Có bài này, về bảo hiểm, các cụ quan tâm tham khảo xem.
https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem/cac-loi-co-ban-khi-mua-bao-hiem-nhan-tho-213407.html?fbclid=IwAR3EQYsTGhUZchije5ki2oltxrreY_RN_VMZp6IVhXFgTQlRX9IDZZC7OCg
(ĐTCK) Thực tế cho thấy có những trường hợp đáng tiếc khi hiểu không đúng về bảo hiểm nhân thọ cũng như chưa biết cách tham gia bảo hiểm sao cho hợp lý nhất.
Không mua bảo hiểm cho người trụ cột
Một khách hàng nam tử vong do đuối nước trên khúc sông Bứa ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Anh là người trực tiếp bỏ tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho vợ con, nhưng lại không mua cho bản thân, người trụ cột (người tạo ra thu nhập chính) trong gia đình.
Một trường hợp khác, người chồng mua bảo hiểm chính cho vợ con, còn bản thân chỉ tham gia sản phẩm bổ sung đính kèm. Sau đó, sự việc không may xảy ra, anh mất trong một vụ tai nạn xe, được chi trả số tiền bảo hiểm hơn 200 triệu đồng. Nếu người trụ cột trong gia đình này tham gia sản phẩm bảo hiểm chính thì cũng với tổng mức phí bảo hiểm đóng trên 20 triệu đồng/năm, rủi ro như thế này sẽ được chi trả từ 2 tỷ đồng trở lên.
Trong các lần tư vấn, trò chuyện trực tiếp với khách hàng, chúng tôi - những tư vấn viên bảo hiểm, đều nỗ lực thuyết phục họ mua bảo hiểm cho người trụ cột trước khi mua cho người thân, vì đó là một trong những nguyên tắc quan trọng khi mua bảo hiểm. Nhưng nhiều người tham gia bảo hiểm chủ yếu là để tiết kiệm, chứ không nghĩ đến rủi ro và ưu tiên mua cho người thân trước. Những người có con nhỏ thì chia sẻ: “Trẻ con hay đau ốm, mua cho nó cái bảo hiểm, vừa tiết kiệm lại đỡ được tiền viện phí”.
Thực tế, cuộc sống là vô thường. Có những người từ bé tới giờ chưa một lần phải uống thuốc, thậm chí hắt hơi, sổ mũi, nhưng sau đó tình cờ phát hiện mắc bệnh nan y. Hay công việc, cuộc sống diễn ra an bình, không cảm thấy bất kỳ nguy hiểm nào, nhưng bỗng dưng tai nạn xảy ra.
Thống kê của ngành giao thông về các vụ tai nạn cho thấy những con số rất khủng khiếp. Vì thế, bản thân đang khỏe mạnh, cuộc sống diễn ra an lành, nhưng không nên chủ quan mình sẽ khỏe mãi, sống tới đầu bạc răng long, ra đi vì tuổi già.
Khi con cái còn nhỏ, đang phải lo học hành và sự nghiệp cho chúng mà người trụ cột bị mất thu nhập do tàn phế, bệnh tật, hoặc tử vong thì cuộc sống gia đình sẽ bị xáo trộn rất lớn. Thậm chí, có những người trước khi nhắm mắt xuôi tay đã tiêu hết toàn bộ gia sản vào việc chữa trị, đẩy người thân vào cảnh túng quẫn.
Bởi thế, bạn là người lao động chính, trụ cột trong gia đình, đồng nghĩa với việc chèo lái con thuyền gia đình, bạn chính là một thuyền trưởng, nắm giữ vận mệnh của các thành viên, có trách nhiệm bảo vệ họ. Nếu cuộc sống của bạn bị đe dọa thì chắc chắn bạn khó có thể thực hiện trách nhiệm này của mình.
Để trách nhiệm vẫn có thể hoàn thành thì giải pháp hữu hiệu là mua bảo hiểm nhân thọ cho người trụ cột chính trong gia đình trước tiên. Mặt khác, bản thân cũng không tạo gánh nặng quá lớn cho con cái trong trường hợp bị tai nạn, bệnh tật.
Hủy hợp đồng giữa chừng
Lời chia sẻ của một chị khách hàng khiến chúng tôi cảm thấy nghẹn lòng. Chị kể, cách đây 10 năm, mẹ chị tham gia hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng vì hàng xóm bảo “tham gia bảo hiểm chẳng được gì” nên chủ động hủy hợp đồng. Không may, một năm sau đó, mẹ chị phát hiện bị ung thư.
Căn bệnh tưởng chừng chỉ đến với người khác, ăn uống không đảm bảo hay làm việc trong môi trường độc hại, thì bỗng dưng hiện hữu với gia đình chị, mẹ và ba anh chị em. Chị cứ tiếc rằng, giá như không nghe lời hàng xóm thì gia đình chị đã đỡ khổ...
Có những thứ trên đời dù có rất nhiều tiền cũng không thể mua được, hai trong số đó là sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ. Sức khỏe thì không ai biết ngày mai sẽ như thế nào. Bảo hiểm nhân thọ thì chỉ mua được lúc chưa cần (dùng tới), còn khi cần rồi thì không ai có thể mua được.
Ảnh internet.
Ngoài hủy ngang hợp đồng vì suy nghĩ sai lầm là hầu như không mang lại giá trị gì, cũng có khách hủy hợp đồng vì lo mất giá. Có khách hàng cho biết, 10 năm trước tham gia bảo hiểm, 10 năm sau thu hoạch được một bài học là tổng lợi tức từ bảo hiểm thấp hơn một tháng thu nhập hiện tại. Bài học này đúng, nhưng đó chỉ là một khía cạnh.
