Các nước trở lại cuộc sống bình thường thế nào?
Cope/Paste nội dung chính (không ảnh):
Khắp nơi trên thế giới, một số quốc gia đang bắt đầu triển khai các cuộc thực nghiệm khổng lồ để chấm dứt phong tỏa - trong khi nhiều nước khác quan sát một cách đầy lo âu và tự hỏi đâu là cách tốt nhất để trở lại cuộc sống bình thường.
Không có một sự thống nhất toàn cầu về việc đâu là phương cách tốt nhất - nhưng chúng ta có thể quan sát các xu hướng chính đang diễn ra.
Làm sao để đánh giá hiệu quả?
Xu hướng lớn trên toàn cầu là nới lỏng dần lệnh phong tỏa. Nhiều người sẽ quan sát kỹ những gì diễn ra ở Ý, nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Chính quyền Rome đang thực hiện phương pháp tiếp cận từng bước trong quyết định mở cửa trở lại mọi thứ, từ cửa hiệu cho đến viện bảo tàng.
Tất cả người Ý - đặc biệt là người sống trong các khu vực bị lây nhiễm cao nhất - hiểu rõ họ sẽ không thể trở lại cuộc sống bình thường trước tháng 9/2020 được.
Tiến sĩ Michael Tildesley, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Warwick, nói rằng thế giới không thể biết trước được sự lây nhiễm virus corona sẽ như thế nào một khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
"Thật khó để đánh giá được hiệu quả của tất cả các biện pháp phong tỏa để từ đó chỉ ra một phương pháp có hiệu quả như thế nào," ông nói với BBC Radio Four.
"Có thể cách duy nhất để chúng ta làm được điều đó - và có thể hiểu thực sự - là lúc ta bắt đầu nới lỏng phong tỏa. Chúng ta có thể dỡ bỏ một số biện pháp và theo dõi xem nó có ảnh hưởng gì tới đại dịch."
Công nghệ theo dõi, truy vết và xét nghiệm
Bước thứ hai quan trọng hơn là việc phát triển ứng dụng điện thoại để theo dõi tình trạng lây nhiễm. Ngày càng có thêm nhiều quốc gia - ít nhất là những nước có điều kiện để triển khai - phát triển ứng dụng cho cư dân.
Một số nước - như Úc đã bắt đầu dùng ứng dụng này, Ý, Pháp và Anh Quốc đang đề xuất giải pháp - áp dụng các công nghệ có thể phát hiện được một số điện thoại từng xuất hiện ở cự ly gần với những số điện thoại khác theo hình thức thu thập dữ liệu nặc danh. Nếu một người phát triển triệu chứng, tất cả các số điện thoại được lưu dấu trong danh sách tiếp xúc gần sẽ nhận được tin cảnh báo.
Tại Israel, chính phủ đã chỉ đạo một trong các cơ quan mật vụ thực hiện việc truy dấu các số điện thoại để từ đó phát hiện nguy cơ lây nhiễm.
Hàn Quốc ngay từ đầu đã sử dụng điện thoại để liên lạc với tất cả những người ở gần người bị dương tính. Chính phủ tập trung chủ yếu vào chiến lược xét nghiệm và cảnh báo rộng khắp để tránh việc phải phong tỏa hoàn toàn.
Image captionCamera đo thân nhiệt lần đầu được sử dụng tại Hong Kong trong trận dịch SARS năm 2003
Theo dõi thân nhiệt
Camera theo dõi thân nhiệt có thể đóng vai trò then chốt, đặc biệt là ở các đầu mối vận tải hành khách. Trong trận dịch SARS năm 2003, bất cứ ai đi qua sân bay Hong Kong đều phải xếp hàng để nhân viên dùng thiết bị đo thân nhiệt chiếu vào trán xem có dấu hiệu nóng sốt hay không.
Một camera cảm ứng nhiệt thông minh và hiện đại hơn hiện đang được thử nghiệm tại sân bay Bournemouth của Anh quốc để xem nó có thể giúp phát hiện nhanh những người mang virus corona hay không.
Không gian an toàn cá nhân
Một vài quốc gia đang sử dụng vòng đeo tay để kiểm soát việc thực thi lệnh phong tỏa - nhưng thành phố cảng Antwerp của Bỉ đang thử nghiệm xem liệu công nghệ này có giúp con người đi lại và làm việc hay không.
Công nhân ở đây đeo vòng tay để giúp giảm nguy cơ tai nạn. Vòng tay sẽ rung khi có xe cộ tới gần và nổi chuông báo động khi người đeo ngã xuống nước. Romware, công ty phát triển hệ thống an toàn trên, đã cải tiến để vòng đeo tay có hình dạng như đồng hồ thể thao có thể báo động các công nhân mỗi khi họ ở vào cự ly quá gần với người khác, một hình thức nhằm duy trì giãn cách xã hội.
'Bong bóng xã hội"
New Zealand được biết đến lên như là một trong những quốc gia thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt nhất và thành công nhất thế giới với một chương trình quốc gia mang tên "bong bóng xã hội".
Mỗi nhà sẽ là một quả bong bóng. Các công dân có thể mở rộng bong bóng của mình bằng cách mời tới thêm hai người cụ thể tham gia, lý tưởng nhất là những người ở gần. Có nghĩa là, hai bong bóng sẽ nhập lại thành một. Các tiếp xúc xã hội gia tăng dưới hình thức được kiểm soát: ông bà có thể gặp gỡ cháu con, người độc thân có thể gặp nhau thay vì ở nhà một mình.
