Em xin trích dẫn nguồn từ báo lao động cho các cụ nghiên cứu. Nhưng trong này em không thấy ghi rõ nếu phạt hành chính thì bao nhiêu, còn truy cứu trách nhiệm hình sự thì như nào. Hay luật chỉ ghi chung chung vậy nhỉ. cụ nào biết chi tiết nói cho em thông với.
Nếu sử dụng súng là vũ khí quân dụng không có giấy phép, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 230 Bộ luật hình sự 1999.
Sáng 6.12, đại diện Công an quận Tân Bình, TP.HCM xác nhận đã mời vị giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ A.N.V.N. ở phường 15, quận Tân Bình, đến làm việc. Vị giám đốc này là nhân vật trong clip phát tán trên mạng ghi lại cảnh một người đàn ông đã nổ súng đe dọa một người dân trong lúc giữa hai người này xảy ra cự cãi. Clip này xuất hiện trên mạng xã hội Facebook vào tối ngày 5.12 và đang gây "bão" trong dư luận.
Theo đó, đoạn clip phát tán trên mạng dài 2 phút 8 giây có nội dung thể hiện giữa một người đàn ông và một phụ nữ đi xe gắn máy xảy ra cự cãi bên lề đường. Trong lúc lời qua tiếng lại, người đàn ông bất ngờ móc từ túi quần một khẩu súng ngắn, lên đạn gí vào đầu người phụ nữ dọa bắn. Thấy vậy, người phụ nữ la to: “Mày bắn đi, bắn đi, bắn đi”. Lúc này, người đàn ông này giương súng bắn mấy phát “chỉ thiên” rồi bỏ đi, mặc cho người phụ nữ này gí đầu vào và la lớn: “Bắn lên đầu nè, sao lại bắn ra đường”.
Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều – Văn phòng Luật sư số 6, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Trước hết, cần phải xác định, súng mà người đàn ông được cho là Giám đốc công ty bảo vệ đã sử dụng là súng gì. Theo quy định của pháp luật, công ty dịch vụ bảo vệ được phép trang bị công cụ hỗ trợ, trong đó các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này;
Việc sử dụng công cụ hỗ trợ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý và sử dụng được quy định tại Pháp lệnh về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Nghị định 25/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành.
Nếu súng không phải công cụ hỗ trợ thì việc sử dụng cần phải có giấy phép và cũng phải tuân thủ các quy định trong hai văn bản dẫn chiếu trên.
Nếu sử dụng súng là vũ khí quân dụng không có giấy phép, thì người đàn ông này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 230 Bộ luật hình sự 1999.
Các trường hợp được nổ súng quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:
Điều 22. Quy định nổ súng
1. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;
b) Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;
c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
3. Các trường hợp nổ súng gồm:
a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;
d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;
e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:
Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;
Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu *********, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;
g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
4. Người được giao sử dụng súng không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc nổ súng đã tuân thủ quy định tại Điều này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
“Đối chiếu quy định trên, thì trường hợp này, ông Giám đốc công ty dịch vụ bảo vệ là không được phép sử dụng súng.” – Luật sư Kiều phân tích.
Cũng theo Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều: Việc ông giám đốc này quản lý, sử dụng súng là công cụ hỗ trợ không đúng quy định thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ- CP, với các hành vi: Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm quy định tại Điều 10 của Nghị định, ngoài ra người đàn ông này nổ súng trong lúc cãi cọ cũng có thể bị xử phạt vi phạm quy định tại Điều 5 khoản 4 điểm a. Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ;