Em nhớ mãi cái lần đầu tiên em được ăn bánh mì Ba Lan ở TP. Nam Định. Mùa hè năm đó, em tầm 5-6t thì bố em đưa em lên thành phố để khám chữa viêm tai. Sáng hôm ấy, hai bố con trú cơn mưa rào mùa hạ ở cái vỉa hè bách hóa (trên có mái che), trải tấm áo mưa ra ngồi và ăn bánh mì chấm sữa đặc ông thọ, xung quanh có người ăn bánh mì, có người ăn bánh cuôn. Bao nhiêu năm rồi mà em vẫn không quên nổi hình ảnh đó các cụ mợ ạ!
Bây giờ mỗi lần về quê, nếu không quá gấp em thường đi xuyên qua thành phố để mua ít bánh mì. Ăn bánh mì Ba Lan ngon nhất vẫn là chấm sữa đặc các cụ mợ nha.
Tại sao lại gọi là bánh mì Ba Lan? Em xin phép chia sẻ bài viết này trên báo:
Vẹn nguyên hương vị bánh mì hơn nửa thế kỷ
Năm 1969, cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt. Các nước khối XHCN dành nhiều viện trợ cho Việt Nam như: vũ khí, máy móc công nghiệp, lương thực, thực phẩm, đường mía… Trong đó, Ba Lan đã tặng nước ta 1 nhà máy làm bánh mì với công suất 1.500 tấn/năm đặt tại thành phố Nam Định. Nhà máy bánh mì Ba Lan hoạt động dưới sự quản lý của Ty Lương thực Nam Hà. Thời kỳ đó, bánh mì được liệt vào loại đồ ăn phụ ngoài cơm dễ ăn nhất và Nam Định đã trở thành nơi cung ứng bánh mì cho cả vùng Đông Bắc Bộ. Dần dần, bánh mì được nhiều nơi sản xuất, lò tư nhân cũng nhiều, kể cả khi bánh mì của các thương hiệu nước ngoài xuất hiện trên thị trường thì bánh mì Ba Lan tuy quy mô, sản lượng có giảm nhưng vẫn giữ được vị trí không thể thay thế trong tâm trí người Nam Định. Qua nhiều lần chuyển đổi, tái cơ cấu hiện tại Nhà máy bánh mì Ba Lan trực thuộc Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Nam Định.
Ông Đặng Quang Thắng, Giám đốc Công ty cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, Nhà máy bánh mì Ba Lan đã trải qua 6 thế hệ lãnh đạo. Xưởng bánh mì hiện nay chỉ có 30 công nhân lao động; vẫn duy trì sản xuất hàng ngày. Kế thừa tâm huyết và công sức của lớp lãnh đạo, người lao động thế hệ trước, chúng tôi vẫn lao động miệt mài, hăng say để giữ gìn hương vị truyền thống vốn có đã làm nên thương hiệu bánh mì Ba Lan bao năm qua”. Trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Nam Định, hình ảnh các cô, các chị đi xe đạp, xe máy, thậm chí cả đi bộ với những sọt hay thùng xốp, thúng đựng bánh mì Ba Lan đi khắp các ngõ ngách phố phường, sân ga tàu hỏa, bến xe... với tiếng rao “Ai bánh mì Ba Lan đê…ê...!”; “Bánh mì Ba Lan đây...” đã ăn sâu vào tiềm thức. “Bánh mì ơi”, người mua cất tiếng, người bán nhanh nhẹn dừng lại. Lớp vải phủ dày (thường là mảnh chăn bông trần - cũng là sản phẩm đặc trưng của thành phố Dệt, mềm và giữ nhiệt tốt) vừa hé ra, mùi hương bánh mì “mới lấy” thơm nức bay ra thật hấp dẫn. 5.000 đồng/chiếc bánh bé, 10 nghìn đồng/chiếc bánh to, giá bây giờ có nhỉnh hơn thêm 1.000-2000 đồng/chiếc tùy cỡ. Chỉ vậy là đủ thay bữa cơm cho 1-2 người.
Trải qua hơn 50 năm thăng trầm cùng lịch sử, bánh mì Ba Lan luôn giữ nguyên vẹn hương vị thơm ngon, vỏ bánh vàng ruộm giòn dai, ruột đặc, mềm, có vị ngọt nhẹ do lên men bởi bột mì hảo hạng. Các mẻ bánh liên tục được ra lò và phân phối đi khắp nơi. “Thị trường” bánh mì Ba Lan sôi động nhất là vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Trên mọi tuyến đường từ thành phố đi về các huyện và các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, ga tàu, bến xe khách đâu cũng có bánh mì Ba Lan. Từ thành thị đến nông thôn khắp trong, ngoài tỉnh, thương hiệu bánh mì Ba Lan của Nam Định ngày càng được phổ biến rộng rãi.
