Em có 2 đứa con đang học bậc trung học cơ sở ở Đức thì đánh giá là hệ thống giáo dục của Đức đúng chuẩn...CNXH.
.
Miễn phí từ nhà trẻ đến hết cao học, hệ thống trường công từ nông thôn đến thành phố chất lượng đồng đều. Chuyện kinh doanh giáo dục ở Đức không phổ biến. Trường tư ở bậc phổ thông rất ít, chủ yếu là các trường quốc tế cho những người sang làm việc ngắn hạn ở Đức, không có ý định để con học tiếng Đức lâu dài.
Bậc đại học thì cả sinh viên quốc tế cũng không phải đóng học phí. Người Đức có bố mẹ thu nhập không quá cao cũng như sinh viên nước ngoài có bố mẹ đang cư trú lâu dài và đóng thuế thì sẽ được nhận trợ cấp dưới hình thức vay không tính lãi, sau khi ra trường sẽ trả góp hoặc ai trả 1 cục ngay thì chỉ phải trả một nửa số đã vay. Các trường đại học tư cũng có nhưng chủ yếu là khối đào tạo về luật và quản trị kinh doanh để cho các cháu con nhà giàu hoặc muốn ra thi đấu quốc tế ngay khi ra trường.
Vài con số thống kê:
Ngân sách giáo dục, đào tạo, nghiên cứu năm 2022 của Đức là 264 tỷ Euro, bằng 9,6% GDP năm đó. Tổng chi cho giáo dục, đào tạo, nghiên cứu bao gồm cả tiền tư nhân bỏ ra là 370tỷ Euro. Năm 2022 tổng chi 219tỷ cho các cơ sở giáo dục (cả công và tư).
Trong số 264 tỷ ngân sách thì chia ra:
1. Riêng chi phí cho hệ thống trường phổ thông là 123 tỷ.
2. Cho hệ thống đại học là 51 tỷ.
3. Cho hệ thống nhà trẻ và mẫu giáo là 42 tỷ.
4. Chi hỗ trợ học sinh sinh viên như học bổng, tín dụng sinh viên là 15tỷ.
5. Cho các loại đào tạo không chính quy như học thêm ở trường buổi tối, các khoá nghiệp vụ cho người lao động... là 22 tỷ Euro.
Tiền do các công ty tư nhân và các viện nghiên cứu ngoài hệ thống đại học bỏ ra trong năm 2022 là khoảng 99 tỷ Euro.
Các hệ thống liên quan đến khoa học, giáo dục khác như viện bảo tàng, thư viện tiêu tốn hết thêm khoảng 7 tỷ Euro nữa.
Vậy nên như các cụ Karl Marx và Engels đã khẳng định rồi, muốn có CNXH tươi đẹp và công bằng thì trước tiên phải có CNTB tạo ra dồi dào vật chất làm cơ sở đã.