hxduong
Paolo Maldini từ biệt AC Milan: Ngày giấc mơ tan vỡ
Đó là một hình ảnh quen thuộc ở Calcio. Những ống kính máy ảnh chĩa về phía khán đài và tìm kiếm một huyền thoại của câu lạc bộ. Nhưng họ không ở đó chỉ để cổ vũ đội bóng mà có một nhiệm vụ khác. Dù là Javier Zanetti ở Inter, Pavel Nedved ở Juventus hay Francesco Totti ở Roma, việc chuyển từ vai trò thủ lĩnh sân cỏ sang vị trí giám đốc hay đại sứ câu lạc bộ đã không là điều gì xa lạ hay mới mẻ.
Paolo Maldini từ biệt AC Milan: Ngày giấc mơ tan vỡ
Thế nhưng có một người đàn ông dường như đáng ra phải nắm giữ một trong những vai trò đó ở AC Milan thì nay lại xa lánh đội bóng mà anh luôn hằng yêu. Câu chuyện được bắt đầu ở sân bay Malpensa trong một buổi sáng thứ Năm.
Trận chung kết Champions League 2005 không thể khởi đầu tốt hơn được nữa cho Paolo Maldini. Ngay ở phút đầu tiên, Maldini tung cú vô lê đưa Rossoneri vươn lên dẫn trước trong trận chung kết C1/Champions League (European Cup) thứ bảy của anh. Sau khi hiệp một khép lại, tỷ số đã là 3-0. Dù Maldini nhiều lần phủ nhận anh và các đồng đội đã ăn mừng trong giờ nghỉ nhưng rõ ràng mọi chuyện lúc này đang diễn ra giống như thể anh sẽ được nâng cao chiếc cúp bạc lần thứ hai trong vòng hai năm.
Thế nhưng, một kịch bản không tưởng đã diễn ra ở Istanbul. Và dù thất bại trong đêm huyền thoại ấy khiến con tim tan nát thì Maldini vẫn tự hào về các đồng đội.
“Chúng tôi đã chơi tốt, tốt hơn Liverpool,” đội trưởng của Milan nhấn mạnh. “…
nhưng đó là bóng đá.” Khi các cầu thủ Milan hạ cánh xuống Italia vào sáng hôm sau, họ được chào đón bởi một nhóm nhỏ các ultra của câu lạc bộ. Nhưng các ultra này lại không đồng tình với quan điểm của người đội trưởng.
Tiếp sau đó là một cuộc nói chuyện nảy lửa. Và dù điều này chưa được kiểm chứng nhưng các ultra khẳng định Maldini đã gọi họ là “những kẻ hám lợi”. Và họ không bao giờ tha thứ hay quên đi câu chuyện này.
Paolo Maldini nâng cao chiếc cup vô địch
Hai năm sau, Milan báo thù thành công Liverpool ở Athens. Maldini được nâng cúp C1/Champions League lần thứ năm. Đó là một thành tựu quá đối hoàn hảo với chàng hậu vệ ấy. Cuối năm đó, anh cùng các đồng đội đánh bại Boca Juniors “vĩ đại” ở Club World Cup.
Tuy nhiên, mọi thứ dần sáng tỏ ở Milanello. Ở đấu trường trong nước, Rossoneri đang chật vật để cạnh tranh ngôi vương với kình địch Inter Milan. Nhưng những vấn đề ngoài sân cỏ bắt đầu gây báo động nhiều hơn với các Milanista.
Những tấm biểu ngữ bắt đầu xuất hiện vào năm 2008 nhằm công kích Chủ tịch Silvio Berlusconi vì đã tiêu xài hoang phí. Tổng giám đốc của câu lạc bộ cũng bị đặt dấu hỏi và những năm gần đây đã chứng minh sự lo lắng của các ultra là có lý do. Trong bối cảnh rối ren đó, Maldini bắt đầu mùa giải cuối cùng của mình ở San Siro.
AC Milan thua cả hai trận đầu tiên ở Serie A trước Bologna và Genoa. Trong khi đó, Inter lại tỏ ra “vô đối”, thậm chí họ còn có sự phục vụ của huấn luyện viên Jose Mourinho từ mùa hè. Ba chiến thắng tiếp theo đã gieo hy vọng cho Rossoneri. Chiến thắng thứ ba trước Inter nhờ vào cú đánh đầu của Ronaldinho và sự xuất sắc của hàng thủ mà Paolo Maldini là người chỉ huy. Điều đó cho thấy nếu trong một ngày đạt phong độ cao, họ có thể thắng cả đội bóng mạnh nhất.
