Chẳng giấu gì các cụ/mợ, F1 nhà em vừa nhận được kết quả thi đại học. Cháu thi đỗ vào trường Đại học Y và Đại học KHTN. Cả nhà rất vui vì cháu học hành chăm chỉ. Cháu đã đạt giải quốc gia, nhưng môn thi cháu có giải không phải là môn được tuyển thẳng, cháu lại thi tốt nghiệp loại trung bình (sử, địa điểm thấp) nên cháu không được cộng điểm ưu tiên, vẫn phải thi bình thường
Thế nhưng khi đọc bài báo này, em lại buồn. Em cảm thấy báo chí đang kỳ thị, chia cách hố sâu trong xã hội. Nhà em không giàu, nhưng nói nghèo phải chạy ăn từng bữa, đi xe đạp lọc cọc thì không đúng. Các cụ/mợ đọc bài báo này sẽ hiểu nỗi buồn của em.
Nghèo mới học giỏi?
TP - Tấm gương vượt lên gian khó, nghèo đến giật mình khó tin của tân thủ khoa Đại học Dược Hà Nội (29 điểm) ở một huyện ngoại thành thủ đô hẳn khiến tất cả chúng ta phải khâm phục và xúc động.
Hình ảnh cậu học trò Lê Đức Duẩn gày xanh xao 38 kg, mặc quần áo rách, đi chiếc xe đạp cũ nát không thể tồi tàn hơn (không pê-đan, không chắn xích, lốp chằng) ngày ngày cần mẫn tới trường làng, nuôi ước mơ học trường Dược để tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ, sẽ có tác dụng thức tỉnh hàng ngàn hàng vạn “cậu ấm”, “cô chiêu” con nhà khá giả ở các đô thị khắp cả nước.
Một hình ảnh tưởng chừng chỉ còn có ở thời bao cấp đói nghèo, nay bất ngờ tái xuất hiện trong gia đình một thủ khoa đại học. Không lẽ khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng doãng ra, rộng đến như vậy sao ?
Không hiểu chàng tân thủ khoa này sẽ nghĩ gì, viết gì về “thói vô cảm” và “bệnh mê muội thần tượng” khi gặp đề thi Văn ở khối C và D năm nay đây ? Chỉ riêng cuộc đời thực của cậu học trò nghèo này đã hoàn toàn xứng đáng một điểm 10 tròn trĩnh, một đáp án tuyệt vời cho đề nghị luận về “thói vô cảm” của nhiều bạn trẻ hiện nay.
Một nghịch lý dường như đang có nguy cơ trở thành sự thật trong xã hội chúng ta:
Nhà nghèo lại học giỏi còn nhà giàu thì lười học và học dốt.
Lý giải về điều này không khó, con nhà giàu thường không có quyết tâm, động lực để phấn đấu học hành chăm chỉ, bởi từ bé đến lớn chúng luôn được cha mẹ cưng chiều, không đỗ đại học trong nước thì cho đi du học tự túc nước ngoài... Con nhà càng nghèo lại càng có động lực mạnh mẽ để học tập, vươn lên thoát nghèo giúp đỡ gia đình.
Đã thành quy luật, cứ sau một kỳ thi đại học lại xuất hiện hàng loạt thủ khoa nghèo, hiếm hoi lắm mới thấy một thủ khoa, á khoa con nhà giàu, khá giả.
Quy luật này cho thấy một điều đáng buồn và nguy hại, đó là nguồn lực xã hội hóa đã bị đặt nhầm chỗ. Nhiều học trò nghèo thông minh, có chí lại không được đầu tư để phát triển, trong khi những “cậu ấm”, “cô chiêu” lười nhác và vô cảm lại được “dát vàng” để du học.
Nguồn nhân lực tương lai của đất nước khó mà trông chờ vào thế hệ “gấu bông” được nuông chiều không đúng cách này.
Việt Hùng
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-hom-nay/586626/Ngheo-moi-hoc-gioi-tpp.html
Em nghĩ tuy nhà không nghèo, nhưng dạy con ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ cũng không dễ dàng. Các cháu cũng phải học hành, thi cử như mọi người. Sao các cháu bị thành kiến như vậy?
Các cụ/mợ giàu hay nghèo và dạy con như thế nào khi có người nói rằng:
"Quy luật này cho thấy một điều đáng buồn và nguy hại, đó là nguồn lực xã hội hóa đã bị đặt nhầm chỗ. Chẳng lẽ F1 nhà em thi đỗ vào trường chuyên, vào ĐH Ylà nguồn lực xã hội hóa đặt nhầm chỗ chỉ vì nhà em không nghèo?