Việc nhiều người ko muốn mua bảo hiểm cũng có một phần lỗi từ cách giải quyết chưa chuyên nghiệp của nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, việc mua bảo hiểm khi đi nước ngoài là nên mua. Chi phí ý tế ở nước ngoài rất cao, có khi lên đến vài chục nghìn $ tùy vào từng trường hợp. Khi các bác ở nước ngoài mà không có bảo hiểm thì lúc đấy một là ráng chịu mà về nước điều trị hoặc móc tiền túi ra trả. Việc mua bảo hiểm ntn thì người mua cần tìm hiểu kỹ hoặc cần được tư vấn đầy đủ. Thông thường thì mọi người mua bảo hiểm du lịch (travel insurance). Trong bảo hiểm du lịch cũng có rất nhiều options bao gồm chậm & hủy chuyến, tai nạn, khủng bố, sức khỏe ...Khi mua bảo hiểm du lịch các bác nên để ý mấy điểm sau:
Thứ nhất, gói cơ bản thường có chậm & hủy chuyến và bảo hiểm tai nạn (personal accident). Rất nhiều bác mua bảo hiểm du lịch nhưng có lẽ vẫn nhầm lẫn giữa bảo hiểm tai nạn (personal accident) với bảo hiểm sức khỏe (healthcare). Bảo hiểm tai nạn chỉ bảo hiểm cho các trường hợp bị tai nạn ví dụ như xe đâm, ngã gãy tay....mà không bảo hiểm cho các trường hợp nhập viện do ốm đau (cảm cúm, sốt...). Nếu các bác đi công tác dài ngày, hoặc con cái đi du học thì nên để ý đến bảo hiểm sức khỏe (healthcare). Đối với hầu hết các công ty nước ngoài thì khi nhân viên đi công tác họ mua cho nhân viên bảo hiểm bao gồm cả tai nạn & sức khỏe. Đây là quyền lợi của nhân viên và cũng là cách công ty giảm chi phí khi nhân viện bị tai nạn & ốm đau ở nước ngoài ( đã có bảo hiểm chi trả)
Thứ 2 là về mua bao nhiêu là đủ, các bác càng chọn nhiều options và hạn mức bồi thường cao thì chi phí càng cao. Các bác có thể chọn mua bảo hiểm chậm & hủy chuyến, tai nạn, sức khỏe và cả rủi ro khủng bố (terrorism), như trường hợp bị đánh bom ở Ai Cập. Nếu đơn bảo hiểm không mở rộng bảo hiểm cho rủi ro khủng bố thì cũng sẽ không được công ty bảo hiểm đền. Các bác nên yêu cầu được tư vấn kỹ trước khi mua bảo hiểm và lựa chọn các gói phù hợp với mục đích/chi phí của mình.
Thứ 3 là mua có bảo lãnh viện phí không. Theo em biết trước đây thì hầu hết các công ty bảo hiểm Việt Nam chưa có bảo lãnh viện phí tại nước ngoài. Tức là các bác vẫn phải tự thanh toán trong trường hợp bị tai nạn & ốm đau rồi mang hồ sơ về đòi công ty bảo hiểm trong nước. Em không rõ hiện tại các công ty trong nước đã có bảo lãnh viện phí tại nước ngoài hay chưa. Các công ty quốc tế như AIG, QBE, Liberty thì có thể có bảo lãnh viện phí tại nước ngoài. Nói nôm na là các bác chỉ cần cầm cái thẻ bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm vào viện, nếu gói các bác mua có bảo lãnh viện phí và bill nằm trong mức được bảo lãnh thì các bác chỉ cần ký và về. Mọi việc còn lại bảo hiểm lo. Mức bảo lãnh viện phí cao hay thấp cũng tùy thuộc vào gói các bác mua. Với trường hợp ở nước ngoài lâu (từ 3 tháng) thì nên mua bảo hiểm tại nước đó. Gần đây vụ Việt Kiều Canada bị đâm chém gì đó mà công ty bảo hiểm cho trực thăng đưa sang nước ngoài cũng là nằm trong chi phí bảo hiểm chi trả.
Đấy là mấy điểm em cho là cần lưu ý khi mua bảo hiểm du lịch. Như em nói ở trên, đặc biệt là với trường hợp đi công tác, đây là quyền lợi của nhân viên mà công ty phải đảm bảo. Như em làm công ty nước ngoài, đợt dịch cúm H1N1 năm 2011 hay 2012 gì đó, bọn đối tác dừng sang Việt Nam vì không công ty bảo hiểm nào bảo hiểm cho dịch H1N1 tại Việt Nam. Sang Việt Nam mà bị cum, bọn nó phải tự móc tiền túi ra trả viện phí nên không đứa nào chịu đi sang Việt Nam.
Bảo hiểm ở Việt Nam còn mới so với các nước tiên tiến và kể cả các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia. Việc giải quyết bồi thường thiếu chuyên nghiệp nên gây phản cảm nhiều trường hợp. Ngoài ra, đơn bảo hiểm dài và nhiều từ chuyên môn khó hiểu càng làm các bác không thích mua bảo hiểm. Tuy nhiên em thấy nếu đi công tác và có con cái đi du học nước ngoài thì nên quan tâm.