Vào thời điểm trận derby tiếp theo diễn ra vào tháng Hai, những áp lực đã quay trở lại. Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, Kaka đã tiến sát tới việc gia nhập đại gia mới nổi Manchester City. Người hâm mộ Milan đã xin anh hãy ở lại và phản đối những nhân vật ở thượng tầng vì để xảy ra cảnh nợ nần làm ảnh hưởng việc chuyển nhượng của câu lạc bộ. Dù Kaka đã không đi và cổ động viên Milan ăn mừng ngay bên ngoài căn hộ của anh thì sự chia rẽ trong câu lạc bộ đã trở nên rõ ràng.
Inter đánh bại Milan 2-1 và chấm dứt hy vọng vô địch của Rossoneri. Một vài tuần sau, họ bị Werder Bremen loại khỏi đấu trường châu Âu và sau khi bị Lazio loại ở Coppa Italia ngay trước Giáng sinh thì mùa giải cuối cùng của Maldini có nguy cơ trở thành một mớ hổ lốn.
Chuỗi phong độ cao trong khoảng thời gian từ tháng Ba tới tháng Tư đã củng cố vị trí trong top 3 của Milan và qua đó họ sẽ vượt qua vòng sơ loại Champions League. Milan chỉ cần một chiến thắng trong hai trận đấu cuối cùng trước Roma và Fiorentina nữa.
Trận đấu cuối cùng của Maldini ở San Siro là cuộc đối đầu với Roma và đó cũng là lần ra sân thứ 900 của anh cho Rossoneri. Năm 1985 khi mới 16 tuổi, anh có màn ra mắt đội bóng khi huyền thoại Thụy Điển Nils Liedholm tung vào sân trong trận đấu với Udinese. 24 năm trôi qua, Maldini đã giúp Milan giành 5 cúp C1/Champions League, 7 Scudetto, 1 Coppa Italia, 3 cúp Liên lục địa và 5 siêu cúp châu Âu. Một nhà vô địch thực thụ.
Paolo Maldini
Là người chỉ huy hàng thủ đồng thời là đội trưởng đáng kính, Maldini luôn đặt lợi ích đội bóng lên trên hết. Anh không bao giờ tìm kiếm những danh hiệu cá nhân dù khả năng của anh thừa sức làm điều này. Thế nhưng, bất chấp điều đó cũng như lịch sử mối quan hệ gia đình anh với câu lạc bộ - người cha Cesare Maldini cũng từng là đội trưởng của AC Milan đánh bại Benfica và giành cúp C1 năm 1963 - thì một số cổ động viên trung thành của Rossoneri vẫn không thích anh.
Anh là cầu thủ, thủ lĩnh và biểu tượng mà mọi cổ động viên đều mơ ước có trong đội bóng của họ. Paolo là cầu thủ có số lần ra sân nhiều nhất lịch sử bóng đá Italia và anh cũng chưa bao giờ phải xuất hiện trên báo vì những lùm xùm cá nhân. Xuyên suốt sự nghiệp, Maldini luôn đặt hình ảnh câu lạc bộ trong tâm trí và điều này gây ra những mâu thuẫn với các ultra. Ví dụ khi một cầu thủ thi đấu không tốt hoặc có cách hành xử không đúng mực ở bên ngoài sân, Maldini sẽ luôn đứng ra bảo vệ đồng đội bất chấp quan điểm người hâm mộ.
Khi các ultra khiến một trận đấu với Parma bị tạm thời gián đoạn trong hơn 5 phút vì ném vật thể lạ vào sân ở mùa giải 1997/1998, Maldini là người đầu tiên và duy nhất đứng ra công khai chỉ trích hành động đó. Khi Milan vô địch Serie A trong năm sau, anh đã từ chối ăn mừng cùng cổ động viên mà thay vào đó nhanh chóng trở lại phòng thay đồ với Alessandro Costacurta. Trong những năm cuối cùng của sự nghiệp, anh luôn ủng hộ Berlusconi dù người hâm mộ từ lâu đã không còn như vậy.
Paolo Maldini khi trẻ
Tuy có những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Paolo với các ultra hay ít nhất là một phần trong số họ thì bước vào cuộc đối đầu với Roma, không ai mong muốn một sự cố gì xảy ra.
Đó là một ngày nóng kinh khủng. Nhiệt độ tại Milan lúc đó là 36 độ C. Maldini dẫn đội bóng bước vào sân San Siro lần cuối cùng. Các cầu thủ Roma cũng mặc chiếc áo phông với dòng chữ “Grazie Paolo, grande capitano” (Cảm ơn Paolo, người đội trưởng vĩ đại). Mọi thứ tưởng chừng như sẽ diễn ra tốt đẹp.
Nhưng Milan đã thất thủ 2-3 và tuột mất cơ hội giành vị trí thứ hai. Dù vậy cao trào của câu chuyện lại là thứ khác. Các biểu ngữ phản đối Berlusconi lại được giăng ra dày đặc, nhưng ở khán đài Curva Sud thì xuất hiện những tấm biểu ngữ với nội dung nhắm vào người khác:
“Với 25 năm phục vụ đầy vinh quang, anh phải cảm ơn những người mà anh gọi là vụ lợi và xấu tính”.
