Khán giả muốn được nghe câu ''Xin lỗi''
EURO 2012 đang đi đến những trận đấu cuối cùng. Nhưng bỏ mặc những góp ý của khán giả, dường như các BLV của VTV vẫn tiếp tục nối dài những “thảm họa bình luận”.
Muốn được bình luận viên bóng đá tôn trọng hơn
Bỏ ngoài tai những góp ý chân thành và cả gay gắt của khán giả xem truyền hình, trong loạt trận tứ kết EURO 2012 vừa qua, các BLV của VTV tiếp tục tái diễn những sai sót khó chấp nhận được.
“Có lẽ Benzema không phải là Ronaldo”, “Alonso, không, đó là Cha Bi (Xavi)”, “Không biết cú sút luân lưu 11m của Ashley Young bóng đập xà ngang hay cột dọc?”… những bình luận hết sức sai sót nhưng… quen thuộc và đã thành “thương hiệu” của BLV Tạ Biên Cương và các đồng nghiệp vẫn chưa dừng lại.
Nói sai thì xin lỗi là điều bình thường. Nhưng, trong khi các BLV bóng đá của VTV vẫn đang tiếp diễn những lỗi và sai sót một cách vô tội vạ, thì khán giả - những người hàng đêm chịu sự “tra tấn” của BLV – dường như chưa từng được nghe câu “Xin lỗi”.
Qua theo dõi, nhiều khán giả xem truyền hình nhận thấy, mỗi khi nói sai và nhận ra mình nói sai (không phải lần nào cũng nhận ra), các BLV của VTV không hề nói “Xin lỗi quý vị…” mà nhanh chóng lấp liếm “Chính xác hơn là…”. Cầu thủ A phải là cầu thủ A, không thể “Cầu thủ A, chính xác hơn là cầu thủ B” được! Ngược lại, những khi “chẳng may” nói đúng, các BLV của VTV lại được dịp “nổ”: “Như chúng tôi đã nói từ đầu…”.
Liên tục làm khán giả phát điên với những bình luận đầy sai sót, nhưng BLV Tạ Biên Cương và các đồng nghiệp chưa một lần xin lỗi người xem truyền hình.
Anh Ngô Xuân Trường (Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc: “Tôi đã quá ngán ngẩm với những phát ngôn bất cẩn của BLV bóng đá trên VTV rồi. Ai nói Tạ Biên Cương còn thiếu kinh nghiệm khi mà anh ta đã có ít nhất 6 năm làm bình luận bóng đá (tính từ World Cup 2006). Không chỉ riêng Tạ Biên Cương, mà nhiều BLV khác như Việt Khuê, Khắc Cường, Tuấn Anh… không nên bình luận bóng đá nữa thì hơn. Thức đêm thức hôm để xem đá bóng mà cứ phải nghe những bình luận sai và “thiếu muối” thì không khác gì chịu tra tấn. Bực mình hơn là khi họ nói sai mà chẳng bao giờ thấy xin lỗi khán giả một câu nào. Đó là sự coi thường khán giả!”.
Các BLV của VTV dường như không biết nói câu “xin lỗi” khi làm sai là một nguyên nhân khiến khán giả mất kiên nhẫn, dẫn tới những làn sóng phản đối mạnh mẽ dành cho các BLV này. Một số khán giả cho rằng, không xin lỗi khi bình luận sai là một biểu hiện cho thấy sự bảo thủ, thiếu cầu thị và không dám nhìn thẳng vào sai lầm để sửa chữa của một số BLV.
Chỉ cần Tạ Biên Cương và các đồng nghiệp nói câu “Xin lỗi quý vị và các bạn…” khi bình luận sai thì có lẽ khán giả xem truyền hình sẽ rộng lượng và bớt ác cảm hơn đối với các BLV này. Nhiều khán giả hi vọng, trong trận cầu đinh vòng bán kết EURO 2012 đêm nay, giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, các BLV của VTV sẽ chính thức sử dụng những câu "Xin lỗi quý vị..." mỗi khi bình luận sai.
