Việc kẹt thang máy là “chuyện thường ngày ở huyện” trên thế giới (mà điện đóm của họ ổn định gấp vạn lần ở ta, không tăng, sụt áp, không tắt phụt liên tục đâu). Ở ta, do thang máy còn rất mới mẻ trong những năm gần đây, nhiều người thậm chí còn chí còn chưa sử dụng thang máy bao giờ, nên mới làm rùm beng lên thế.
Yêu cầu:
1. Bình tĩnh
2. Bấm nút chuông báo động hoặc gọi điện cho bộ phận cứu hộ (theo số điện thoại liên lạc trong cabin)
3. Bĩnh tĩnh chờ nhân viên cứu hộ, người của ban quản lý tòa nhà đến cứu ra. Hãy chuẩn bị tinh thần bạn phải chờ đến 1h để được đưa ra ngoài là chuyện hết sức bình thường vì việc cứu hộ có một quy trình và mất thời gian.
Người bên trong, bên ngoài không nên la ó, hoảng hốt, chen lấn đến mức ngất xỉu rồi phải "dùng xà beng cậy cửa".
Đặc biệt, hành động này rất nguy hiểm vì càng la hét, hoạt động mạnh, ta càng hít vào nhiều oxy, làm giảm lượng oxy trong một không gian chật hẹp, đông người. Thay vì la hét, chen lấn, mọi người nên yên lặng, đứng im để giảm lượng khí oxy cần phải hít vào, tránh thiếu oxy.
Cũng xin nói thêm rằng tôi nghĩ thông tin cabin thang máy không có quạt thông gió, không có cửa thoát hiểm trên nóc cabin chắc chắn là sai vì đó là những điều cơ bản của tất cả các hãng, nếu không thì không qua kiểm định được.
Thang máy là một lĩnh vực liên quan đến an toàn nên phải có kiểm định. Tuy nhiên, đầy một cabin người như vậy (trên dưới 20 người), thời tiết lại nắng nóng, mặt trời lúc 2h chiều chiếu vào thang lồng kính thì dù quạt thông gió có chạy hết tốc lực thì người bên trong cũng vẫn cảm thấy ngột ngạt như thường (đứng bên ngoài trời còn ngột ngạt chứ đừng nói là bên trong).
Về điểm này, chắc ban quản lý ở Ngũ Hành Sơn nên rút kinh nghiệm, chi tiền để lắp thêm điều hòa trong cabin. Còn cửa cứu hộ trên nóc cabin thì không phải người bình thường tự nhiên mở được ra đâu. Phải có chìa khóa hoặc dùng lực tác động rất mạnh. Cửa thoát hiểm trên nóc cabin thường được “ngụy trang” bằng trần giả trang trí nên bình thường sẽ không để ý đến. Cửa này được lực lượng cứu hộ sử dụng để đưa người ra chỉ trong các trường hợp thật cần thiết (VD cửa bị kẹt, không mở, không phá ra được do bị vật khác chắn ngang).
Có ý kiến của một trong những nạn nhân nói là phải trang bị búa trong cabin để đập kính thoát ra. Xin nói luôn đây là điều hoang tưởng. Kính cabin thang máy là loại kính cường lực, chịu nhiệt theo các tiêu chuẩn an toàn. Một chiếc búa bình thường sẽ không bao giờ phá được kính. Nên tốt nhất là chờ lực lượng cứu hộ đến mở khóa cứu ra thôi.
Ngoài ra, những người bên ngoài nên kiên nhẫn chờ thêm một vài phút để nhân viên cứu hộ dùng chìa khóa mở cửa thang máy chứ tuyệt đối không nên manh động, cậy phá cửa bằng xà beng vì sẽ làm hỏng thiết bị đắt tiền, tốn kém tiền của xã hội, và đặc biệt là gây nguy hiểm hơn cho những người bên trong.
Cần nhấn mạnh là việc kẹt thang máy có thể xảy ra với bất kỳ loại thang máy nào, kể cả các loại thang tốt nhất trên thế giới và trong những tòa nhà sang trọng nhất thế giới. Đó là do thang máy, cũng như bất kỳ thiết bị điện nào khác, hoạt động còn phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của nguồn điện. Việc thang máy dừng hoạt động khi nguồn điện bị tăng, sụt áp mạnh chứng tỏ các thiết bị an toàn của thang đang hoạt động tốt nên mới dừng thang lại để đảm bảo an toàn cho hành khách.
Tại các nước nghèo như nước ta, nguồn điện không ổn định, tăng áp hoặc sụt áp đột ngột, chắc chắn không thể yêu cầu các thiết bị điện hoạt động ổn định được. Công nghệ ngày càng tiên tiến nhưng kể cả các hãng sản xuất hàng đầu thế giới vẫn chưa giải quyết được vấn đề tăng, sụt áp điện đột ngột với cường độ mạnh. Do đó, mọi người nên trang bị thêm kỹ năng, kiến thức để biết cách ứng xử khi chính bản than mình rơi vào trường hợp này, đặc biệt khi ngày càng có nhiều nhà cao tầng lắp đặt thang máy ở Việt Nam.
http://dothi.net/ban-doc-viet/6551/xu-ly-tinh-huong-khi-bi-ket-thang-may.htm