“Cảm ơn đội trưởng. Ở trên sân, anh là một nhà vô địch bất diệt. Nhưng anh lại không tôn trọng những người khiến anh no nê danh hiệu.”
Đó là một hình ảnh thực sự đáng buồn. Tuy nhiên vẫn có những tranh cãi về các tấm biểu ngữ này. Những ngày tiếp theo, các ultra muốn tổ chức một buổi lễ tri ân tới người đội trưởng của họ nhưng câu lạc bộ muốn kiểm soát các hành động không hay có thể xảy ra và đã từ chối đề nghị này.
Những tiếng la ó đã vang lên khắp các khán đài sau khi tiếng còi chung cuộc vang lên. Maldini đã rơi nước mắt. Đó là một lời chào thật kinh khủng trong ngày Maldini tạm biệt San Siro và anh đã rất cay đắng trong cuộc họp báo sau trận. “Tôi tự hào vì đã không giống họ.” Đúng ngày này 20 năm trước, Maldini đã giành European Cup đầu tiên với Milan. Rất nhiều thứ đã đổi thay.
Một tuần sau tại Florence, Milan đã chắc chắn có suất dự Champions League với chiến thắng trước Fiorentina. Kaka ghi bàn thắng quyết định trong trận đấu cuối cùng của anh cho câu lạc bộ. Khoảng thời gian bù giờ, Maldini được rút ra nghỉ để người hâm mộ đứng lên dành sự tôn vinh cho anh. Và hình ảnh ở đây hoàn toàn trái ngược với những gì xảy ra tuần trước.
Paolo Maldini từ biệt AC Milan
Gần 9 năm sau ngày đó, Maldini vẫn chưa trở lại San Siro với bất cứ một vai trò chính thức nào. Sau trận đấu cuối cùng, anh được mời làm giám đốc kỹ thuật của câu lạc bộ nhưng đã từ chối vì cảm thấy không có thực quyền ở vị trí này. Cùng với đó là những bất hòa giữa anh và Phó Chủ tịch Adriano Galliani.
Maldini sau đó đã rất gần với việc tái gia nhập câu lạc bộ khi huấn luyện viên Leonardo yêu cầu đưa anh trở về. Tuy nhiên, Galliani đã từ chối vì ông tin rằng một giám đốc thể thao là không cần thiết trong bóng đá hiện đại. Galliani cảm thấy Maldini đã công kích mình khi huyền thoại Milan trả lời tờ La Repubblica vào năm 2012 rằng “Tôi chưa bao giờ thấy một câu lạc bộ lại được vận hành bởi một người (Galliani) như thế này… Tôi có thể phá hủy truyền thuyết rằng tôi là ‘một trong những gia đình’ ở Milan… nên họ không muốn tôi trở lại.”
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi huấn luyện viên Massimiliano Allegri muốn Maldini là cầu nối giữa cầu thủ và huấn luyện viên nhưng cựu hậu vệ này một lần nữa cảm thấy anh không được chào đón bởi những nhân vật chóp bu của câu lạc bộ.
Sau này, Maldini đã có cuộc nói chuyện với những ông chủ người Trung Quốc hiện tại của Milan, tuy nhiên anh tỏ ra không tin tưởng vào sự lãnh đạo cũng như tiềm lực tài chính của họ. Do đó anh cũng không tin mình có thể đóng góp điều gì cho đội bóng nếu gia nhập ban lãnh đạo vào lúc này. Maldini vẫn luôn trung thành với lý tưởng Milan là trên hết của mình.
Maldini và Shevchenko
Điều này quả thực là đáng buồn. Anh đã có thể là một đại sứ hoàn hảo của Rossoneri với vị thế là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất cộng thêm khả năng nói ba ngôn ngữ. Đại sứ thương hiệu hiện tại của Milan là Franco Baresi. Trong suốt trận đấu với Roma, các ultra của Milan đã hát vang tên của số 6 huyền thoại và tuyên bố ông là đội trưởng thực sự của câu lạc bộ.
Tất cả những gì đã trải qua vẫn là một nỗi đau với Maldini. Trên Facebook cá nhân, anh từng đăng một bài viết dài trong đó có đoạn: “Nỗi cay đắng vẫn còn ở lại với tôi trong những ngày cuối cùng đó. Một giấc mơ tan vỡ…”.
Trong khi phần lớn cổ động viên sẽ vẫn tiếp tục ca tụng cựu đội trưởng của họ là huyền thoại câu lạc bộ thì dư vị chẳng mấy ngọt ngào này sẽ vẫn là một ký ức buồn với Maldini và cả các Milanista.
Dịch từ bài viết "A vanished dream: the story behind Paolo Maldini’s bitter Milan farewell" của tác giả Richard Hinman trên The Gentleman Ultra.