Tiếp nối câu chuyện về Thượng viện và nhiệm kỳ của các Thượng nghị sĩ.
Như post trước có đề cập, bang nào lớn và đông dân thì sẽ có lợi thế lớn ở Hạ viện và các quốc phụ năm xưa không thích điều này. Họ cho rằng như vậy sẽ bị mất cân bằng quyền lực trong nhánh lập pháp khi tiếng nói của những bang nhỏ quá ít ỏi. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả là các bang lớn sẽ tùy tiện định đoạt chính sách của quốc gia mà không quan tâm tới quyền lợi của các bang nhỏ hơn. Đồng thời, nếu chỉ có 1 viện trong nhánh lập pháp thì nhân dân rất dễ bị tổn thương nếu đại diện của họ quên đi nghĩa vụ của mình mà chỉ lo tới lợi ích của bản thân. Vì vậy, cần có một hệ thống lập pháp thứ hai, đan xen và cân bằng quyền lực cũng như giám sát qua lại với Hạ viện, đó chính là Thượng viện.
Vậy Thượng viện cân bằng quyền lực với Hạ viện bằng cách nào? Thượng viện thực hiện vai trò cân bằng này thông qua cấu trúc đại diện bình đẳng giữa các bang. Nếu số lượng Hạ nghị sĩ phụ thuộc vào dân số của tiểu bang thì số lượng Thượng nghị sĩ là cố định với 2 Thượng nghị sĩ cho từng tiểu bang – bất kể dân số hay diện tích. Như vậy, tất cả các bang điều có tiếng nói ngang nhau trong việc hình thành chính sách và định hình phương hướng phát triển của quốc gia trên Thượng viện. Vì phạm vi của post này nên không thể kể chi tiết ra được, chứ thực ra các quốc phụ phải họp mất hơn 1 tháng mới đồng thuận lập hiến rằng Hạ viện được quyết định theo dân số còn Thượng viện là phân chia bình đẳng giữa các bang chứ không phải nhào vô là chấp nhận liền, còn phải cãi nhau chán chê qua lại.
Lời của quốc phụ James Madison - người sau này trở thành Tổng thống đời thứ 4 của Hoa Kỳ - trong Hội nghị Lập hiến khi ông lập luận về độ dài nhiệm kỳ của Thượng viện:
Ðể phán quyết chọn nhiệm kỳ dài bao lâu, cần phải xem xét Thượng viện được lập ra nhằm mục đích gì. Thứ nhất, để bảo vệ dân chúng chống lại những người cai trị. Thứ hai, để bảo vệ dân chúng chống lại những tâm trạng và quan điểm nhất thời mà chính bản thân họ có thể rơi vào. Với kinh nghiệm từ các quốc gia khác trước đây, dân chúng sẽ suy nghĩ thận trọng về mô hình chính quyền nào sẽ bảo đảm tốt nhất hạnh phúc của họ, và hiểu rằng có những điều chỉnh ban đầu mang lại hạnh phúc cho cộng đồng, nhưng sau này có thể phản bội niềm tin của họ. Để chống lại nguy cơ này, sự thận trọng cần thiết là phải phân chia sự phó thác của dân chúng vào các Viện khác nhau để các cơ quan này theo dõi và giám sát lẫn nhau. Nhờ đó, dân chúng sẽ được hưởng sự cai trị khôn ngoan trong mọi cơ quan của chính quyền. Mọi quyền lực dễ bị lạm dụng cần phải được tiến hành thông qua những người khác nhau, người này sẽ kiểm tra người kia.
Tiếp theo, một lúc nào đó, chính dân chúng cũng có thể mắc phải những nhầm lẫn nhất thời vì sự thiếu hụt các thông tin chính xác và cần thiết về lợi ích của họ. Cũng tương tự như vậy, những người đại diện được chọn lựa với một nhiệm kỳ ngắn để điều hành một số công việc chung cũng có thể mắc sai lầm. Nhận xét này cho thấy chính quyền phải được thiết lập sao cho ít nhất một nhánh chính quyền phải có cơ hội hiểu biết đầy đủ về mọi lợi ích của dân chúng. Một nhận xét khác là dân chúng và một số người đại diện cho họ đôi khi cũng mắc sai lầm vì những tình cảm và quan điểm không vững vàng. Một lá chắn cần thiết chống lại nguy cơ này là phải chọn ra được những công dân khôn ngoan, với một số lượng nhất định. Nhờ sự kiên định của mình, họ sẽ can thiệp và kiềm chế sự bốc đồng thái quá trong chính quyền. Cuối cùng, dân chúng cũng muốn mô hình chính quyền đảm bảo mọi lợi ích khác nhau của con người bởi đa số, vì lợi ích của mình, có thể đột nhiên chèn ép và gây bất công đối với thiểu số.
