Bình Định: Thêm một làng nghề nước mắm được trao chứng nhận nhãn hiệu
Lê Tuấn
26/09/2017 15:31
Ngày 22/9, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện Phù Cát tổ chức Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho Làng nghề nước mắm truyền thống Đề Gi, huyện Phù Cát, Bình Định.
Nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Đề Gi” được UBND huyện Phù Cát phối hợp Trung tâm Thông tin vàThống kê KH&CN xúc tiến xây dựng từ năm 2015, từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của huyện. Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định ngày 25/7/2017 cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận số 281979 cho sản phẩm “Nước mắm Đề Gi” của làng nghề truyền thống Đề Gi (huyện Phù Cát).
Đến dự có ông Nguyễn Trung Kiên - Phó bí thư huyện ủy, ông Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, lãnh đạo xã và bà con các hộ sản xuất nước mắm truyền thống ở hai xã Cát Khánh và Cát Minh, huyện Phù Cát. Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, đại diện Sở Công thương và Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tỉnh.
Ông Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: Làng nghề sản xuất nước mắm Đề Gi có từ lâu đời với khoảng 300 hộ sản xuất chủ yếu ở xã Cát Khánh và một số hộ ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát. Những tổ nghề từ xa xưa đã biết tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ biển cả, kết hợp với phương pháp truyền thống tạo ra loại nước mắm Đề Gi thơm ngon và có đặc trưng riêng. Với hình thức cha truyền con nối, Đề Gi trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Bình Định. Sản phẩm nước mắm Đề Gi có nhiều kích cỡ và độ đạm khác nhau, đang được tiêu thụ mạnh thị trường tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cao; đồng thời nâng giá trị sản phẩm từ nghề khai thác, đánh bắt thủy sản của làng biển Đề Gi.
Đại diện các hộ sản xuất nước mắm truyền thống Đề Gi, cơ sở sản xuất Diệu Thủy, bày tỏ niềm vui khi làng nghề được chứng nhận, cũng như cam kết thức hiện những quy định về sản xuất, lấy chất lượng làm đầu, vì nhãn hiệu tập thể của làng nghề.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định (trái) trao giấy chứng nhận nhãn hiệu nước mắm truyền thống Đề Gi cho UBND huyện Phù Cát.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định đánh giá: “Nước mắm Đề Gi được sản xuất nhờ nguồn cá cơm, cá nục, cá sơn, cá thu…cộng với muối Đề Gi của nước đầm Đạm Thủy tạo nên nước mắm Đề Gi “trắng, mặn dịu”, thơm ngon, tinh khiết được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Sản phẩm làng nghề truyền thống này được cấp chứng nhận nhãn hiệu là sự khẳng định chất lượng, tạo dựng lòng tin, uy tín đối với người tiêu dùng. Qua đó, nâng khả năng cạnh tranh, tăng doanh thu, tăng thu nhập cho người sản xuất; đồng thời chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và giả mạo”.
Sau lễ công bố quyết định, đoàn công tác của Sở KH&CN đã đến thăm cơ sở sản xuất truyền thống của bà Trần Thị Hương ở thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, Phù Cát, một gia đình có truyền thống làm nghề từ lâu đời, nhìn không khí sản xuất tại hộ gia đình, hàng dãy các thùng đựng các loại cá muối nước mắm, cá mới được mua về chuẩn muối…Bà Hương cho biết hàng tháng gia đình bán cho các cơ sở bán lẻ ở Gia Lai hàng tấn nước mắm.
Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống tại Đề Ghi.
Thời gian tới, UBND huyện Phù Cát tiến hành cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các hộ sản xuất, đồng thời xây dựng khu chế biến nước mắm tập trung, không gian trưng bày sản phẩm, tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và du lịch làng nghề.
Như vậy, cho đến nay Bình Định có 3 làng nghề nước mắm truyền thống được công nhận nhãn hiệu là Nước mắm Tam Quan, Nhơn Lý và Đề Gi, gắn với 3 cảng cá nổi tiếng của vùng.
Lê Tuấn