Nói về cô bồ thì, không có gì hơn vợ. Nhưng không có thì cảm thấy thiếu…. Anh ta nói, chuyện gì cũng có lý do của nó. Và dưới đây, là một trong số những lý do đó:
– Hai vợ chồng lấy nhau lúc còn khó khăn. Khi đó, cả 2 cùng phải tiết kiệm nhiều thứ. Tằn tiện nuôi con. Sau này, khi cuộc sống khá giả hơn, vợ dường như vẫn giữ thói quen tiết kiệm, mà đối với điều kiện kinh tế hiện tại, có thể được xem là… ki bo. Muốn hai vợ chồng đi ăn nhà hàng: Vợ chỉ chọn nhà hàng tầm trung, muốn gọi rượu vang, vợ chỉ gọi 1 ly.
Vợ bảo: Đồ ăn cũng chỉ vào miệng rồi trôi đi. Ăn ngon đâu cần đắt, ăn no là được. Tiền bạc không được lãng phí, phải để dành lo cho tương lai các con.
Còn bồ thì sao?
Đi ăn nhà hàng, bồ chọn nhà hàng ngon nhất, đắt nhất. Khi gọi rượu, bồ gọi cả chai, để cả 2 thưởng thức. Bồ nói: Ăn uống là nghệ thuật, thế nên sự lựa chọn phải tinh tế.
Chỉ thế thôi, anh đã thấy thoải mái với bồ, nặng nề với vợ.
– Anh mua cho vợ một cái túi xách hàng hiệu. Vợ than vãn suốt cả tháng liền là lãng phí. Nghĩ sao mua một cái túi mấy chục triệu? Bây giờ có những hàng tầm trung, vẫn đẹp và giá lại mềm.
Còn bồ thì sao?
Anh mua cho bồ một cái túi y chang vợ. Bồ mừng ra mặt. Hạnh phúc trào dâng hai mí mắt, phát khóc luôn. Nhảy vào ôm hôn, nói anh thật tuyệt vời.
– Về chuyện ngoại tình, vợ nói: Nếu anh có người đàn bà khác, em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh.
Bồ bảo: Em chỉ cần có anh bên cạnh, anh có vợ, có con cũng không sao. Vì em yêu anh.
Đối với vợ, anh phải giấu bồ. Còn đối với bồ, anh chẳng khi nào phải giấu vợ.
Sơ sơ là như thế, anh đã thấy vợ chẳng thể bỏ, bởi còn có con. Còn bồ là tình yêu, ở bên bồ, anh thoải mái hơn nhiều.
Tôi nói với anh rằng: Liệu bồ có bên anh khi khó khăn, lúc sa cơ lỡ vận?
Anh bảo: Thì chắc gì khi sa cơ lỡ vận, vợ cũng sẽ bên anh? Nói chung lúc khó khăn, thì như nhau cả.
À hóa ra là anh đã quên, ngày anh chỉ là thằng sinh viên quèn, lương ba cọc ba đồng, công việc thì nay đây mai đó, chị đã vất vả cùng anh trải qua những ngày khốn khó như thế nào? Chị nhịn ăn mua cho anh cái áo sơ mi để đi làm ngày đầu tiên. Lúc áo chị bị rách, sờn đường chỉ ở tay áo, chị cặm cụi khâu chứ nào đâu dám mua đồ mới.
À hóa ra là anh đã quên, ngày sinh đứa con đầu lòng, chị đi đẻ phải nhảy xe ôm, trong túi có vài chục nghìn. Vừa đi vừa khóc, không phải vì đau đẻ mà là vì lo không có đủ tiền thì người ta không cho vào đẻ.
À hóa ra là anh đã quên rằng chị cũng xinh đẹp, chị cũng trẻ trung, chị cũng ngọt ngào. Nhưng vì anh, vì miếng cơm manh áo, chị phải hy sinh biết bao, để bây giờ, nhà có của ăn của để… chị vẫn giữ thói quen tằn tiện?
Quần áo anh vứt ở nhà bồ, cô ta mang ra tiệm giặt ủi. Quần áo anh ném trên giường hai vợ chồng, ngày ngày chi cặm cụi giặt tay, vì sợ giặt máy, đồ đắt tiền của anh bị hỏng. Mang ra tiệm giặt một lần, chị thấy giặt không sạch, nên chẳng dám giao quần áo của chồng cho người ngoài.
À thì ra anh đã quên, người vợ mà anh phát chán ngày hôm nay, trước đây, anh đã từng phải giành giật với bao người đàn ông khác.
À thì ra có một điều mà anh không biết, cô bồ của anh có thể không chỉ có mình anh. Còn với chị, vợ của anh, anh là duy nhất.
Anh có thể mua cho chị cái túi hàng hiệu, nhưng liệu có hàng hiệu nào có thể đền đáp ân tình mà vợ dành cho anh?
Ngày mai bầu trời sụp đổ, vợ anh vẫn sẽ gánh lấy nó, vì chồng con mình.
Ngày mai, trời chỉ cần mưa thôi, anh không có thứ gì che chắn, bồ cũng sẽ bỏ anh đi.
Anh không yêu vợ thật lòng, không thương vợ để hiểu cho chị. Có cái lý gì, đi so sánh chị với bồ của anh?
Anh à, có một đạo lý này ở đời, có lẽ anh chưa biết: Đồ mình vứt đi có khi rất nhiều người muốn nhặt. Anh cười khinh khi nói: Tao vứt đi mà mày nhặt lại sao? Người ta nhổ vào mặt anh rồi bảo: Thằng ngu!
Sưu tầm