Tham gia bảo hiểm sẽ được bảo hiểm về tài chính khi rủi ro, chứ không nên đặt nặng vấn đề sinh lời. Bảo hiểm nhân thọ không phải là kênh đầu tư sinh lời như nhiều kênh khác. Sinh lời trong bảo hiểm nhân thọ nằm ở chỗ, khi khách hàng không may gặp rủi ro thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra chi một khoản tài chính cho gia đình, qua đó ổn định cuộc sống. Thực tế, khoản sinh lời lớn này của bảo hiểm nhân thọ không một ai thích. Chỉ khi bị bắt buộc dùng (tức sự kiện bảo hiểm xảy ra - rủi ro xảy ra) thì mới thấy hết ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ.
Khi hợp đồng đáo hạn mà không có sự kiện bảo hiểm xảy ra thì toàn bộ số tiền đã đóng góp sẽ được hoàn trả cho khách hàng, chưa kể những khoản lãi chia tích lũy. Tất nhiên, giá trị của khoản tiền khi đó sẽ thấp hơn so với trước, nhưng tiền mất giá là xu thế chung, do lạm phát, ai cũng bị ảnh hưởng. Điều quan trọng hơn cả là bản thân vẫn sống khỏe và không ảnh hưởng tới gia đình.
Tham gia bảo hiểm nhân thọ là phải thực hiện xuyên suốt hợp đồng, hủy ngang hợp đồng sẽ bị thiệt thòi, số tiền nhận lại thường ít hơn. Cũng như trồng cây lâu năm, 15 năm mới cho thu hoạch mà 10 năm đã đốn cây thì thiệt thòi là tất yếu.
Tư duy theo cách của người “chưa giàu”
Các chuyên gia bảo hiểm hàng đầu thế giới khuyến nghị nên tư duy theo cách của người giàu khi tham gia bảo hiểm nhân thọ. Người giàu có, thành đạt không hẳn là những người quá xuất sắc so với phần còn lại. Về cơ bản, họ có thói quen sử dụng đồng tiền thông minh, khoa học và đúng đắn hơn người chưa giàu.
Trong tài chính, sự khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại là cách quản lý tiền bạc, bởi bạn phải là chủ của đồng tiền, chứ không phải để đồng tiền làm chủ mình. Khi chưa trở thành người giàu, hãy luôn cố gắng tạo ra nguồn thu mới, chính đáng và hợp pháp bên cạnh nguồn thu “truyền thống”.
Nhưng quan trọng hơn, trước khi cố gắng gia tăng thu nhập để trở nên giàu có, hãy đảm bảo rằng bạn có thể kiểm soát, điều phối các khoản thu chi. Theo đó, ngay khi có lương, thay vì “vung” mỗi nơi một ít, bạn hãy tính toán kỹ lưỡng và ưu tiên cho những khoản cần thiết, những chi phí tối thiểu hàng tháng, các khoản tiết kiệm, đặc biệt là cho bảo hiểm nhân thọ.
Tại sao phải ưu tiên dự phòng bằng bảo hiểm? Bởi bảo hiểm nhân thọ giúp bạn thắt chặt chi tiêu và biết cách lên kế hoạch tài chính một cách hiệu quả. Bởi một lúc nào đó, khi chẳng may bệnh hiểm nghèo, tai nạn gõ cửa, khoản tiền tiết kiệm mà bạn dành dụm được không đủ để đáp ứng cho những hóa đơn thanh toán từ bệnh viện, thì bạn vẫn có một nơi mang tên bảo hiểm nhân thọ để trông cậy. Bảo hiểm nhân thọ sẽ luôn ở bên người tham gia, chi trả ngay lập tức khi có tai nạn, phát hiện cũng như điều trị bệnh.
Không lo mất tiền nếu công ty bảo hiểm gặp rủi ro, phá sản
Pháp luật quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải có đủ khả năng tài chính để đáp ứng cam kết với người tham gia bảo hiểm. Cụ thể, doanh nghiệp phải có số vốn điều lệ đã đóng không thấp hơn mức vốn pháp định do Chính phủ quy định và duy trì số vốn này trong suốt quá trình hoạt động. Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải có nguồn vốn chủ sở hữu tương ứng với quy mô hoạt động. Hơn nữa, sau khi thu phí bảo hiểm, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ để đáp ứng khả năng chi trả cho người tham gia.
Bên cạnh đó, pháp luật quy định rõ danh mục đầu tư vốn và việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm phải được thực hiện an toàn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.
Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu sự kiểm tra, giám sát về nội dung và phạm vi hoạt động bao gồm quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm áp dụng, địa bàn triển khai, đối tượng khách hàng. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, môi giới bảo hiểm muốn thay đổi nội dung, phạm vi hoạt động phải được Bộ Tài chính chấp thuận. Người quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm phải có năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn về bảo hiểm.
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm giải thể, phá sản thì phải chuyển giao toàn bộ các hợp đồng bảo hiểm đã ký cho doanh nghiệp bảo hiểm khác theo thỏa thuận hay theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, kèm theo việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm là chuyển giao tài sản, các quyền và nghĩa vụ tài chính.
Theo
Lương Minh - Trâm Ngọc
Đặc san Toàn cảnh Bảo hiểm Việt Nam 2017