Chúng tôi ủng hộ dòng xe chiến lược
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Xuân Kiên cho biết, các dòng thuế áp dụng hiện nay với xe con lắp ráp trong nước công suất dưới 2.000 cm3 đang chiếm khoảng 50% giá bán xe. Chúng tôi cho rằng, muốn phát triển được dòng xe này Chính phủ phải khuyến khích tiêu dùng bằng cách hạ thuế xuống còn 25% giá bán...
Đề xuất của Bộ Công Thương ở dạng dự thảo Đề án về dòng xe chiến lược, lựa chọn xe dưới 10 chỗ ngồi, dung tích xi-lanh dưới 2.000 cm3, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Cơ chế động lực cho DN trong nước có cơ hội cạnh tranh với khu vực và thế giới được thiết lập qua các ưu đãi về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh kiện và giãn lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, được DN sản xuất ô tô đồng tình.
“Chúng tôi rất ủng hộ đề án này của Bộ Công Thương”, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) nói với phóng viên TBNH.
Phát triển dòng xe chiến lược là bước đi cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020. Chúng tôi mong muốn Chính phủ giảm ngay thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1/1/2014 với những dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên, tạo sức cạnh tranh cho DN ô tô trong nước. Khi công nghiệp ô tô (CNOT) phát triển sẽ thúc đẩy hàng loạt ngành công nghiệp khác phát triển theo…
Sản xuất vỏ xe tại Vinaxuki
Nhìn trực diện, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tới 75% và thuế nhập khẩu linh kiện với dòng xe chiến lược, nhiều người lo Nhà nước sẽ thất thu thuế. Quan điểm của ông?
Tôi không cho là như vậy. Ai cũng thấy hạn chế đối với thị trường ô tô là quan điểm đi ngược lại với nhu cầu cuộc sống. Thực tế cho thấy, dù hạn chế tiêu dùng ô tô nhưng vẫn có rất nhiều xe từ nước ngoài nhập khẩu về. Ở các nước, ô tô không phải là hàng hóa xa xỉ mà là mặt hàng thông thường, không những đáp ứng yêu cầu đi lại mà còn hỗ trợ người dân trong lao động, sản xuất, giúp năng suất làm việc có thể tăng lên nhiều lần.
Chỉ những xe đắt tiền mới nên xem là hàng hóa xa xỉ và bị đánh thuế rất cao, còn những xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 thì cần khuyến khích để mang lại lợi ích cho người dân.
Muốn có ngành CNOT phát triển nhưng chúng ta lại hạn chế tiêu dùng ô tô bằng cách đánh thuế cao là mâu thuẫn. Bởi nếu xe sản xuất không bán được sẽ trở thành nguyên nhân khiến chủ trương nội địa hóa ngành công nghiệp này thất bại.
Cứ tiếp tục chính sách thuế với ngành sản xuất ô tô như hiện nay sẽ chẳng bao giờ Việt Nam phát triển được ngành CNOT thực thụ cho riêng mình mà chỉ tạo điều kiện cho các DN liên doanh tiếp tục nhập khẩu linh kiện để lắp ráp rồi hưởng lợi.
Vậy theo ông, cân bằng lợi ích giữa giảm thuế và hiệu quả cho nền kinh tế nên được nhìn nhận theo khía cạnh nào?
Chúng ta cần nhìn vào chiến lược phát triển nền tảng lâu dài cho một nền kinh tế, chứ không thể theo kiểu ăn xổi. Ngành CNOT chỉ thực sự mang lại giá trị gia tăng (GTGT) cao cho nền kinh tế khi nó đạt được tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao.
Nếu lắp ráp thông thường chỉ mang lại GTGT khoảng 5%, khi tỷ lệ nội địa hóa lên tới 40% chiếc xe sẽ có thể mang lại GTGT khoảng 30% - 40%; nội địa hóa được 50% có thể mang lại 40% - 50%... Tuy nhiên, lượng vốn đầu tư ban đầu sẽ phải gấp hàng chục lần so với lắp ráp thông thường.
