https://www.facebook.com/drtuanvnguyen/posts/1471105749869213:
Đó là một buổi sáng tinh mơ, trong lành, và yên ắng. Chưa tận hưởng được bao lâu, thì đột nhiên cái loa nó rú lên như xé tan cái không gian tĩnh lặng thần tiên. Rồi sau đó là những âm thanh lè nhè quen thuộc.
Mới bước vào phòng ăn sáng, gặp ông đồng nghiệp Mĩ, ổng kêu lại và hỏi: “Này, hồi nãy cái loa nó nói gì thế? Họ nói về hội nghị của chúng ta?” Tôi cười méo miệng giải thích rằng đó là cái đài radio phát thanh bản tin buổi sáng, và nó được truyền đi từ Hà Nội. Ông ấy và bà xã là người mới thăm Việt Nam lần đầu (trong một hội nghị quốc tế), nên hai người tỏ ra rất ngạc nhiên. Có lẽ họ nghĩ ở thế kỉ 21 mà vẫn còn kiểu tuyên truyền đó, ông nói nhỏ nhẹ như vừa đủ để tôi nghe: “Tôi tưởng Việt Nam đã bỏ cộng sản lâu rồi chứ”. Tôi nhún vai và nói “Chào mừng đến Việt Nam “, rồi cả hai người vui vẻ.
Có thể nói cái loa phường ở Việt Nam như là một “ritual” = nghi lễ tôn giáo. Ở các nước Hồi giáo (tôi có kinh nghiệm ở Saudi Arabia) mỗi sáng, trưa và chiều có chương trình đọc kinh được phát thanh qua các loa và đài radio (tôi chưa kiểm tra xem có phát hình hay không). Ở Việt Nam, tuy không phải là nước Hồi giáo, nhưng bản tin loa phường buổi sáng và buổi chiều cũng có thể xem là một “nghi lễ” tôn giáo. Trong tôn giáo, người ta bắt tín đồ phải tin theo giáo lí, và điều đó là lựa chọn của tín đồ. Nhưng ở VN, tuy số “tín đồ” tôn giáo mà Nhà nước tin và theo chỉ 2-3 triệu, nhưng cái nghi lễ đó thì cả 90 triệu người bị ép buộc phải nghe. Đó là một sự không công bằng.
Cái loa phường nó hiện diện như là một di sản của một thời mông muội. Nó trịch thượng vì nó lúc nào cũng lên giọng dạy đời thiên hạ. Nó thách thức công chúng, vì nó biết công chúng ghét nó nhưng không làm gì được. Nhưng hơn hết, nó là một chứng từ của một sự cai trị bằng tuyên truyền. Việt Nam đã đổi mới khá nhiều, nhưng có cái không/chưa đổi mới theo kịp đà văn minh của nhân loại: đó là cái loa phường.