Chậm 'cầu thị' nhất
Câu chuyện về những sai sót và yếu kém của các bình luận viên VTV không phải bây giờ mới được nhắc đến mà đã là vấn đề nhận được nhiều ý kiến không hài lòng của khán giả từ nhiều năm trước. Nhưng chưa bao giờ, làn sóng phản đối của khán giả lại mạnh mẽ và rộng khắp như trong mùa EURO năm nay. Có lẽ, sự chịu đựng của người xem truyền hình đã đến giới hạn, khi mà sau nhiều năm góp ý chân thành và chờ đợi, họ chưa nhận thấy nhiều thay đổi tích cực từ công tác bình luận thể thao của VTV.
Gần đây, không chỉ các trang mạng xã hội, blog cá nhân, mà cả các cơ quan báo chí cũng đã phải lên tiếng về chất lượng các BLV bóng đá của VTV. Điều này cho thấy, những sai sót trong công tác bình luận của VTV đã không còn là chuyện của riêng nhà đài mà đã trở thành vấn đề xã hội đáng lưu tâm.
Nhiều khán giả đã đưa ra kết luận rằng: “Bình luận bóng đá là một công việc, các BLV cũng là con người và không tránh khỏi sai sót. Nhưng không thể lấy đó làm lý do bao biện cho những yếu kém và sai sót ngày càng tệ hại. Những sai sót trong bình luận của các BLV bóng đá trên VTV như Tạ Biên Cương, Khắc Cường đã thành sai lầm có hệ thống, sai sót rất nhiều lần qua nhiều năm, qua nhiều giải đấu, sai sót những lỗi rất cơ bản. Vì thế, những sai sót này không còn là tai nạn nữa, mà thể hiện trình độ, khả năng chuyên môn yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu công việc của các BLV. Để những sai sót như vậy kéo dài, mặc dù khán giả đã góp ý rất nhiều, là lỗi của VTV”.
Khán giả truyền hình đã phản ứng rất nhiều, rất lâu về chất lượng chưa tốt của các chương trình bình luận bóng đá trên VTV, nhưng tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện. Ảnh là hình châm biếm của cư dân mạng về các BLV bóng đá.
Phải chăng, người chịu trách nhiệm ở VTV không biết đến thực trạng này và những ý kiến đóng góp, bày tỏ thái độ của khán giả?
Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây về vấn đề này, Long Vũ, một cán bộ quản lý của Đài truyền hình Việt Nam, người cũng từng có thời gian làm BLV thể thao, đã nói rằng: “Các lãnh đạo đài có biết không, có đọc không, tôi khẳng định là có, thường xuyên là anh Tiến, anh Minh gọi tôi để trao đổi xem xử lý thế nào… Tôi cũng nói với anh em BLV ở VTV nói chung rằng: Những cái gì mang tính xây dựng thì chúng ta nghe, im lặng và sửa, còn cái gì mang tính sỉ vả, thậm chí nhục mạ thì vứt vào sọt rác, không quan tâm. Như thế chúng ta mới giữ được lửa để làm việc, không thì sẽ như đẽo cày giữa đường, không biết phải làm thế nào cả”.
Như vậy, lãnh đạo VTV đã biết đến những phản ứng, bức xúc của khán giả về các BLV. Có lẽ, không cần đến lúc báo chí lên tiếng, VTV cũng đã biết điều này bởi nhà đài có hẳn một chương trình “Với khán giả VTV3” phát sóng hàng tuần để nhận và trả lời các ý kiến khán giả. Qua các kênh bên trong và bên ngoài, VTV đã “nắm bắt được vấn đề”, nhưng suốt nhiều năm qua, chất lượng bình luận thể thao, đặc biệt là bóng đá, của đài truyền hình quốc gia chưa có nhiều cải thiện.