Chào các cụ mợ. Em lâu rồi không vào thớt này vì không còn ý định mua những gói BH gắn liền với nhân thọ nữa. Tuy nhiên vì có một số cụ hỏi nên em viết bài cuối, giải thích quyết định của em dưới góc độ tiết kiệm/đầu tư. Ngoài ra cũng để phân tích 3 loại hình BH nhân thọ chính: BH tích lũy truyền thống, BH liên kết chung, BH liên kết đơn vị khác nhau như thế nào dưới góc độ đầu tư. Lưu ý là em không đi vào so sánh các quyền lợi bảo hiểm.
Trước khi vào bài, em xin trích một phần giải thích rất đơn giản, dễ hiểu của chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh về cái gốc ban đầu của BH nhân thọ:
BHNT được tạo ra để con người có thể bù đắp hỗ trợ lẫn nhau khi rủi ro xảy ra. Tôi lấy 1 ví dụ dễ hiểu: Có 1,000 người, và theo thống kê, thì trong năm sẽ có 3 người chết. Thay vì ngồi chờ sự rủi ro xảy ra, thay vì cầu trời mình không phải là 1 trong 3 người đó, một ngàn người này chủ động bảo vệ trước rủi ro bằng cách mỗi người đóng vào quỹ chung 1 đồng, sẽ được tất cả là 1,000 đồng. Khi rủi ro tử vong xảy ra với 3 người nào đó, thì 1,000 đồng này sẽ được chia đều cho gia đình của 3 người này. Mỗi gia đình của họ sẽ được nhận 333 đồng.
Như vậy 1 đồng đã được bỏ ra để mua sự an tâm. Nếu rủi ro xảy ra thì gia đình được 333 đồng, để qua cơn khó khăn vì mất người lao động chính.
Thay vì 1,000 người tự nguyện hợp tác với nhau để chia sẻ rủi ro như vậy, thì công ty BHNT sẽ thực hiện việc thu mỗi người 1 đồng hàng năm và thực hiện việc đền bù này. Đương nhiên công ty BHNT phải trích từ quỹ chung này 1 phần tiền cho chi phí và lợi nhuận của họ.
Cái hay ho nằm ở chi tiết này: Có 997 người đã bỏ tiền ra nhưng không thu về được gì ngoài sự an tâm. Về mặt tâm lý, khách hàng không thích điều này. Họ thích đã bỏ tiền ra mua thì phải nhận về được cái gì đó "thực chất" cơ. Công ty BH cũng không thích điều này vì như thế không hút khách, không "moi" thêm được tiền từ khách. Do đó ngày nay, các sản phẩm BHNT đều được lồng ghép với tiết kiệm/đầu tư để khách hàng có thể thu về được một phần tiền
kể cả khi rủi ro không xảy ra.
Như vậy, thực chất khi mua sản phẩm chính của một hợp đồng BHNT (ko tính các SP phụ như BH tai nạn, nằm viện) là các cụ đã trả tiền cho 2 phần:
A/ Phần chi phí thực sự để bảo vệ trước rủi ro tử vong.
B/ Phần tiền các cụ giao cho công ty bảo hiểm đi tiết kiệm/đầu tư hộ.
Bây giờ em nói về sự khác nhau giữa BHNT tích lũy kiểu truyền thống, BH liên kết chung và liên kết đơn vị:
1. BHNT kiêm tích lũy kiểu cũ: Các cụ mợ có thể nhận diện loại này bằng mấy đặc điểm sau:
- Có hai chữ BẢO TỨC nổi bần bật lên trong hợp đồng. Nghĩa là công ty BH hứa với các cụ mỗi khoảng thời gian nào đó sẽ trả cho các cụ một khoản tiền lãi đầu tư cố định, phần còn lại thì du di tùy kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên để có thể trả một khoản lãi cố định như thế, cộng với việc
đảm bảo hợp đồng BH vẫn có hiệu lực đến tận khi các cụ về già, công ty BH cần phải làm thêm hai việc sau:
- Tăng phí BH lên khá cao (so với các loại hình BH mới về sau này)
- Thời gian đóng dài, ít nhất là 15 năm.
Dễ thấy, loại BH này không phải là quá hấp dẫn với khách hàng do mức phí cao mà thời gian đóng dài. Vì thế, công ty BH lại phát minh ra một hình thức mới gọi là BH liên kết, hay như em gọi là "lấy mỡ nó rán nó".
2. BHNT liên kết:
Đặc điểm của BH liên kết là:
- Phí BH rẻ (so với loại hình bảo tức truyền thống)
- Hoặc là phí BH cao hơn chút, nhưng chỉ đóng trong thời gian ngắn. Như bên Prudential chào em gói chỉ phải đóng trong 8 năm.
Và đây là đặc điểm quan trọng nhất:
- Công ty BH sẽ dùng một phần tiền mà các cụ giao cho họ để đem đầu tư, kiếm lời, sau đó dùng chính phần vốn và lãi đó để trả cho phí bảo hiểm rủi ro tử vong hàng năm của các cụ. (Chắc các cụ vẫn còn nhớ ví dụ 1 đồng ở trên?) Nếu đầu tư tốt, lãi suất ngon lành, thì tự tiền các cụ đóng trong mấy năm đã đủ để trả cho chi phí rủi ro rồi. Các cụ không cần đóng tiếp nữa. Mỡ nó rán nó, xe đang xuống dốc thì chẳng cần xăng cũng chạy, tự khoản tiền nộp ban đầu của các cụ sinh lời đủ để trả cho mọi chi phí.
