Xưa đời sống tinh thần khó khăn, trừ các thành phố lớn thì các nơi khác rất ít khi được xem phim, ca múa nhạc. Vậy nên các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, từ các gánh xiếc, chiếu phim lưu động, chương trình văn nghệ quần chúng cho tới các đoàn văn công lưu diễn hay hội diễn văn nghệ đều rất thu hút sự quan tâm của nhân dân. Ở tỉnh, các đoàn văn công QĐ hay CA thường được mến mộ nhất. Phục vụ quần chúng cũng là một trong các nhiệm vụ của các đoàn văn nghệ này, nhưng cũng cỡ phải vài tháng mới được xem một lần.
Xưa có tình trạng nhiều bài hát mới, giai điệu hay được rất nhiều người thích nhưng chỉ láng máng giai điệu và phần lời thì sai sót hoặc hiểu sai ý do ít được nghe. Để cập nhật cho đúng người ta phải chờ khi đài hát hoặc may mắn nghe nhờ được từ băng cassette của người khác. Còn nếu được nghe và gặp văn công để hỏi thì chuẩn rồi!
Còn nhớ hồi đầu 198x bài Dáng Đứng Bến Tre mới nổi lên. Lời ca có câu "ôi những con người làm nên Đồng Khởi". Đoạn này em thấy một nhóm các chị lớn chép vào sổ tay cho nhau còn cãi cọ là "đồng khơi" hay "đồng quê". Các chị này chắc học cũng kém nên không thể nhớ Đồng Khởi là sự kiện gì và xảy ra ở đâu nên không có sự liên tưởng logic đến bài hát.
Hoặc như bài Một Mùa Xuân Nho Nhỏ, có đoạn "Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi tôi đưa tay hứng về". Cái giọt được hứng ở đây là giọt vô hình, là tiếng ca của con chiền chiện báo hiệu mùa xuân đang ngập tràn cả không gian đất trời, nhưng rất nhiều ca sĩ nghiệp dư lại hát thành "Ơi con chim chiền chiện hót chi mà vang trời/ Từng giọt sương long lanh tôi đưa tay hứng về" - giọt ở đây đã là giọt hữu hình trên bàn tay nhỏ bé, sai hoàn toàn ý nghĩa của lời thơ trong bài hát.
Bọn trẻ con, nếu thích một bài hát nào thì phải nhờ người lớn chỉ cho, người lớn không biết thì phải đợi đến khi cô giáo dạy mới biết. Khác bây giờ chả cần cô dạy, google là thoải mái nghe và học theo.
Đời sống tinh thần giờ cơ bản là đầy đủ nếu xét trên khía cạnh thưởng thức âm nhạc hay nghệ thuật ở mức độ cơ bản nhất, bình dân nhất. Vậy nên các đoàn văn công chỉ còn phục vụ quân đội hoặc các nhiệm vụ đặc thù khác chứ không còn là mũi nhọn phục vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân như mấy chục năm trước.
Nghiêm túc mà nói, giờ có nhiều cụ mợ hát còn hay và chuẩn hơn cả văn công xưa.