Một điều đáng quan tâm khác, khi ngành CNOT phát triển sẽ kéo theo ngành điện tử phát triển vì hiện nay trên thế giới có đến 24% công suất của ngành này phục vụ cho ngành CNOT. Ngoài ra, ngành công nghiệp hóa chất, luyện kim, chế tạo máy cung cấp thiết bị làm động cơ, chi tiết thân vỏ xe, chuyển động… cũng phát triển theo, sẽ tạo hàng triệu việc làm mới.
Tôi giả sử Việt Nam cũng làm được 3 triệu xe/năm như Thái Lan hiện nay thì sẽ tạo ra việc làm mới cho khoảng 1 triệu lao động gián tiếp và trực tiếp. Chỉ cần tính mức giá bình quân 15.000 USD/xe thì sẽ mang lại doanh thu cho ngành này tới 45 tỷ USD/năm. Thuế thu được chỉ cần tính 20% doanh thu đó, ngân sách Nhà nước có thể thu được 9 tỷ USD.
Hơn nữa, nếu đạt doanh thu 45 tỷ USD, GTGT mang lại chỉ cần đạt 1/3 chiếc xe thì đã đưa lại 15 tỷ USD để đóng góp vào GDP của Việt Nam, tức là tương đương khoảng 10% GDP nước ta hiện nay.
Lý thuyết là như vậy, nhưng tổng cầu hiện nay xuống thấp, thu nhập đầu người còn chưa cao, xe trong nước liệu có tiêu thụ được hay không?
Các dòng thuế áp dụng hiện nay với xe con lắp ráp trong nước công suất dưới 2.000 cm3 đang chiếm khoảng 50% giá bán xe. Chúng tôi cho rằng, muốn phát triển được dòng xe này Chính phủ phải khuyến khích tiêu dùng bằng cách hạ thuế xuống còn 25% giá bán.
Tất nhiên, nếu hạ thuế thì thu ngân sách sẽ giảm. Tuy nhiên, ngân sách có thể tăng thu bằng việc đẩy số lượng bán ra thông qua các chính sách ưu đãi cho người tiêu dùng. Ở Malaysia, nếu người dân mua xe trong nước sản xuất, lãi suất phải trả chỉ bằng 1/4 so với vay mua xe nhập khẩu.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra để hạn chế ô tô là vì cầu đường của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước cho thấy, hạn chế ô tô là hạ sách vì đó là rào cản các nhà đầu tư muốn rót vốn vào cầu đường. Vì khi áp dụng chính sách hạn chế ô tô, họ không thu được các loại phí.
Thực tế là đường cao tốc Láng Hòa Lạc rất to, xây rất tốn kém nhưng lượng xe rất ít. Nếu DN tự bỏ tiền làm đường sẽ lỗ. Các đường cao tốc khác cũng vậy, đường Cầu Giẽ - Ninh Bình phải có lượng xe gấp 10 lần thì mới nhanh thu hồi vốn…
Nói như vậy để thấy, có được chính sách đồng bộ phát triển ngành CNOT và khuyến khích người dân sử dụng xe ô tô sẽ là mũi tên trúng nhiều đích, vừa đáp ứng được nhu cầu người dân, tạo việc làm, vừa tăng thu ngân sách Nhà nước, vừa thu hút được đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông.
Xin cảm ơn ông!
Theo đề xuất của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ, dòng xe chiến lược là các loại xe thuộc phân khúc dưới 10 chỗ ngồi, có dung tích xi-lanh đến 2.000 cm3, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Đơn vị sản xuất dòng xe chiến lược có tỷ lệ sử dụng linh kiện lắp ráp xuất xứ trong nước từ 40% trở lên được hưởng mức hoàn thuế hoặc giảm giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt ít nhất 75%; áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% - 5% đối với linh kiện, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ lắp ráp dòng xe chiến lược.
Ngoài ra, nhà sản xuất loại xe ô tô chiến lược và các DN sản xuất phụ trợ cho dòng xe này sẽ được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng thuế 0% cho nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất xe chiến lược...