Chia tay hòn Cau mà bồi hồi quá.
Tình cờ tôi đọc được sự tích Hòn Cau như sau:
“Đi đâu mà chẵng thấy về
Hay là quần tía dựa kề áo nâu?
Ai về nhắn với Ông Câu
Hòn Cau cách Bãi Đầm Trầu bao xa?"
Hòn Cau và Bãi Đầm Trầu bắt nguồn từ một câu chuyện cổ về mối tình oan nghiệt của một đôi trai gái.
Chuyện kể rằng:
Khi Chúa Nguyễn Ánh sau khi thua trận quân Tây Sơn thì Nguyễn Ánh cùng gia đình và tùy tùng bôn đảo từ Phú Quốc ra Côn Đảo, và thành lập 03 Làng:
- Làng Cỏ Ống - tại khu vực sân bay ngày nay
- Làng An Hải - khu vực trung tâm Côn Đảo
- Làng An Hội- hướng về Cảng Bến Đầm
Thuở xưa, Làng Cỏ Ống có chàng Cau thông minh tháo vát, và nàng xuân nữ Trầu duyên dáng, thạo nghiệp bút nghiêng. Trai tài gái sắc đem lòng cảm mến nhau. Một lần tình cờ gặp nhau bên dòng suối, chàng chai đã ướm thử lòng người thiếu nữ:
- “Tiện đây anh mới hỏi nàng. Cau tươi ăn với trầu vàng xứng không?’
- ”Mai vàng chen với trúc xanh. Duyên em sánh với tình anh tyệt vời” - người con gái thông minh đã đáp lại.
Hiểu lòng nhau, chàng Cau ngỏ lời xin cưới nàng làm vợ. Cha chàng Cau nghe nói rụng rời tay chân, bèn nói với chàng Cau rằng nàng Trầu chính là kết quả của mối tình vụng trộm thời trai trẻ giữa ông và mẹ nàng Trầu. Chàng Cau bàng hoàng vì trong lúc quá yêu, chàng và nàng đã trót hái "trái cấm". Quá đau buồn vì chuyện tình ngang trái, chàng Cau bỏ nhà thả bè đi ẩn dật cho đến chết trên một hòn đảo cách làng 10 dặm. Nơi chàng nằm xuống bỗng mọc lên một hàng cau xanh tốt quanh năm, tới mùa trái chín đỏ rực một vùng. Người đời đặt tên đảo này là Hòn Cau.
Khi chàng Cau bỏ quê hương ra đi, người con gái tên Trầu đau đớn, ngày ngày tới nơi vách đá khi xưa thường hò hẹn nóng trông. Khi thai nhi đã lớn, cũng là lúc nàng biết chuyện tình của cha mẹ và nàng hiểu rằng chàng Cau không bao giờ trở về nữa. Tuyệt vọng khi tình yêu đôi lứa không thành, nàng gieo mình xuống nước. Nơi nàng tự vận có tên là Bãi Đầm Trầu từ đó.
Sau chuyện tình bi đát ấy xảy ra, lương tâm cha chàng Cau là ông Câu cắn rứt, ông bỏ làng Cỏ Ống lánh sang ở một bãi bên sau núi Chúa cho tới khi ông qua đời. Người ta gọi nơi ấy là bãi Ông Câu.
Không sống nổi với tai tiếng, mẹ nàng Trầu là bà Bèo cũng phải bỏ nhà vào tận trong bưng để sống độc thân, nơi ấy sau này gọi là bưng Bà Bèo.
Quá buồn do chuyện vợ con, bố nàng Trầu là ông Đinh đã vào tu trong một hốc núi bên cạnh con đường qua nhà người anh cả là Ông Cường. Do đó sau này mới có tên là bãi Ông Cường và hốc Ông Đinh.
Riêng bà Tranh - mẹ chàng Cau, bà vẫn ở trong ngôi nhà cũ, mặc dù rất thương chồng và nhớ con, song bà không có lỗi. Vì không có người thừa tự, nên sau khi bà mất dân trong ấp được chia nhau thừa hưởng hoa lợi trong khu vườn cây trái của bà. Để nhớ ơn bà, dân làng lấy tên bà đặt tên ấp. Từ đó, nơi đây được mệnh danh là ấp Trảng Tranh.
Từ Hòn Cau ra hòn Bảy Cạnh cano chạy chỉ mấy 5 phút là đến nơi vì hai hòn rất gần nhau.