Thưa các cụ!
@: ngành GT!
Em mới khai quật được bài này trên
http://www.tgvn.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=5&ID=2473
Từ “5 Km/h” đến “xin lỗi vì sự bất tiện”
5km/h (có người gọi là năm cây chuối một giờ)! Tấm biển đặt ở nhiều nơi, làm bằng đủ thứ vật liệu khác nhau.
5km/h là con số tốc độ được yêu cầu khi đi qua khu vực đang thi công. Không biết cái quy định này có từ thời nào. Bởi vì tốc độ đó chỉ có thể áp dụng trên vỉa hè, chứ người đi xe đạp mà chạy được như vậy chắc cũng phải giỏi cỡ vận động viên chuyên đua… xe đạp chậm. Nhưng nơi nào cũng giăng được cái bảng thậm vô lý đó lên, từ ngành cấp nước tới thoát nước, từ ngành bưu điện đến điện lực... Thường thì đó là những tấm bảng theo quy cách của một biển báo giao thông. Nhưng cũng có khi, người ta tự viết tay nguệch ngoạc trên một miếng sắt cứng, rồi hiên ngang trưng cái quy định đó ra.
Không hiểu ai đã cho ai có quyền tùy tiện đặt ra quy định lẽ ra chỉ thuộc thẩm quyền của ngành giao thông như vậy? Đi ngang những tấm biển "5km/h" mà thấy hãi hùng. Đường chật, công nhân cứ mặc sức ngổn ngang. Cần cẩu khổng lồ quay ngay trên đầu, hú vía! Nhưng người qua đường dường như không có quyền phàn nàn gì hết. Vì nhìn thấy "5km/h". Nếu có ai đó làm không đúng, thì chắc không phải đơn vị thi công gây lộn xộn đường phố, mà hẳn là mình, bởi vì dám vượt cái tốc độ quy định đó. Len lén đi qua.
Từ tấm biển, nhớ lại một chuyện khác, vụ án đánh người thành thương mà bị hại là một anh xe ôm. Chiều đó (cuối tháng 11/2006), giao lộ Cách mạng tháng 8 - Bắc Hải ùn tắc, anh xe ôm lao ra điều khiển giao thông. Một cô gái không nghe theo tín hiệu giao thông của anh xe ôm, liền bị anh này tát vào mặt. Buổi tối ở nhà, cô gái ấm ức kể lại với bạn trai. Vụ "gặp lại" thành ra xô xát, bạn trai của cô vơ cây gỗ dưới chân nhằm đầu anh xe ôm giáng xuống…
Điều đáng chú ý là trong phiên tòa, người ta không xét tới việc anh xe ôm kia làm việc không thuộc thẩm quyền (cũng không được ủy quyền) là thay cảnh sát giao thông điều khiển giao thông (và nếu vậy, cô gái không nhất thiết phải theo cái tín hiệu giao thông giời ơi đó), cũng không tính lại chuyện anh xe ôm đã "lỡ tay" "hành luật" quá mức. Chủ tọa lập luận rằng cô gái là nữ sinh mà đi cự cãi anh xe ôm vậy là hung hăng, và bạn trai cô (bị cáo) lẽ ra thấy bạn gái mình sai ("hung hăng" như vậy - PV) thì phải biết khuyên giải…
Một vài tờ báo đã tốn không ít giấy báo nói chuyện đó. Ai nấy ngậm ngùi xót thương anh xe ôm hiệp sĩ, phê phán cô gái và bạn trai của cô đã không biết tôn trọng người thay cảnh sát hành đạo, lại còn làm chuyện nông nổi. Cái "tình" chủ quan và một chiều đã thắng cái "lý" ngay từ những lập luận đầu tiên!
Từ chuyện "5km/h" đến chuyện người đi đường phải nghe theo tín hiệu của anh xe ôm bất kỳ nào đó xông ra điều khiển giao thông, chẳng thấy khác nhau là mấy. Bởi vì ai cũng có thể nghĩ đô thị như một cái làng, với một vị "già làng" tự xưng nào đó!
Cũng có khi, "5km/h" được đặt thành biển báo giao thông nghiêm chỉnh (hẳn nó được ban ra đúng bởi cơ quan có thẩm quyền là ngành giao thông). Tấm ảnh chụp hồi cuối năm 2007 tại đoạn đường Trường Sơn là tuyến đường chính nối ra sân bay Tân Sơn Nhất. Làn đường thoáng rộng vì đã thi công xong xuôi, nhưng tốc độ hạn chế vẫn nguyên 5km/h. Đến giữa tháng 12/2007, tấm biển trong ảnh đã được tháo bỏ, nhưng phía sau chỗ rẽ này còn một biển nữa quy định với xe đi thẳng tới lối vào ga quốc tế. Cũng "5km/h"!
Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (hướng từ Tôn Đức Thắng tới cầu Sài Gòn), đoạn gần cầu Văn Thánh 2 (đang sửa chữa), cũng thấy lắp bảng hạn chế tốc độ giống vậy. Đầu tiên, có một bảng "30km/h". Chạy chậm lại. Đi thêm cỡ 100m nữa thì xuất hiện bảng "20km/h". Từ từ giảm tốc… Thế rồi, chỉ khoảng chưa tới 10m tiếp theo, một bảng "5km/h" đứng hiên ngang. Phanh gấp!
Nhưng mỗi ngày, trên đường phố lại có thêm những tấm biển mới. Qua khu Liễu Giai ở Hà Nội thấy tòa nhà Hanoi City Complex đang thi công. Không bừa bộn lấn đường, cũng không gây nhiều tiếng ầm ỹ. Nhưng bất ngờ nhìn thấy một tấm biển khác lạ nơi đó: "Công trình đang thi công. Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện cho người qua lại"
Nguyên do của sự sạch đẹp nơi công trường kia có thể đã được giải thích một phần trên tấm biển đó. Mình đang lo một chuyện nhưng cũng hiểu rằng người khác không có nghĩa vụ phải nhịn nhường chỉ vì mình đang lo chuyện đó (họ cũng đang phải lo việc quan trọng chẳng kém). Cho nên, tư thế được xác định là tư thế của người hiểu mình có thể đang làm phiền người khác và sẽ cố tránh sự làm phiền ấy đi.
Lòng vòng vài góc phố, nhìn từ "5km/h" đến "chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện", đã thấy những lối ứng xử khác nhau, xuất phát từ những cách nhìn khác hẳn nhau.
Đưa đô thị lên văn minh với tinh thần "sống và làm việc theo pháp luật" hay trả nó trở về cái xã hội trọng tình của cư dân nông nghiệp? Có lẽ không nên quá thiên về bên nào để đặt ra một cách nghĩ duy nhất đúng. Nhưng cái tình của thế hệ vị thẩm phán đầu hai thứ tóc hẳn khác cái tình của thế hệ bạn trẻ tuổi đôi mươi. "Cái lý người Mông" cũng không thể giống cái lý của người Kinh được. Tranh luận mãi, biết ai đúng ai sai? Bởi thế nên một đô thị thực xứng là đô thị cần những thị dân công dân biết thượng tôn luật pháp (và hiểu rằng chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được đặt ra luật pháp đó). Để thúc đẩy được sự thượng tôn luật pháp thì những quy định nho nhỏ nhìn thấy hằng ngày cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đặt ra làm sao cho hợp lý và sát thực tế.
Hằng Nguyễn