Về nguồn, điện khí chiếm phần lớn nguồn ở Texas (40% theo sản lượng), rồi đến điện gió (23%), rồi đến điện than (18%), rồi đến hạt nhân (11%), rồi đến mặt trời (2%), tí thủy điện và khác (hình 2). Vậy là nguồn tích trữ điện ngon nhất mà thiên nhiên ban tặng là thủy điện thì Texas lại hầu như không có. Mùa đông điện khí cõng hơn 50%.
Mùa đông ở Texas chỉ nhè nhẹ. Nên nhiều nhà máy tranh thủ mùa đông đóng máy chuyển sang duy tu bảo dưỡng. ERCOT (trung tâm điều độ) tất nhiên là đồng ý cho các chú nghỉ đông để lấy sức phát hè.
Điện gió gần như vô tội vì đã báo trước một tuần là tao cắt vì cánh quạt của tao không chịu được băng tuyết. Ừ có gì đâu, chúng mày cứ nghỉ, đã có khí, than, hột nhân lo.
Vâng, vì ấm quanh năm nên cũng không ai nghĩ ra là đường cấp nước làm mát cho nhà máy điện phải bảo ôn và sưởi ấm. Làm thế làm gì cho nó tốn, tăng tiền điện dân cao bồi nó chửi cho! Thế là khi đông cứng thì tèo luôn nhà máy điện than và hạt nhân.
Mỏ khí cũng dùng khá nhiều nước để bơm xuống móc khí lên. Nước đóng băng hết, bơm vào mắt. Báo đăng là đường dẫn khí bị đông nhưng không phải đâu, khí tự nhiên đâu có hóa lỏng dễ thế! Nó đông ngay từ nước ở mỏ, khí lên ít hơn hẳn. Khác với nhà máy điện than với bãi than hàng trăm ngàn tấn, nhà máy điện khí không tích trữ nhiều khí, có bao nhiêu chạy bấy nhiêu.
Nước Mỹ lại hiện đại. Có ai sưởi bằng cái lò sưởi đốt ga hay củi bao giờ. Đa số là dùng điện. Mà lại điện đời mới, rất tiết kiệm, còn gọi là điều hòa hai chiều hay heatpump. Cứ tiêu một đơn vị điện nó đẻ ra tận 6 đơn vị nhiệt. Tiết kiệm lắm! Nhưng đấy là ngoài trời 10oC trở lên. Khi trời lạnh dưới 5oC thì cái heatpump ngốn điện chả khác gì cái máy sưởi Tàu. Muốn đỡ tốn phải bơm nước dưới đất lên đút vào heatpump mới tiết kiệm điện. Texas ấm quanh năm, ai làm thế cho tốn tiền? Vì thế khi trời lạnh đột ngột, tiêu thụ điện sẽ tăng vọt dù máy sưởi vẫn bật suốt mùa đông. Nhu cầu điện đã tăng từ khoảng 52GW vèo phát lên 72 GW vào cuối ngày 15/2.
(nguồn: Chú Nhật Đình)
Sao lại mất điện diện rộng thế được nhỉ?