Thêm một góc nhìn cho các cụ!
MIỀN ĐẤT HỨA CỦA TÔI
Khải hoàn và bi kịch của Israel
Tác giả Ari Shavit là nhà báo, nhà văn Israel, ông từng là phi công nhảy dù trong lực lượng Phòng vệ Israel. Cụ ông là người Do Thái giàu có tại Anh trở về nước tham gia tổ chức Chủ nghĩa Zion.
Như chúng ta nhìn trên bản đồ thì thấy Israel này nằm lọt thỏm ở giữa các nước Arab. Biên giới phía Bắc giáp với Lebanon, phía Đông giáp với Syria và Jordan, phía Tây Nam giáp với Egypt. Chỉ mỗi phía Tây là Israel này có thể thở được từ biển Địa Trung Hải. Xung quanh xa hơn một chút thì vẫn mấy nước Arab đó là Lybia, Iraq, Iran, Saudi Arabic. Về cơ bản là một Do Thái giáo được bao vây bởi một cộng đồng Đạo hồi.
MIỀN ĐẤT HỨA CỦA TÔI cho chúng ta thấy một góc nhìn từ bên trong của nước Israel. Một lần nữa chúng ta được thấy bất cứ đất nước nào cũng có nhiều vấn đề nội tại cần phải giải quyết. Và Israel đang đối mặt với việc chưa tìm được lối thoát cho những vấn đề đó.
Đến cuối thế kỷ 19 thì một số tinh hoa người Israel chán với cảnh bị coi là công dân hạng hai, hạng ba cho dù rằng mình vừa giỏi vừa giàu. Cùng với đó là phong trào bài Do Thái ngày càng lan rộng. Họ quyết định trở về quê tìm miếng đất cắm dùi đó chính là lý do ra đời của tổ chức Chủ nghĩa Zion hay còn gọi là Chủ nghĩa phục Quốc Do thái. Việc phải làm đầu tiên là gom mua đất từ người Palestine đã sống ở đây hàng trăm năm rồi. Đến năm 1921, 80.000 người Do Thái sống ở Palestine đã đi theo lý tưởng chủ nghĩa xã hội kiểu công xã. Có thể nói mảnh đất ở thung lũng Ein Harod là điểm khởi đầu cho những người Do thái thoát khỏi tình cảnh một dân tộc lưu vong. Tử chỗ mua, xua đuổi và cả giết người dân bản xứ rồi đến một ngày tất cả người dân Palestine phải rời khỏi thung lũng Ein Harod. Có thể ví thung lũng Ein Harod như điểm rơi của hòn đá xuống ao bèo (là mảnh đất của Israel và Palestine), những gợn sóng làm cho những cây bèo cám cứ dạt ra xa dần. Nhìn vào bản đồ khu vực kiểm soát của người Israel thì chúng ta thấy rõ điều đó.
Xung đột giữa người Do thái và người Palestine xảy ra triền miên. Đỉnh điểm của xung đột là tại làng Lydda năm 1948 hàng ngàn người bị bắt giữ trong nhà thờ Hồi giáo với nguy cơ bị giết hại. Và một cuộc đàm phán diễn ra với kết quả là tất cả người dân Palestine ở đây có 3 tiếng đồng hồ để thu xếp hành lý bỏ lại đất đai, nhà cửa, tài sản để ra đi. Hình ảnh đoàn người hàng chục ngàn, dài lê thê trong nắng nóng đi giữa những hàng cây ô liu kéo theo bụi mù mịt. Khát cháy họng người già, phụ nữ và trẻ em lần lượt gục ngã. Giống như người Do thái cổ đại, những người dân Palestine ở Lydda đang phải đi lưu đày. Từ một dân tộc bị phân biệt đối xử ở Châu Âu, bị diệt chủng trong các trại tập trung thì Israel lại trở thành một Quốc gia phân biệt chủng tộc. Chính điều này làm nên thất vọng cho bản thân của nhiều người Do Thái.
Là một đất nước bị bao vây xung quanh bởi các nước thù địch. Nhu cầu cần cái chụp thủy tinh để bảo vệ chống lại những kẻ đang săn mồi rình tập. Bằng nỗ lực không mệt mỏi các kỹ sư và nhà khoa học Israel với sự trợ giúp của Pháp đã có được hệ thống vũ khí hạt nhân để bảo vệ sau khoảng 10 năm nghiên cứu và phát triển. Và rất nhiều hệ thống thiết bị quân sự như hệ thống đánh chặn tên lửa mà chúng ta thấy đợt vừa rồi.
Các tổ hợp công nghiệp quân sự đầu tư nghiên cứu phục vụ cho việc tự vệ trong nửa thế kỷ của Israel và đó chính là nguồn nhân lực quan trọng cho các công ty công nghệ cao sau này. Thập niên 90 của thế kỷ 20 với 1 triệu người Nga nhập cư trong đó có hàng trăm ngàn người có trình độ cao đã cung cấp cho sự nghiệp phát triển công nghệ một lực lượng lao động chất lượng cao dồi dào
Phong trào Intifada của người Palestine chống lại chiếm đóng của nhà nước Israel dẫn đến hàng ngàn thường dân Palestine mòn mỏi trong những trại giam. Tác giả đã chua chát thừa nhận: “Chúng tôi túm được thóp họ và họ túm được yết hầu chúng tôi. Chúng tôi nắm chặt còn họ siết lại. Chúng tôi làm họ mắc kẹt và họ làm chúng tôi tắc nghẽn.” Là một bi kịch khi mà người Do Thái ở Israel sống trong ngôi nhà của mình mà luôn nơm nớp lo sợ còn người Palestine thì bị đối xử như những người nô lệ.
Israel ngày nay là một nước kinh tế phát triển với vô số phát minh phục vụ nhân loại. Bên cạnh đó luôn tồn tại xung đột sắc tộc, đánh bom liều chết và chiến tranh nổ ra bất cứ lúc nào. Với những mâu thuẫn căn bản không có lời giải thì những hoà giải mà các bên và các tổ chức Quốc tế đưa ra chỉ là giải pháp tạm thời!
Với một cuốn sách khoảng 550 trang không thể chỉ tóm tắt được trong vài dòng, chỉ note lại những điều mà tôi cảm thấy thú vị. Đây là một cuốn sách hay cho những ai quan tâm đến địa chính trị ở khu vực Trung Đông!