Xem cái sơ đồ này xong mới thấy rõ học piano rất đau đầu các cụ ạ, thảo nào mà các cháu không thích là phải.
Em tạm dịch các cụ xem.
Hầu hết chúng ta chơi piano để thư giãn, giải trí. Nhưng hãy cùng xem khi chúng ta chơi 1 bản nhạc trên đàn piano thì não bộ của chúng ta hoạt động hết công suất thế nào nhé?
1. THỊ TẤU: mắt chúng ta phải nhìn 2 dòng nhạc cùng lúc ( 2 dòng của 2 khóa Sol và Fa ), từng nốt nhạc được truyền về não bộ sau đó não điều khiển 10 ngón tay đàn ra các âm thanh khác nhau.
2. NGHE: khi chơi đàn tai chúng ta lắng nghe từng âm thanh đang phát ra, sau đó điều chỉnh độ mạnh yếu, nhanh chậm, dài ngắn của từng nốt nhạc để tạo ra những giai điệu đầy cảm xúc.
3. Sử dụng cả HAI TAY cùng lúc thể hiện những tiết tấu phức tạp 1 cách độc lập.
4. Khi chơi đàn, cơ thể chúng ta như có 1 CHIẾC ĐỒNG HỒ VÔ HÌNH đang chạy. Khi nốt nhạc đầu tiên cất lên, chiếc đồng hồ bắt đầu chạy liên tục, không ngừng cho đến nốt nhạc cuối cùng. Lúc này, tất cả các giác quan và thần kinh vận động được tổng hợp và đồng bộ chính xác với chiếc đồng hồ vô hình này, tạo ra những tiết tấu và giai điệu hoàn hảo. Và để giai điệu thêm phong phú, chúng ta chia nhỏ từng phách nhạc thành nhiều phần theo vô vàn cách khác nhau.
5. Hiếm có nhạc cụ nào vận dụng triệt để cả 10 NGÓN TAY như đàn piano.
6. Chúng ta thường tự hỏi vì sao khi các pianist chơi nhạc họ rất ít phải nhìn tay, cho dù là bản nhạc khó, quãng rộng và đầy kỹ thuật. Đó là vì họ đã luyện tập rất rất nhiều, thường xuyên, hàng ngày, từ đó CẢM GIÁC VỀ KHÔNG GIAN của họ tốt hơn, và họ có thể di chuyển ngón tay đến vị trí của các nốt nhạc trên đàn mà không cần nhìn.
Với 1 số người thì điều này khá dễ dàng vì dường như họ có khả năng cảm nhận không gian tốt, 1 số còn lại thì cần sự luyện tập nhiều hơn.
7. NGHỆ THUẬT TRÌNH DIỄN: khi chơi nhạc chúng ta truyền tải cảm xúc, sắc thái và phong cách riêng của từng bản nhạc bằng cách sử dụng các kỹ thuật luyến láy, dấu nhấn, các nốt hoa mỹ, các dấu biến cường, các tiết điệu.... Đây chính là điều quyết định để tạo cái hồn của bản nhạc.
8. Một pianist sẽ thực sự CẢM NHẬN ĐƯỢC MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC BỘ PHẬN TRÊN CƠ THỂ ( thân, vai, cánh tay, cổ tay, bàn tay, các ngón tay ) và cách kết hợp chúng để tạo chuyển động và lực tương tác xuống các phím đàn sao cho phù hợp.
9. HAI CHÂN lần lượt điều khiển pedal ngân (phải) và pedal una corda (trái, hay soft pedal).
10. Cuối cùng là XÚC GIÁC, 1 pianist sẽ bằng kinh nghiệm và cảm nhận của mình để quyết định sẽ tác động bao nhiêu lực lên các phím đàn và pedal để tạo ra âm thanh đẹp nhất.
Kết luận: chơi đàn piano giúp kích thích não bộ hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Và không 1 nhạc cụ, máy móc, hay trò chơi nào có thể làm được như vậy.
THỰC SỰ LÀ HẠI NÃO!