(Sẽ có nhiều người thắc mắc là đọc cả đoạn đâu có chỗ nào là chốt 6 năm đâu? Trong Hội nghị Lập hiến, các quốc phụ sẽ trình bày ý kiến của mình và quá trình này sẽ được ghi chép lại một cách cẩn thận và tỉ mỉ, tất cả đều có lưu tại thư viện quốc gia Hoa Kỳ và có bản online miễn phí. Có quốc phụ thì thích 6 năm rồi họ sẽ lên trình bày trước hội nghị, có quốc phụ khác thì thích 9 năm và họ cũng sẽ lên trình bày... Rồi tới bước bỏ phiếu. Cuối cùng, nhiệm kỳ 6 năm Thượng viện được đa số bỏ phiếu nên nó được Lập hiến.)
Ai thích tìm hiểu sâu thêm có thể đọc thêm về The Federalist từ số 62 tới 66 do các quốc phụ viết tại đây dành riêng cho các vấn đề về Thượng viện:
Federalists No. 62–66 (Madison or Hamilton)
Summary This section follows the pattern of the previous section, and is concerned with the qualifications and powers of the Senate. In Chapter 62, qualificatio
www.cliffsnotes.com
Hiện nay, Hoa Kỳ có tổng cộng 50 bang tương ứng với đúng 100 Thượng nghị sĩ trên thượng viện, mỗi bang có 2 Thượng nghị sĩ.
Vai trò của Thượng viện :
Thứ 1: Thượng viện có một quyền rất quan trọng mà Hạ viện không có, đó chính là quyền
giám sát và phê chuẩn: Thượng viện có quyền phê chuẩn các hiệp ước quốc tế và các bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong nhánh hành pháp và tư pháp, đặc biệt là phê chuẩn Thẩm phán Tối cao vào Tối cao Pháp viện. Quyền này không thuộc thẩm quyền của Hạ viện, giúp Thượng viện có tiếng nói độc lập trong các quyết định lớn của quốc gia cũng như định hình các chính sách đối ngoại cũng như nhánh tư pháp của Hoa Kỳ trong tương lai.
Vậy nên các mai fen để ý sẽ thấy, đảng nào nắm được thượng viện thì đảng đó sẽ nắm được chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Sau khi bác tôi thất cử năm 2020 thì đảng Cộng hòa cũng chính thức mất thượng viện vào tay đảng Dân chủ. Giờ thì các mai fen nhìn xung quanh thế giới hiện tại để thấy chính sách đối ngoại của đảng đang nắm Thượng viện. Còn về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tối cao thì đã có 1 loạt 3 posts, các mai fen hứng thú có thể tìm đọc.
Thứ 2: Quyền lập pháp song song: Mọi dự luật trước khi thành luật chính thức đều phải được thông qua ở cả Hạ viện và Thượng viện. Điều này yêu cầu sự đồng thuận của cả hai viện, ngăn chặn việc một viện đơn lẻ có thể quyết định chính sách quốc gia.
Tới đây phát sinh câu hỏi: Vậy nếu có một dự luật mà một trong hai viện không đồng ý thông qua thì phải làm sao?
Một dự luật nếu không được thông qua bởi 1 viện nào đó thì sao? Trường hợp này xảy ra khi một đảng nắm quyền 1 trong hai viện còn đảng kia sẽ nắm quyền viện còn lại. Khi này sẽ có hai hướng giải quyết:
- Hai viện, hay cụ thể hơn là cả 2 đảng, sẽ ngồi lại với nhau để đàm phán. Hai bên cùng nhượng bộ nhau, có thể là cùng đưa nghị trình mà mình muốn vào hoặc cùng nhau rút nghị trình đã có sẵn trong dự luật ra… Để đi tới bước cuối cùng là lưỡng đảng chấp nhận dự luật đó và thông qua nó.
- Nếu có bên nào đó không chịu nhượng bộ bất chấp đàm phán thì dự luật đó sẽ đi vào ngõ cụt, kết quả là bị xếp lại và chờ cho tới khi đảng muốn thúc đẩy dự luật đó nắm được cả hai viện lập pháp thì sẽ được thông qua nhanh chóng.
Từ đó, việc thành lập một hệ thống thứ hai là Thượng viện là một điều cần thiết. Nếu không có Thượng viện thì các chính sách mà Hạ viện – đại diện mạnh cho nhân dân - đưa ra sẽ ngay lập tức thành luật. Điều này không khác gì lấy nước sôi dội thẳng vào bộ máy chính quyền và tất nhiên, hậu quả của nó là vô cùng tai hại. Nhân dân thường có một cái đầu rất nóng và lại hay thay đổi, vì thế cần phải có một hệ thống trung gian để làm nguội nhân dân, hay nói một cách khác là làm nguội Hạ viện. Và đó chính là Thượng viện.
