Báo động nạn tấn công website
Các website liên tiếp bị tấn công, hội chứng phát tán virus "nội" đã bùng phát; trong khi vấn đề an ninh mạng vẫn... bất an; việc xử lý vi phạm vẫn chưa cho thấy sức mạnh răn đe... Tất cả những điều đó vừa báo động vấn đề tội phạm an ninh mạng, vừa đặt ra câu chuyện "pháp lý".
Dồn dập tấn công - lúng túng xử lý
Trong năm 2006, nạn phát tán virus "nội" đã bùng phát và kéo dài đến tận bây giờ như một vấn nạn nghiêm trọng. Chưa hết, những ngày cuối năm 2006 đầu 2007, liên tiếp website đồng loạt bị tấn công. Ngòi nổ cho cuộc tấn công dồn dập này là website vff.org.vn của Liên đoàn Bóng đá VN.
Trong dịp Tết dương lịch, website nhacso.net của FPT cũng bị tin tặc tấn công khiến cấu trúc bị lệch đi và tê liệt suốt nhiều giờ. Ngoài dòng chữ "em moi dang chi hoc hack, các bac dung bat em toi nghiep", kẻ xâm nhập còn để lại biểu tượng YM nghe ĐTDĐ và một hình người vẽ đồ hoạ cho biết nguồn gốc lấy từ địa chỉ
http://www.it-ed/it/hacker/05.jpg.
Hình ảnh website nhacso.net bị tấn công
Cũng trong ngày, website của Bộ GTVT cũng bị phá hoại và tin tặc cũng để lại file cảnh báo
http://portal.mt.gov.vn:8084/thanhtragtvt/pink_panthez.txt với dòng chữ "he thong may chu cua Bo hacker co the kiem soat de dang!mong admin som fix loi". Sau cuộc tổng tấn công dồn dập này, cư dân mạng và nhất là các chuyên gia an ninh cho rằng: Đây có thể là hệ quả từ vụ Bùi Minh Trí tấn công website của Bộ GDĐT nhưng lại còn được nhiều ý kiến bênh vực, hoặc biện hộ theo kiểu "em nó còn non nớt, bồng bột, việc làm trên cũng xuất phát từ động cơ cảnh báo những lỗ hổng bảo mật" (?).
Nếu xâu chuỗi các vụ việc thì có thể thấy: Rõ ràng nạn phát tán virus và tấn công website đã bùng phát rất mạnh, khó kiểm soát và gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, việc xử lý lại chỉ dừng ở mức độ "phạt hành chính". Tại đại hội của "hacker mũ trắng", ông Nguyễn Thế Đông, Cty Athena cảnh báo: Với diễn biến này, năm 2007 rất có thể tin tặc sẽ tiếp tục lộng hành.
Chuyên gia Nguyễn Tử Quảng, GĐ Trung tâm An ninh mạng BKIS cũng đồng thuận với quan điểm này. Tuy nhiên, phản ứng gay gắt hơn thế, ông Quảng cho rằng: Tính pháp lý đã không nghiêm minh; trong khi đó quan điểm xã hội cũng lệch lạc. Ông Quảng nói: Thay vì cần lên án, xử lý nghiêm để răn đe thì dư luận xã hội đã hoặc biện minh, thậm chí là tán thưởng. Và theo ông Quảng là "hậu quả đã nhãn tiền".
Pháp luật nghiêm minh - an ninh tăng cường
Đến đây sẽ có 2 vấn đề đặt ra: Thứ nhất là việc xử lý để ngăn chặn vi phạm; thứ đến là câu chuyện về vấn đề an ninh mạng.
Từ góc độ pháp luật, luật sư Thế Hùng nêu quan điểm: Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần phải được lên án. Thực tế, khi đã là pháp luật thì cần trước hết là sự nghiêm minh; thậm chí khi đối mặt với pháp luật, vấn đề tình cảm có khi còn không nhiều ý nghĩa.
Vì thế, việc Bùi Minh Trí tấn công website của Bộ GDĐT (cũng như đối với những cá nhân vi phạm khác) trước hết cần tính nghiêm minh trong xử lý, bởi đây thực chất là sự vi phạm nghiêm trọng. Việc "cảnh báo", "bồng bột, non nớt" không thể có trong vấn đề pháp lý.
Còn ông Đông cho rằng: Nếu không được điều tra, xử lý nghiêm khắc trước pháp luật, tình trạng này sẽ tác động xấu tới các giao dịch qua mạng như mua bán trực tuyến, giao dịch ngân hàng và tiếp thị qua mạng... Thậm chí, tin tặc có thể tiến tới dùng các phần mềm tống tiền để giải mã hoặc gỡ những phần mềm gián điệp, quảng cáo.
Vậy còn vấn đề an ninh mạng? Theo ông Quảng, hiện nay tại VN có tới 25% lượng website bị lộ lỗ hổng bảo mật. Đây đúng là điểm yếu khiến cho tin tặc có cơ hội hoành hành. Tuy nhiên, không thể coi đấy là lý do để phá hoại. Ông Quảng đặt câu hỏi: Sẽ ra sao nếu như ai cũng cho mình quyền phá hoại nhà người khác khi ngôi nhà đó sơ hở hoặc không có khả năng bảo vệ.
Theo một chuyên gia khác, tính nghiêm minh của pháp lý chính là "bảo mật" an toàn nhất, bởi vì khi pháp lý nghiêm minh thì dù có cơ hội vi phạm pháp luật, họ cũng không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cũng cho rằng: Đúng là các website cần chuyên nghiệp hơn trong vấn đề này, bởi thực tế sẽ dễ dàng để truy tìm thủ phạm, nhưng sẽ rất khó khăn khi xử lý, nhất là nếu hacker nằm ngoài VN. Vì thế theo ông Quảng, khi lập mạng, website cần phải được chuyên gia tư vấn, giám sát và cảnh báo về vấn đề an ninh mạng.
Theo Lao Động