BIA ĐÁ MỞ ĐƯỜNG Ở HỘI AN
Đây là một tấm bia nằm ở ven đường nối Vĩnh Điện và Hội An, dọc theo con đường nối Điện Phương (Triêm Trung) qua làng Thanh Hà ghi lại việc mở đường. Tấm bia đã bị thời gian bào mòn, chữ Hán khắc trên bia đã bị mờ, các góc cạnh của bia đã bị sứt mẻ, nhìn già nua, tiều tụy! Cũng may, người dân còn vương vấn người xưa, vật cũ, trồng bên cạnh đó khóm trúc nhỏ và đặt thêm chiếc nồi hương để tưởng nhớ công lao mở đường của tiền nhân. Bên cạnh đó, một tấm bia khác được chính quyền địa phương cho dựng để giải thích các nội dung trên bia đá cũ. Tiếc là, tấm bia này nằm e ấp bên vệ đường với những dòng chữ nhạt nhòa, như thư tình bị ướt lệ, khó khăn lắm mới chép lại nội dung như dưới đây:
"Bia đá này được lập vào năm Minh Mạng thứ 5 (Năm 1824) ghi lại sự kiện mở đường từ Vĩnh Điện qua phố Hội An đến Cửa Đại Chiêm (Cửa Đại ngày nay). Dịch nghĩa chữ Hán trong bia như sau:
"Ngày tháng 5, năm Minh Mạng thứ 5, vâng lệnh đắp đường mới về phía Đông một ngàn ba trăm bốn bốn tầm bốn thước đến phố chợ Hội An, hai ngàn sáu trăm sáu mươi sáu tầm đến cửa biển Đại Chiêm. Đường về phía Tây hai ngàn một trăm mười hai tầm ba thước năm tấc đến dinh thành, nối đường làng, một ngàn tám trăm tám mươi tầm đến cửa sông Vĩnh Điện"
Trong bia có ghi đơn vị "tầm". Theo chú thích của dịch giả Phan Đăng, thì sách "Từ Nguyên" giải thích 1 tầm bằng 8 thước (tương đương 6 feet của Anh), tức bằng 1,825m.@
Theo thông tin lượm lặt được ở đâu đó (trên Internet) thì trong bộ địa chí đầu tiên ở nước ta, bộ "Dư địa chí" của cụ Nguyễn Trãi thì chỉ ghi vẽ hành chính, đất đai, sản vật từng địa phương chứ không ghi chép về quãng đường. Tuy nhiên, việc đắp đường thì đã được ghi trong chính sử từ thời nhà Hồ (Hồ Hán Thương). Đến năm Gia Long thứ 5 (1806), Thượng thư Bộ binh Lê Quang Định hoàn thành bộ "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" - bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn- có chép về hệ thống đường, trạm, tuyến đường chính từ Kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy vào đầu thế kỷ XIX, nhất là di tích đền chùa, miếu vũ, kèm theo sự tích cụ thể với những tên sông, tên núi, tên làng, tên chợ, tên đò...(Lê Nguyễn Lưu- Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển-2021).
Sau này các vua triều Nguyễn đã có những ghi chép cụ thể hơn về các hệ thống đường giao thông gồm bộ và thủy từ Kinh đô Huế đi các nơi. Chính vì vậy, khi mở những con đường mới, chính quyền lúc bấy giờ cho lập văn bia ghi lại việc mở đường một cách khá chi tiết.
Mong tấm bia được ai đó có thể quét sơn trở lại, ghi thêm chú thích bằng tiếng ngoại quấc để khách du lịch trong hành trình đạp xe xuôi ngược có thể hiểu thêm quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng của địa phương.
Một điều thêm nữa, tuyến đường đi qua những điểm này rất đẹp. Đạp xe từ làng Thanh Chiêm của Điện Bàn, xuyên qua những vạt ruộng lúa xanh rì thơ mộng, qua những bụi hoa bên đường có thể tận hưởng được cái không khí làng quê bình yên với những cơn gió mát thổi qua những khúc sông, bắt gặp những đình làng nằm lẫn bên những cây đa, cây bàng...tạo nên một bức tranh làng quê bình dị nhưng cổ kính, sâu lắng, linh thiêng. Những đình làng này đến lúc cũng cần phải có những tấm bảng chú thích rõ hơn, đầy đủ hơn về nguồn gốc, chức năng để có thể đưa vào khai thác du lịch văn hóa, làng quê, viết nên câu chuyện của điểm đến để có thể tạo nên sự phong phú của du lịch Quảng Nam trong tương lai.
(Theo Van Ba Son)
(Đoạn đường đỏ trong vòng tròn xanh)