Và vì tất cả những điều trên, Thượng viện là nơi định hình chính sách đối nội trong dài hạn, cân bằng quyền lực với Hạ viện, quyết định những chính sách đối ngoại mang tính lâu dài và ảnh hưởng sâu sắc… Nên để đáp ứng được điều đó thì Thượng viện cần phải có một nhiệm kì đủ dài để có tầm nhìn xa, nhưng nó vẫn phải đủ ngắn để - theo lời của các quốc phụ - “những kẻ có tư cách tầm thường không thể được tái đắc cử”. Và cuối cùng, sau quá trình dài thảo luận, nhiều con số được đưa ra thì họ chọn con số 6 năm là độ dài nhiệm kì của một Thượng nghị sĩ. Việc có một nhiệm kỳ dài vượt trội hơn so với Hạ viện giúp cho Thượng viện ít phụ thuộc vào các xu hướng chính trị ngắn hạn và giữ được lập trường trung lập hơn so với Hạ viện, nơi các thành viên phải tranh cử lại sau mỗi hai năm. Điều này giúp Thượng viện có thời gian cân nhắc kỹ lưỡng về các chính sách và quyết định quan trọng, thay vì phải luôn lo lắng về việc tái tranh cử.
Ngoài những lý luận trên thì con số 6 này còn kết hợp một cách nhịp nhàng với nhiệm kỳ 2 năm của Hạ nghị sĩ và 4 năm của Tổng thống mà chúng ta sẽ có dịp bàn luận ở post cuối cùng của chủ đề này.
Vì toàn bộ lập luận trên nên các mai fen sẽ thấy vai trò của Thượng nghị sĩ quan trọng hơn nhiều so với Hạ nghị sĩ nên yêu cầu của nó cũng nhiều hơn và đòi hỏi chất lượng cũng cao hơn. Các quốc phụ đã nhìn thấy được điều này nên họ trực tiếp lập hiến về yêu cầu của 2 vị trí này trong Hiến Pháp như sau:
Hạ nghị sĩ: Tuổi tối thiểu: 25 tuổi trở lên, quốc tịch: Phải là công dân Hoa Kỳ trong ít nhất 7 năm, nơi cư trú: Phải là cư dân của tiểu bang mà họ muốn đại diện vào thời điểm bầu cử.
Thượng nghị sĩ: Tuổi tối thiểu: 30 tuổi trở lên, quốc tịch: Phải là công dân Hoa Kỳ trong ít nhất 9 năm, nơi cư trú: Phải là cư dân của tiểu bang mà họ muốn đại diện vào thời điểm bầu cử.
Nhưng vấn đề tới đây chưa hết.
Nhiệm kỳ là 6 năm rồi đó, nhưng có nên bầu lại 1 lượt cả Thượng viện như Hạ viện hay không cũng là một vấn đề được đem ra thảo luận.
Và các quốc phụ đều thống nhất cho rằng nhiệm kỳ là 6 năm nhưng 2 năm phải bầu lại 1/3 thượng viện và kiểu bầu báng này hoạt động theo kiểu bầu cuốn chiếu. Ngay sau cuộc bầu cử lần đầu tiên, các Thượng nghị sĩ sẽ được phân đều thành ba nhóm. Thượng nghị sĩ nhóm một sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai, Thượng nghị sĩ nhóm hai sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư, Thượng nghị sĩ nhóm ba sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ sáu, sao cho sau mỗi hai năm sẽ bầu lại 1/3 số Thượng nghĩ sĩ và việc này cứ thế kéo dài cho tới tận ngày nay.
Các quốc phụ lập luận rằng việc thay đổi toàn bộ Thượng viện cùng lúc có thể khiến hệ thống chính quyền thiếu ổn định, vì các thành viên mới có thể chưa đủ kinh nghiệm. Thượng viện cần giữ lại ít nhất 2/3 thành viên có kinh nghiệm để đảm bảo các chính sách và quyết định được tiếp nối một cách mạch lạc và ổn định cũng như để truyền kinh nghiệm lại cho 1/3 mới được bầu. Và hơn thế nữa, khi chỉ bầu lại 1/3 số ghế mỗi hai năm, Thượng viện giữ được sự đại diện ổn định của tất cả các bang, tránh trường hợp thay đổi đột ngột về mặt chính trị từ các bang lớn hay nhóm quyền lợi. Từ đó tránh việc quốc gia bị sốc chính sách trong trường hợp bầu lại toàn bộ thượng viện.
Hệ thống này sẽ kết hợp nhịp nhàng với độ dài nhiệm kì của Hạ viện và Tổng thống để cuối cùng, các bên sẽ phối hợp với nhau tạo chính sách theo hướng mà công dân của Hoa Kỳ mong muốn và mang lại tối đa lợi ích cho quốc gia.
Ngày 5/11 tới đây, 1/3 Thượng viện sẽ được bầu lại và theo như dự đoán, việc có tên của bác tôi trên lá phiếu sẽ giúp cho đảng Cộng hòa chiếm lại thế đa số trên Thượng viện.
Đón đọc post tiếp theo và cũng là post cuối cùng kết thúc toàn bộ câu chuyện về các quốc phụ năm xưa lập hiến và xây dựng chính quyền: Vì sao nhiệm kỳ tổng thống lại là 4 năm?