Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc cho rằng, một lý do trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm Trường Long có thể vì Bắc Kinh cho rằng, Việt Nam đã phá vỡ cam kết không khai thác dầu tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Vì đầu năm nay, tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với Việt Nam. Cùng ngày 22-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, “Các nước liên quan cần kiềm chế không có hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình tại vùng biển tranh chấp. Đồng thời kêu gọi các bên liên quan cùng làm việc với Trung Quốc để duy trì quan hệ song phương và bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực. Và với nỗ lực của Trung Quốc và các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông đang tiến triển theo chiều hướng tích cực. Đó là thành tựu đạt được sau nhiều nỗ lực và nên được tất cả các bên trân trọng”. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ ra thông cáo ngắn gọn, theo đó ông Phạm Trường Long phải hủy sự kiện giao lưu trên biên giới với Việt Nam vì lý do “sắp xếp lịch làm việc”. Tờ Hoàn cầu Thời báo cũng xác nhận, giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt-Trung đã bị hủy bỏ vì ông Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam. Trước đó, tờ báo này đã đăng một bài xã luận chỉ trích các bước đi ngoại giao của Việt Nam thời gian gần đây - đẩy mạnh quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.
Theo tờ South China Morning Post, tháng 1-2017, tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng lãnh đạo tập đoàn này) đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với 2 đối tác Việt Nam. Ngày 13-6, tàu Echigo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng và có các hoạt động huấn luyện chung trên biển với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 tại Đà Nẵng. Còn tờ New York Times dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc - chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu và Vân Nam, bị hủy vì "những nguyên do liên quan tới sự sắp xếp" của 2 nước. Đồng thời cho rằng, ông Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam sau cuộc thảo luận kín về tranh chấp ở Biển Đông.
Nếu chỉ nghe như vậy, nhiều người sẽ cho rằng, việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm Trường Long là “do lỗi của Việt Nam”. Nhưng nếu biết rằng, tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, ông Phạm Trường Long đã tuyên bố: Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”, thì mới hiểu được nội tình vụ việc. Năm ngoái, ông Phạm Trường Long đã đến Trường Sa, và trước đó (năm 2015), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương từng yêu cầu Mỹ giảm bớt hoạt động hải quân và không quân ở Biển Đông và không quên tuyên bố “Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa, và Bắc Kinh có quyền xây dựng và thiết lập các cơ sở quân sự trên đó”. Chỉ cần đưa ra ví dụ đơn giản này cũng đủ minh chứng một sự thật: Bắc Kinh đã và đang ráo riết thực hiện chiến lược độc bá Biển Đông. Do đó, tuyên bố và hành động của ông Phạm Trường Long tại Việt Nam là một phần của chiến lược này. Có người coi tuyên bố của ông Phạm Trường Long giống như “một đe dọa quân sự" đối với Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer cho rằng, nếu ông Phạm Trường Long yêu cầu Việt Nam ngừng khảo sát dầu khí, Việt Nam sẽ coi đó là "khiêu khích". Giới phân tích chính trị thế giới cảnh báo, sóng gió đang nổi lên trong quan hệ Việt-Trung và việc này sẽ ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực và hậu quả khó đoán định.
Giới chuyên môn đang quan tâm tới thông báo hôm 16-6 của Cục Hải sự Trung Quốc bởi giàn khoan Hải dương 981 (HD981) sẽ hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ trong 3 tháng, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9 năm nay. Sự xuất hiện của HD981 và động thái của ông Phạm Trường Long diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị Đại hội 19, nên dư luận càng quan tâm. Bởi nhiều người cảnh báo, Bắc Kinh có thể đẩy những bất đồng trong nước ra bên ngoài nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận, để họ dễ bề “múa tay trong bị”.