Cụ dh201hy chỉ dẫn đúng đấy ạ. Lằng nhằng lắm. Tốt nhất nên đi Chậm ở lane Giữa và hết sức quan sát Biển cùng địa hình dưới chân Cầu Vượt, may ra thì đỡ Nhầm.
XÃ HỘI
Thứ năm, 2/12/2010, 16:50 GMT+7
E-mail
Bản In
Tuyến cầu cạn đầu tiên ở Hà Nội thưa thớt
Sau gần 2 tháng hoạt động, phương tiện đi trên cầu cạn Pháp Vân khá thưa thớt trong khi đường bên dưới luôn ùn tắc. Một số chủ phương tiện cho rằng rất bất tiện khi phải đi vòng cả chục km để lên cầu tại nút giao Pháp Vân.
Dự án cầu cạn Pháp Vân được khánh thành dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long, nối tiếp với cầu Thanh Trì tạo tuyến vành đai 3 liên hoàn từ phía đông sang phía tây thành phố Hà Nội bằng hệ thống cầu cạn hiện đại.
Cầu cạn được thiết kế là đường cao tốc đô thị, phía trên dành cho ôtô với tốc độ tối đa 100 km mỗi giờ, tối thiểu 60 km mỗi giờ; đường gom phía dưới dành cho xe máy, xe thô sơ. Trong đó, nút giao Pháp Vân được đánh giá là hiện đại với những đường dẫn tách biệt các luồng phương tiện, không phải sử dụng hệ thống đèn tín hiệu. Đây là nút duy nhất của cầu cạn có đường dẫn lên xuống cho phương tiện đi theo các hướng.
Mặc dù bị cấm, song vẫn có nhiều xe máy đi lên cầu cạn. Ảnh:
Đoàn Loan. Sau gần 2 tháng hoạt động, lưu lượng phương tiện đi lại trên cầu khá thưa thớt, ngay cả giờ cao điểm. Trong khi đó, đường dưới cầu luôn trong cảnh ùn tắc, nhất là tại nút giao như Giải Phóng, Linh Đàm, bởi xe máy bị cấm lên cầu, và nhiều ôtô lại sử dụng đường gom bên dưới. Trên tuyến này, nhiều đoạn đường đã hư hỏng nặng cùng bụi bẩn khiến phương tiện đi lại càng khó khăn.
Theo người dân, nguyên nhân của hiện tượng này là thiết kế đường dẫn lên và xuống nút giao Pháp Vân phức tạp, chủ phương tiện phải đi vòng khá xa mới có thể lên cầu.
Anh Hà Trung ở khu đô thị Pháp Vân phản ánh hàng ngày phải lái ôtô đi làm ở Mỹ Đình, song để lên cầu cạn, anh sẽ phải đi vòng hơn 10 km mới có đường rẽ lên. Lúc về, anh phải đi vòng vèo 3-4 km theo đường dẫn mới tới nhà. Vì vậy dù có tuyến đường trên cao bắc ngay qua cổng khu đô thị Pháp Vân, song anh Trung cũng như nhiều chủ ôtô vẫn chưa sử dụng tuyến cầu cạn hiện đại.
Bên dưới cầu, các phương tiện chen nhau đi giữa bụi bẩn của những công trường. Ảnh:
Đoàn Loan. Là nút giao phức tạp song chưa có đủ biển báo cũng khiến chủ phương tiện qua lại đây bối rối. Anh Hưng, một tài xế cho biết, sau khi xuống cầu tại nút giao Pháp Vân, anh muốn đi về phía Lĩnh Nam, song xem biển báo chỉ dẫn về trung tâm Hà Nội, anh đi theo và bị lạc ra đường Giải Phóng.
Một lái xe ôm ở nút giao Pháp Vân cho biết, nhiều người đi qua đây bị lạc, đi cả vào đường một chiều. Thậm chí có người đi dưới gầm cầu phải dừng lại hỏi lên cầu như thế nào. Sau khi được chỉ dẫn, người lái xe này vẫn quyết định đi dưới cầu cho "an toàn", vì sợ lạc đường. Cũng có trường hợp "khóc dở mếu dở" vì chủ xe phải đi đến tận Cầu Giẽ, cách nút giao khoảng 15 km mới có thể quay đầu đúng hướng để lên cầu cạn.
Trao đổi với
VnExpress.net, ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cầu cạn Pháp Vân, thừa nhận nút giao thông Pháp Vân khá phức tạp, song được thiết kế đúng tiêu chuẩn quốc tế nên người dân phải từng bước làm quen.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án cho biết, do tuyến đường chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác nên hệ thống biển báo chưa được cắm đầy đủ, mới có một số biển báo cơ bản, nhà thầu sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới.
Lác đác mới có phương tiện đi lên cầu cạn tại nút giao Pháp Vân. Có rất ít biển báo như thế này tại nút giao thông rộng lớn. Ảnh:
Đoàn Loan. Đề cập về hiệu quả khai thác sau 2 tháng, ông Nguyễn Thanh Bình nhận định, do người tham gia giao thông chưa quen, chưa thấy được sự thuận tiện của tuyến đường trên cầu nên chưa đi nhiều. Cầu cạn được thiết kế cho phương tiện với tốc độ tối thiểu 60 km mỗi giờ nên sẽ gây nguy hiểm nếu cho xe máy đi.
"Mặc dù nút giao thông Pháp Vân hơi khó đi, song trong thời gian tới, tôi tin rằng người dân sẽ đi lại nhiều hơn khi đã quen đường. Đây là nút giao thông phức tạp nên người tham gia giao thông không được đi theo cảm tính, cần tuân theo biển báo mới không bị nhầm", ông Bình nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cũng cho rằng vì đây là tuyến vành đai 3 nên không ưu tiên cho giao thông đô thị mà ưu tiên cho phương tiện từ bên ngoài vào thành phố, lưu thông qua vành đai. Vì vậy cầu cạn Pháp Vân không bố trí nhiều đường lên xuống cho dân cư sống ven đường. Người dân phải chấp nhận đi xa để lên cầu cạn.
Cũng theo ông Hùng, phía trên cầu cạn có cấm xe máy là để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông với tốc độ cao. Đường gom dưới cầu có bị ùn tắc, song mấy tháng nữa khi tuyến này được cải tạo xong thì sẽ đảm bảo phương tiện lưu thông tốt hơn.
Đoàn Loan
Ý kiến bạn đọc (14) Sắp xếp theo: Mới nhất Cũ nhất
Phải thiết kế lại các biển báo
Biể̉n báo phải đặt cách đường rẽ̉ một khoảng cách hợp lý để người lái ôtô có đủ thời gian quyết định nên đi thế nào. Biể̉n báo cho ôtô phải làm trên cột chìa ra ngoài đường như ở nước ngoài để người lái ôtô thấy, chứ làm biển báo nhỏ xíu, giấu vào trong góc thì khó mà thấy...
(Trường Phong)