Thực sự đọc xong bài viết này em thấy rất ngưỡng mộ cách anh con trai xử lý với số tiền mẹ chia, sau lần này, chắc các con anh sẽ học được nhiều bài học, trong đó là mục đích sống không phải tiền là tất cả, trên hết, đó là hạnh phúc khi được cho đi.
Có thể nhiều người cho là may mắn nhưng đều có nhân quả ẩn ở bên trong như đức Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ đã nói:
Luật nhân quả thật là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bền chí có ngày thong thả.
Còn Hòa thượng Tịnh Không có giảng rõ:
Chúng ta nói, trong số mạng của họ có tài, cái tài này không phải do trời sinh, vì trời sinh thì phải mỗi người đều giống nhau. Tại sao mỗi người đều không giống nhau vậy? Do nhân mỗi người tạo không giống nhau, họ bố thí nhiều thì trong số mạng họ tài nhiều. Trong số mạng có tài thì bất kể làm ngành nghề nào họ cũng đều phát tài. Họ làm ngành nghề kinh doanh, đó là duyên, trong số mạng của họ có nhân, nhân cộng thêm duyên thì quả báo liền hiện tiền, sự việc là như vậy. Nếu như trong số mạng không có nhân giàu có, dù họ đi học, đi làm ngành nghề kinh doanh giống người khác, nhưng người ta kinh doanh phát tài, còn họ kinh doanh lỗ vốn, đó là do trong số mạng không có tài.
TRÍCH PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 52)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Trúng độc đắc là một dạng tối thắng nhân quả:
Lý Nhân Quả được thể hiện qua nhiều hình thức:
1. Nhân quả đồng thời.
Kết quả phát sinh ngay sau khi gieo nhân. Ví dụ đập tay xuống bàn có tiếng ầm phát ra; hay dùi đụng mõ, phát ngay tiếng cốc.
2. Nhân quả dị thời.
Kết quả thành tựu sau hành động một thời gian dài hay ngắn, tuỳ điều kiện, tuỳ sự việc. Ví dụ: tháng ba cấy lúa, tháng tám mới gặt lúa. Từ khi cấy lúa đến khi gặt còn phải lo nhiều việc khác, như tát nước, đắp bờ, làm cỏ, đuổi chim… Những việc làm này gọi là những duyên sinh, và hình thức Nhân Quả dị thời này còn gọi là tương duyên hay duyên sinh nhân quả.
Có khi lúa trổ bông đòng đòng, bỗng gặp trời sanh trái mùa, gió, bão, lụt hay gặp nạn chuột, cào cào phá hoại. Hình thức nhân quả dị thời này còn gọi là tương hoại hay phản diệt nhân quả.
3. Tam thế nhân quả (nhân quả trong ba đời).
Ví dụ như có người ăn ở hiền lương phúc đức mà suốt đời cực khổ thiếu thốn. Cũng có kẻ ác độc, bất lương mà có nhà cao, cửa lớn, tiền bạc sung mãn. Đó là những trường hợp chứng minh cho lý Nhân quả trong ba đời: kiếp trước, kiếp hiện tại và kiếp sau, chúng liên quan, ràng buộc, chuyền níu nhau. Vì vậy, muốn biết kiếp trước thế nào, hãy nhìn cuộc đời bây giờ; muốn biết kiếp sau thế nào, hãy nhìn cuộc đời bây giờ, sẽ rõ.
Cho nên, hiện tại sướng hay khổ, là do đời trước làm ác hay thiện, đời sau khổ hay sướng tuỳ nơi hiện tại đã gieo thiện hay ác.
Đời này nhận quả của đời trước và gieo nhân cho đời sau. Đó là vòng luân chuyển của Tam Thế Nhân Quả vậy.
4. Tối thắng nhân quả (quả xuất hiện mãnh liệt).
Ở đời, nhiều khi có nhiều biến cố xuất hiện, làm thay đổi hoàn toàn sự sống của con người. Ví dụ như một người đang cực khổ, không nhà ở, không cơm ăn áo mặc, bỗng nhiên đào được vàng hay trúng số độc đắc. Hoặc như một kẻ đang giàu sang phú quý, bỗng nhiên gặp nạn chiến tranh hay thiên tai, khiến cho tài sản tiêu tan, thân mang tật bệnh. Những thay đổi bất ngờ ấy không phải ngẫu nhiên mà sinh ra, mà chính là do đời trước đã tích trữ nhiều duyên sanh hay hoại. Nay những duyên ấy kết hợp thành một chuỗi to lớn, xuất hiện một cách mãnh liệt, làm đảo lộn nếp sống bình an, để thành tựu cái duyên đã gieo. Hình thức nhân quả này gọi là tối thắng nhân quả.
Tóm lại, mọi việc xảy ra hiện tiền đều có nguyên nhân và đều bị ràng buộc theo những thiện duyên hay những ác duyên đã chất chứa.
Mọi vật biến hiện không ngừng, vô thường nhưng không bao giờ mất. Như mây trên trời gặp lạnh hoá thành mưa, mưa rơi xuống sinh ra nguồn, nguồn chảy về biển cả để rồi gặp sức nóng của ánh nắng mặt trời mà biến thành hơi, họp thành mây để rồi hoá ra mưa, tuần hoàn, triền miên không dứt.