Robert McNamara: 11 sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Trong cuốn hồi ký mang tựa đề "Hồi tưởng" xuất bản năm 1995, Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, "kiến trúc sư" cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, đã thừa nhận 11 sai lầm mà Mỹ đã mắc phải trong cuộc chiến tranh này.
Điều đặc biệt là 30 năm sau chiến tranh và 9 năm kể từ khi cuốn sách ra mắt, nước Mỹ dường như đang mắc lại chính những sai lầm mà ông McNamara đã nêu.
"Chúng ta đã sai lầm, sai lầm một cách tồi tệ. Chúng ta nợ các thế hệ tương lai câu giải thích tại sao?" - đó là những lời thú nhận đã trở nên nổi tiếng của ông McNamara về cuộc chiến ở Việt Nam 9 năm trước đây.
Tháng giêng năm ngoái, ông lặp lại nhận xét tương tự trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Globe & Mail của Canada, nhưng lần này là về cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Iraq: "Chúng ta đang lạm dụng thế lực của chúng ta. Điều chúng ta đang làm là sai lầm. Sai lầm về đạo đức, sai lầm về chính trị, sai lầm về kinh tế".
Ở độ tuổi gần 90, ông McNamara dành thời gian để viết 3 cuốn sách và xuất hiện trong một bộ phim, nhằm nêu bật những sai lầm cơ bản, tránh cho nước Mỹ khỏi sa lầy trong một cuộc chiến tốn kém nhất nhưng lại ít hiệu quả nhất, như cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
1. Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai khi đó (và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị của các đối thủ... và chúng ta đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ.
2. Chúng ta xem xét nhân dân và lãnh đạo của miền Nam Việt Nam chỉ bằng trải nghiệm của chúng ta... Chúng ta đánh giá sai hoàn toàn những lực lượng chính trị trong đất nước đó.
3. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ.
4. Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ.
5. Chúng ta đã thất bại khi đó (và từ đó đến nay) trong việc nhận ra những hạn chế của khí tài, lực lượng và học thuyết quân sự công nghệ cao, hiện đại... Chúng ta cũng thất bại trong việc điều chỉnh chiến thuật quân sự của chúng ta cho phù hợp với nhiệm vụ thu phục nhân tâm của người dân thuộc một nền văn hoá hoàn toàn khác biệt.
6. Chúng ta đã thất bại trong việc lôi kéo Quốc hội và nhân dân Mỹ vào cuộc thảo luận toàn diện và cởi mở, tranh luận những điều nên và không nên xung quanh việc đưa quân đội tham chiến trên diện rộng... trước khi chúng ta lên kế hoạch hành động.
7. Sau khi sự việc diễn ra và những sự kiện không như dự đoán khiến chúng ta đi chệch đường lối đã hoạch định... thì chúng ta đã không giải thích đầy đủ những điều đang diễn ra và tại sao chúng ta lại phải làm như đã làm.
8. Chúng ta không chịu thừa nhận rằng kể cả nhân dân lẫn lãnh đạo của chúng ta đều không thông suốt mọi sự. Đánh giá của chúng ta về cái gì là lợi ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác cần phải được đưa ra sát hạch thông qua bàn luận cởi mở tại những diễn đàn quốc tế. Chúng ta không được Thượng đế ban phát quyền nhào nặn mỗi dân tộc theo hình ảnh của chúng ta hay theo cách mà chúng ta lựa chọn.
9. Chúng ta không tuân thủ nguyên tắc về việc hành động quân sự của Mỹ, chỉ nên được thực thi trong sự phối hợp với lực lượng đa quốc gia được cộng đồng quốc tế ủng hộ hoàn toàn (về thực chất, chứ không chỉ nhìn từ bên ngoài).
10. Chúng ta đã không chịu thừa nhận rằng trong các vấn đề quốc tế, cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống, có thể có những vấn đề không tìm được giải pháp tức thời... Đôi khi chúng ta phải sống trong một thế giới không hoàn hảo, không ngăn nắp.
11. Những sai sót căn bản trên khiến chúng ta không tổ chức được bộ máy chóp bu của chính quyền hành pháp trong việc xử lý hữu hiệu tổng thể những vấn đề chính trị và quân sự bất thường.
Theo
H.N
Vnmedia/QT
Nguồn:
http://dantri.com.vn/the-gioi/robert-mcnamara-11-sai-lam-cua-my-trong-chien-tranh-viet-nam-1114080191.htm
Phim
The Fog of War: Eleven Lessons from the Life of Robert S McNamara