Nỗi sợ giúp chúng ta nhận biết nguy hiểm, từ đó phản ứng lại để né tránh hoặc xử lý vấn đề.
Trong xã hội hiện đại, chúng ta không còn gặp những mối nguy hiểm đe dọa ngay lập tức đến tính mạng như xưa. Tuy nhiên, nỗi sợ vẫn khiến con người có phản ứng gần như tương tự: nhiều người cảm thấy lo lắng, tim đập nhanh và đổ mồ hôi khi đứng trước đám đông. Hoặc như thường thấy trong phim, nhân vật tê cứng vì sợ khi có một chiếc xe đang lao nhanh tới, mặc cho người ngoài (và bạn – người đang xem phim) la hét cảnh báo.
Thời nay nỗi sợ vẫn giúp ích rất nhiều cho con người: học sinh ôn tập trước khi thi vì sợ điểm kém (hoặc rớt môn). Ứng viên chuẩn bị kỹ càng trước buổi phỏng vấn vì sợ sẽ vuột mất công việc mình mong muốn. Bạn đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng khi ở trong bệnh viện vì sợ lây nhiễm từ người khác.
Vì sao người ta dễ trở nên hoảng loạn khi có dịch bệnh mới bùng phát?
Nhiều
nghiên cứu chỉ ra rằng
những mối nguy hiểm mới xuất hiện khiến chúng ta lo lắng nhiều hơn những mối nguy hiểm quen thuộc. Điều này có thể liên quan đến
hạch hạnh nhân (amygdala) – một bộ phận nằm trong não người, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý cảm xúc (như nỗi sợ) và những mối nguy hiểm mới.
Nghiên cứu của Nicholas Balderston và cộng sự tại đại học Wisconsin–Milwaukee đã phát hiện ra, hạch hạnh nhân hoạt động mạnh hơn khi các tình nguyện viên nhìn thấy các loài hoa lạ ngay sau khi nhìn vào những bức ảnh chụp rắn.
Con người cũng dễ hoảng loạn hơn khi đối mặt với những dịch bệnh lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao hơn bình thường. Một phần vì họ không rõ chính phủ và các nhà chức trách có thể ngăn chặn và đẩy lùi được dịch bệnh hay không.
Chúng ta thường dễ hoảng loạn trước những gì chưa hiểu biết rõ.
Hiện nay, mạng xã hội và truyền thông đang phát triển mạnh mẽ, một mặt giúp chúng ta có nguồn tin nhanh chóng, rộng lớn và đa dạng hơn. Tuy nhiên, chúng cũng tạo điều kiện cho những thông tin võ đoán và tin giả dễ lan truyền, gây hoang mang lo sợ.
Một ví dụ điển hình cho khủng hoảng nỗi sợ đó là “cơn hoảng loạn AIDS” (
AIDS hysteria). Trong quá trình chiến đấu chống lại
đại dịch AIDS, loài người nhận ra mình còn phải đối mặt với một “đại dịch” khác: đại dịch của nỗi sợ. Đến nỗi vào những năm 1980s, thuật ngữ “cơn hoảng loạn AIDS” trở nên quen thuộc trên báo đài và trong đời sống thường ngày tại Mỹ. Nguyên nhân là vào thời điểm đó, con người vẫn chưa có nhiều hiểu biết về HIV/AIDS.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã hiểu rõ thông tin và hình thức lây nhiễm của căn bệnh này, nỗi sợ vẫn chưa thể chấm dứt. Có những người sợ con mình sẽ bị lây nhiễm nếu người bệnh hắt hơi trong lớp học. Một số người đã châm lửa đốt nhà của một gia đình có ba đứa trẻ bị nghi ngờ nhiễm HIV nhắm ép họ phải đi khỏi thị trấn. Tại Việt Nam, đại dịch AIDS cũng khiến cho rất nhiều người có
những nỗi sợ tương tự.
Việc cộng đồng sợ hãi quá mức khiến những người bị AIDS gặp khó khăn trong việc chủ động xét nghiệm và áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng chống lây nhiễm. Điều này càng khiến dịch bệnh lan rộng hơn.
Cách quản lý nỗi sợ hiệu quả trong những đợt bùng phát dịch bệnh
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên lo lắng khi có dịch bệnh bùng phát. Chúng ta không thể ngăn bản thân cảm thấy sợ hãi, vì đó là một phần trong cơ chế sinh học của con người.
Nỗi sợ giúp chúng ta cảnh giác và đề phòng hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần phải quản lý nỗi sợ và cảm xúc của mình một cách hiệu quả.
Để quản lý nỗi sợ, điều quan trọng nhất đó là phải xử lý thông tin thật tốt. Nhất là trong thời đại hiện nay, khi thông tin quá dễ dàng tiếp cận và đôi khi trở nên dư thừa. Thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới còn gọi đây là “
infodemic” – đại dịch thông tin.
Chính phủ và các đơn vị truyền thông cần cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch, giúp mọi người phòng chống bệnh hiệu quả nhưng không gây hoảng loạn. Thông tin phải chi tiết, chẳng hạn như nếu cách phòng chống bệnh là rửa tay thường xuyên thì nên hướng dẫn rửa tay như thế nào, trong bao lâu,… Đặc biệt là không nên lợi dụng nỗi sợ của người đọc để thu hút họ đến với nội dung của mình.
Để quản lý nỗi sợ, điều quan trọng nhất đó là phải xử lý thông tin thật tốt.
Về điểm này thì Việt Nam đang có một cách tiếp cận khá hiệu quả: Tài khoản Zalo của Bộ Y Tế đã được lập ra ngay sau khi bùng phát dịch Corona, nhằm cung cấp thông tin chính thức đến người dân một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần tự trang bị thông tin đầy đủ và chính xác nhất: triệu chứng, cách phòng ngừa, khi nào cần phải tới bệnh viện để được kiểm tra,… Mạng xã hội hiện có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn đã tìm đến những nguồn đáng tin cậy và đã được kiểm chứng. Ví dụ như thông tin từ
Bộ Y tế, website tổng hợp thông tin của
Kompa Group hay của
Đại học Johns Hopskin.
Bài viết này được thực hiện bởi Sơn Đặng.