Suốt hơn 50 năm qua, cán bộ, công nhân của Công ty cũng miệt mài với 3 ca làm việc, mỗi ca 8 giờ để luôn có những mẻ bánh mì nóng hổi phục vụ thị trường. Anh Trần Đại Nghĩa, quản đốc phân xưởng bánh mì cho biết: “Từ khi còn nhỏ tôi đã theo chân bố đến xưởng bánh mì Ba Lan mỗi ngày nghỉ học. Hương vị bánh mì Ba Lan đã rất thân thuộc với tôi từ bé. Vì thế, lớn lên tôi lại kế nghiệp bố, vào làm việc tại xưởng bánh mì Ba Lan, đến nay được hơn 30 năm rồi”. Không chỉ anh Nghĩa còn có nhiều công nhân đang làm việc tại xưởng là thế hệ thứ hai, thứ ba trong gia đình đã gắn bó với xưởng bánh mì Ba Lan. Chia sẻ về nghề, anh Nghĩa cho biết: “Nguyên liệu làm bánh mì chủ yếu vẫn bao gồm bột mì cao cấp, men nở đặc biệt, nước và tuyệt đối không được dùng chất bảo quản. Để có chiếc bánh mì ngon, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm công thức và kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề kết hợp với công nghệ sản xuất bánh mì cổ điển của nước bạn Ba Lan chuyển giao từ khâu phối trộn nguyên liệu đến các công đoạn lăn, vê bột; tất cả đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng của người thợ. Theo anh Nghĩa, công đoạn lăn, vê, “quật” bột là quan trọng nhất và đòi hỏi sức khỏe và độ kiên trì của người làm. Bột càng mịn, dẻo thì bánh càng mềm và ngon. Người đứng trực lò phải không được lơ là để đảm bảo nướng bánh theo đúng nhiệt độ quy định. Anh Nghĩa tự hào chia sẻ: “Suốt hơn 50 năm qua, lò bánh mì của công ty chúng tôi hàng năm chỉ nghỉ đúng chiều Tất niên và đêm Giao thừa, sáng mồng 1 Tết lại nổi lửa đốt lò nướng bánh. Đây cũng là nhà máy bánh mì duy nhất còn lưu giữ được toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị nguyên vẹn từ thời đó, với công suất lớn nhất Việt Nam hiện nay”. Mỗi năm, xưởng bánh mì Ba Lan của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Nam Định cung ứng ra thị trường hơn 700 tấn bánh mì thành phẩm các loại, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động.
Giữ “lửa” bánh mì Ba Lan
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có tổng số 125 đại lý cấp I. Nhiều đại lý đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân mỗi khi muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị bánh mì Ba Lan chính gốc truyền thống như cửa hàng bánh mì Ba Lan ông Thọ ở số 31 đường Hàng Thao, ông Cử tại ngã 3 đường S2 Lê Đức Thọ, bà Minh ở đường Điện Biên, ...
Bà Đỗ Thị Dung, 60 tuổi, trú tại số 30 đường Thái Bình tâm sự với chúng tôi: “Gia đình tôi đã có 24 năm bán bánh mì Ba Lan. Mỗi ngày tôi đều phải dậy sớm từ 4 giờ sáng để đến Công ty lấy bánh, 5 giờ sáng sắp xếp mở cửa hàng để kịp phục vụ người lao động, công nhân, học sinh mua đồ ăn sáng sớm và bán đến tối muộn cho đến khi hết bánh. Công ty rất thấu hiểu và quan tâm đến sự vất vả của chúng tôi, không chỉ trang bị giúp xe bán hàng, biển quảng cáo, logo, thùng đựng, ô che, đồng phục, áo mưa còn thường xuyên có chế độ thăm hỏi chăm sóc khách hàng chu đáo. Hàng năm đều có thưởng theo doanh số và tri ân các đại lý bán hàng nên chúng tôi cũng yên tâm gắn bó lâu dài với Công ty”. Không chỉ vậy, nhờ bán bánh mì Ba Lan, kinh tế gia đình bà Dung cũng khấm khá hơn trước nhiều. Mỗi ngày cửa hàng của bà Dung bán được 500-1.000 chiếc, cá biệt có hôm hơn 2.000 chiếc. Nhờ vậy, cả 2 con của bà được học đại học, ra trường đã có việc làm ổn định. Bánh mì Ba Lan không chỉ là món ăn vặt, món quà sáng rẻ tiền, chất lượng (no lâu) mà còn được sử dụng trong các mâm cỗ để ăn kèm với món thịt bò sốt vang... Với hương vị đặc trưng khó phai mà đến nay bánh mì Ba Lan còn trở thành món quà quê cùng với các loại bánh đặc sản khác của Nam Định như xíu páo, kẹo lạc sìu châu, bánh gai bà Thi, …
Chính vì vậy dù ngày nay có nhiều loại bánh mì được sản xuất, kể cả các thương hiệu nước ngoài, rồi phong trào tự làm bánh mì với nguyên liệu, dụng cụ làm bánh, công thức làm bánh được quảng bá rộng rãi, thuận tiện song bánh mì Ba Lan vẫn có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Tin rằng dù bao lâu nữa, bánh mì Ba Lan được sản xuất từ nơi “Trọn chữ Tâm, tròn chữ Tín” sẽ vẫn giữ được “hồn cốt” hương vị đã tạo nên thương hiệu, cũng là một “đặc sản” ẩm thực độc đáo không thể quên của những người dân Thành Nam./.
Về thành phố Nam Định những ngày mùa đông, chợt nghe một tiếng rao quen thuộc đến bồi hồi “Ai bánh mì Ba Lan đê”; thế là kiểu gì cũng phải lượn lên đường Thái Bình đúng giờ bánh ra lò để lại được tận hưởng mùi hương bánh mì Ba Lan thơm nức vẹn nguyên như 50 năm trước lan tỏa trong không gian. Để...
baonamdinh.vn