Nhưng đời không như mơ. Các cụ mợ cứ già đi, chi phí trả cho rủi ro chết của các cụ mợ tăng lên (cái này có bảng giá hẳn hoi và được bộ Tài chính phê duyệt). Thị trường thì lên xuống thất thường, lợi nhuận xuống thấp. Dần dà, phần tiền đầu tư không đủ để trả cho phí BH rủi ro tử vong nữa. Lúc này các cty BH sẽ làm gì? Họ sẽ
yêu cầu các cụ mợ đóng thêm tiền, nếu không hợp đồng sẽ trở nên vô hiệu lực.
Các cụ mợ có thể thấy rất rõ điều này trong bảng minh họa của hợp đồng BH liên kết chung. Trường hợp lãi suất cao không nói, nhưng với LS trung bình/thấp, số dư tài khoản của các cụ chỉ tăng cao được trong 15-20 năm đầu (do vẫn còn ảnh hưởng của những lần nộp tiền đầu tư trước đây), sau đó càng ngày càng giảm dần rồi về 0.
Một số khách hàng lớn tuổi ở Mỹ đã từng được trải nghiệm điều này khi lãi suất ở Mỹ rơi vào thời kỳ thấp nhất trong lịch sử. Cty BH yêu cầu họ đóng thêm tiền, không thì cái hợp đồng đã mua 30 năm của họ đột nhiên sẽ trở nên vô hiệu. Không còn bảo hiểm gì nữa.
Nghe qua có vẻ ác, nhưng việc "khi cần thì mới đóng thêm tiền" thực ra lại làm cho phí bảo hiểm của loại hình này rẻ hơn, dễ chịu hơn so với loại có bảo tức kiểu cũ. Mặt khác, chúng ta thường chỉ cần bảo hiểm trong khoảng từ 30-60 tuổi để tránh việc con cái chưa trưởng thành mà trong nhà mất người lao động chính. Còn về sau, con cái tự có thu nhập rồi thì bảo hiểm tử vong thật sự đã không còn nhiều ý nghĩa nữa. Còn muốn tiếp tục được bảo hiểm, "an hưởng tuổi già" hoặc thậm chí có thêm tiền tang ma sau khi mất thì sao nhỉ? Rất đơn giản, đóng tiền nhiều lên. Hoặc là kiếm kênh đầu tư khác có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
2a/ BH liên kết chung (Universal linked)
Tiền đầu tư của CCCM sẽ được đưa vào một quỹ gọi là quỹ liên kết chung. Quỹ này đầu tư khá thận trọng, chủ yếu gồm tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Họ sẽ cam kết tỷ suất lợi nhuận tối thiểu X% trong khoảng mấy năm đầu, Y% (thường là 3%) trong mấy năm tiếp theo. Lợi nhuận có thể lên xuống tùy tình hình thị trường và hiệu quả đầu tư nhưng sẽ không thấp hơn con số X, Y này.
2b/ BH liên kết đơn vị (Unit-linked)
Với loại hình này, khách hàng được chủ động lựa chọn Quỹ đầu tư. Ví dụ, Prudential có mấy quỹ: Quỹ tăng trưởng (gồm cổ phiếu là chính), Quỹ thận trọng, Quỹ bảo toàn... (gồm Trái phiếu và tiền gửi là chính). Khách hàng có thể đổ tiền qua lại giữa mấy quỹ này vài lần trong một năm mà không mất phí. Thích rủi ro cao nhưng lời nhiều thì chọn Quỹ tăng trưởng và ngược lại.
Tuy nhiên, chính vì tự do như thế nên công ty BH
không cam kết mức lợi nhuận tối thiểu cho khách hàng. Hoàn toàn lời ăn lỗ chịu. Nếu chọn sai, quỹ đang vào thời kỳ âm không có lãi thì khách hàng tiếp tục móc tiền ra mà đóng phí để giữ cho hợp đồng có hiệu lực.
Có thể thấy, BH liên kết đơn vị cho ta sự tự do đầu tư hơn nhưng cũng rủi ro hơn là BH liên kết chung. Vì rủi ro như thế nên trong hợp đồng, các cụ mợ sẽ thấy công ty BH chỉ minh họa quá trình đầu tư trong 20 năm, ngắn hơn hẳn so với BH liên kết chung. Điều này đã được bộ Tài chính cho phép.
Với cá nhân em mà nói, mục đích em khi mở thớt này là muốn tìm hiểu xem có gói bảo hiểm nào có phần tích lũy/đầu tư tốt, cộng với sản phẩm bảo hiểm phụ rẻ. Em cũng ngồi tính tỷ suất lợi nhuận với giá trị dòng tiền chán ra rồi. Nhưng sau em thấy, dù tốt rẻ đến mấy vẫn không bù lại được chi phí phải bỏ thêm để bảo hiểm quyền lợi tử vong, thứ mà hiện tại em không cần, không quan tâm. Cho nên em đã quyết định tách phần đầu tư/tiết kiệm riêng và mua riêng sản phẩm BH quyền lợi sống.
CCCM có cần tìm hiểu gói BHNT cụ thể nào thì cứ trực tiếp liên hệ với các cụ mợ tư vấn BH trong thớt nhé, chứ em không đi theo hướng đó nữa đâu ạ.