Bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc)
Misinformation (Thông tin sai)
Sự bộc phát dịch cúm ở Vũ Hán đã tạo nên một làn sóng gọi là ‘misinformation’ và tin giả. Tình trạng misinformation không chỉ diễn ra trên mạng xã hội mà còn trên báo chí được xem là ‘chánh thống’. Đây là một đề tài hay cho nghiên cứu khoa học xã hội.
Misinformation không chỉ gây tình trạng hoang mang trong cộng đồng, mà còn gieo nỗi sợ hãi cho xã hội, tạo kích động trong cộng đồng mạng. Ngạc nhiên thay, nhiều người tung tin nhảm lại là những fb nổi tiếng. Cũng có thể họ mất niềm tin vào các nhà chức trách. Do đó, chúng ta không chỉ cần phải tỉnh táo để phân biệt tin giả và tin thật, mà còn biết cách lượng giá thông tin. Dưới đây là vài cách để tránh bị kích động bởi misinformation:
* Nguồn thông tin từ đâu và ai, có đáng tin cậy, có “About us” hay không? Có nhiều fb nổi tiếng chuyên về chánh trị, nhưng họ nhiều khi phao tin về virus Vũ Hán như là một đại dịch hay tiềm năng đại dịch ở VN, làm cho cộng đồng hoang mang.
* Kiểm tra nội dung thông tin qua các trang web khác. Nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy, mà chỉ là đồn nhảm. Chẳng hạn như thông tin cho rằng Singapore không cho hàng trăm khách từ Vũ Hán nhập cảnh, nhưng nguồn tin chánh thức từ chánh phủ Singapore khẳng định đó là tin giả tạo.
* Kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân, kích động, cảm tính (như ‘địa ngục’), có khi nhân cơ hội chửi quan chức và Nhà nước toàn trị. Ngôn ngữ của họ thường giả bộ khoa học, nhưng không có dữ liệu (và thay vào đó là trích dẫn từ ông này, bà kia mà không rõ văn cảnh, nói chung là mượn danh). Ngoài ra, bản tin gốc tiếng Anh họ viết nhiều khi sai về chánh tả và ngữ pháp.
* Không chỉ đọc tựa đề. Rất nhiều bản tin trên báo có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus Corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất cứ chứng cớ nào. Có những trang web nước ngoài còn tung ra những ‘thuyết âm mưu’ lạ lùng. Chẳng hạn như họ cho rằng các công ti dược, thậm chí Bill Gate tạo ra những chủng vi khuẩn mới để ... bán thuốc. Sự hiện diện của cái labo (bị nghi ngờ làm nghiên cứu về vũ khí sinh học) cũng được suy luận là nguồn gốc của vi khuẩn Vũ Hán, dù chẳng có chứng cớ gì. Cái này người mình hay ví von là ‘treo đầu dê bán thịt chó’.
* Kiểm tra hình ảnh. Rất nhiều bản tin kèm theo những hình ảnh ghê rợn (như ăn súp dơi) nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus đang được quan tâm. Rất nhiều hình trên fb không hề có chú thích nhưng làm cho người xem có cảm tưởng như là liên quan đến thông tin. Hình như hiện tượng này có tên là “clickbait” hay “câu view”. Đừng mắc mưu những kẻ kém lương thiện như vậy.
Những cơn dịch cúm đến rồi đi trong 40 năm qua. Dịch Ebola năm 1976 ảnh hưởng đến 33000 người và tỉ lệ tử vong là 40%. Năm 1998, con Nipah làm cho 500 người bị nhiễm, nhưng tỉ lệ tử vong lên đến 78%! Năm 2002, SARS đến, làm nhiễm 8000 người, và 7-9% chết. Năm 2012 MERS gây nhiễm chừng 2500 người nhưng tỉ lệ tử vong khá cao (34%). Năm nay cũng con Corona (cùng dòng họ với con gây SARS và MERS) gây tác động cho hơn 1000 người, nhưng tỉ lệ tử vong chỉ 3% (hay có thể thấp hơn). Khả năng phòng chống dịch trên thế giới có nhiều tiến bộ, và chúng ta có lí do để kì vọng rằng dịch Vũ Hán rồi sẽ là quá khứ.
Trong tất cả các trận dịch trên, không có dịch nào giết nhiều người bằng cúm mùa. Mỗi năm cúm cướp đi hơn 650,000 sanh mạng trên thế giới. Ấy vậy mà chẳng ai sợ hãi cúm! Khi chúng ta không hiểu một hiện tượng, chúng ta sợ hãi; khi chúng ta hiểu hiện tượng thì sự sợ hãi sẽ biến mất.
Nói ra thì chắc có người tức giận, nhưng tôi phải khen giới khoa học Tàu trong vụ virus Vũ Hán. Chỉ 10 ngày sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, họ đã giải mã toàn bộ hệ gen của virus. Chẳng những vậy, họ còn công bố kết quả cho giới khoa học thế giới phân tích. Hơn thế nữa, họ công bố 2 bài báo trên tập san y khoa lừng danh Lancet mô tả chi tiết những ca bị nhiễm. Họ làm thật nhanh và bài bản.
So với vụ SARS khoảng 18 năm trước, Tàu đã tiến bộ nhiều về khoa học và công nghệ sinh học, giỏi hơn về công bố khoa học, và minh bạch hơn với thế giới.