Nếu ai đó cần uống cà phê, người New Zealand sẽ có ngay cách phục vụ không tiếp xúc:
Máy bán hàng và virus
Khi phong tỏa được nới lỏng, một trong những tình trạng đáng ngại nhất là việc xếp hàng rồng rắn trước các hiệu thuốc để mua khẩu trang, làm tăng nguy cơ lây nhiễm giữa những người đang xếp hàng. Đức, Đài Loan và Ba Lan nằm trong số các quốc gia sử dụng máy bán khẩu trang tự động để nhằm giảm áp lực.
Cà phê ngoài trời
Tại Lithuania, quán cà phê và quán bar đã mở cửa trở lại với điều kiện phải đảm bảo giãn cách xã hội và khách hàng ngồi ngoài trời.
Điều này gây ra vấn đề lớn tại thủ đô Vilnius, nơi các đường phố cổ nhỏ hẹp không đảm bảo được giãn cách xã hội.
Do đó thị trưởng thành phố đã bàn giao 18 không gian ở các khu phố cổ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất. Thế là một phần lớn thành phố hình thành không gian cà phê, ăn uống ngoài trời.
Người ta còn kêu gọi khách hàng giúp đỡ các địa điểm kinh doanh có đủ bàn ghế để vừa đảm bảo giãn cách xã hội vừa đảm bảo mọi người có thể giao tiếp.
"Mua, mượn, nhờ các khách hàng lâu năm giúp," văn phòng thị trưởng ra hướng dẫn.
"Chính quyền chỉ yêu cầu một việc duy nhất - duy trì không gian đẹp đẽ, không sử dụng đồ nhựa rẻ tiền."
Học lệch giờ
Nhiều giáo viên nói rằng giãn cách xã hội trong trường là điều không thể thực hiện. Nhưng Na Uy đang thử nghiệm một cách. Học sinh hiện đang đến trường theo các giờ khác nhau để tránh tập trung đông người ở cổng. Phụ huynh cũng không được vào trường hoặc đi loanh quanh tán gẫu với bạn bè.
Giáo viên sẽ đón học sinh và chia thành nhóm nhỏ. Các nhóm sẽ duy trì trong suốt thời gian học và chơi, không có sự hoán đổi.
"Tô màu" dân cư
Iran đang áp dụng một phương pháp linh hoạt nhằm đảo bảo người dân thoải mái hơn trong những khu vực ít bị ảnh hưởng. Các thị trấn và thành phố trên khắp đất nước được đánh dấu trắng, vàng và đỏ, mỗi màu tương ứng với một mức độ lây nhiễm và số người chết mỗi nơi, qua đó cũng cho thấy mức độ nới lỏng của những nơi này.
Càng nhiều khu vực được đánh màu trắng dựa trên dữ liệu về y tế của địa phương, cư dân trong đó càng được tự do hơn.
Nước Ý không sử dụng hệ thống màu sắc như vậy, nên cư dân tại các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng ở miền bắc sẽ phải chịu lệnh phong tỏa dài hơn các khu vực khác.
Hộ chiếu miễn dịch?
Ngược lại, Trung Quốc đã chọn cách "tô màu" người dân chứ không phải các địa điểm - đây là quốc gia đầu tiên thực hiện việc cấp phép thông hành cho người dân được tự do đi lại.
Cách đây một tháng, nước này tung ra ứng dụng điện thoại ghi nhận tình trạng sức khỏe. Tại tâm dịch Vũ Hán, cư dân phải cung cấp tình trạng sức khỏe mới được sử dụng phương tiện công cộng. Nếu tình trạng màu xanh, người đó được xác định khỏe mạnh và có thể đi. Nếu là màu đó, người đó sẽ bị cách ly để kiểm tra Covid-19.
Bên cạnh tranh cãi về vấn đề bảo vệ bí mật cá nhân vốn là chuyện nghiêm trọng ở châu Âu, những người chỉ trích phương pháp này nói rằng không có gì đảm bảo ứng dụng nhận biết tình trạng sức khỏe cho kết quả đúng tại thời điểm được kiểm tra.
Những quan ngại trên đã được WHO tiếp nhận và đề nghị các chính phủ không phát hành "hộ chiếu miễn dịch".
Tuy nhiên, Chile cho biết nước này sẽ ban hành một chứng chỉ. Theo giới chức chính phủ, chứng chỉ sẽ cho biết một người có từng bị bệnh hay không sau thời gian cách ly.
Bức tranh toàn cảnh
Các phương cách mới, và nhiều biện pháp khác, có thể giúp xã hội dần trở lại bình thường. Nhưng bà Ngaire Woods, Giáo sư Quản lý Kinh tế Toàn cầu tại Đại học Oxford, nói rằng việc nới lỏng phong tỏa đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại về cuộc sống.
"Chúng ta được theo dõi, truy vết, cách ly và mọi thứ vận hành tốt," bà nói với BBC Radio Four.
"Chúng ta phải bắt đầu nghĩ về các biện pháp phòng ngừa ở nơi công cộng, trong trường học. Chúng ta phải kiểm soát các ca nhập khẩu - do đó cần nghĩ tới các biện pháp giới hạn đi lại. Đó là một danh sách phải thực hiện để có thể bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa một cách an toàn."
Giáo sư Woods nói rằng nên nghĩ xa hơn việc mở cửa trở lại các doanh nghiệp. Có thể tách các nhóm lao động ra theo độ tuổi - ví dụ giáo viên lớn tuổi có thể dạy qua video.
"Đó là những vấn đề chúng ta cần suy xét - chúng không phải là vấn đề không thể vượt qua," bà nói.
"Nếu không thì chúng ta buộc phải sống trong cảnh phong tỏa hoàn toàn."
Nguồn: