Bài học cho những kẻ lừa dối khách hàng
Vụ Toyota bị Mỹ phạt 1,2 tỷ USD: Trả giá vì lừa dối khách hàng
-
Ngành chế tạo ô tô thế giới những ngày qua đang xôn xao bởi vụ phạt kỷ lục 1,2 tỷ USD mà nước Mỹ nhằm vào Toyota, một tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu của thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng.
-Mức phạt “cắt cổ” này được coi là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với các tập đoàn sản xuất ô tô trong vấn đề đảm bảo an toàn cho người sử dụng, cũng như vấn đề trung thực trong đạo đức nghề nghiệp.
Mức phạt cao nhất lịch sử
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 19-3 đã tuyên bố phạt 1,2 tỷ USD đối với tập đoàn chế tạo ô tô Toyota (Toyota Motor Corp) của Nhật Bản vì đã lừa dối khách hàng về lỗi trong hệ thống an toàn của xe. Theo quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ, Toyota sẽ phải thanh toán 1,2 tỷ USD để giải quyết các sự cố về lỗi kỹ thuật xe liên quan đến những cáo buộc tại Mỹ cho rằng, “gã khổng lồ xe hơi” này đã không minh bạch và che giấu những “khiếm khuyết trong hệ thống an toàn” của một số dòng xe có thể ảnh hưởng đến tính mạng người sử dụng. Đây là mức phạt lớn nhất mà Bộ Tư pháp Mỹ áp đặt lên một hãng chế tạo ô tô.
Cùng với án phạt bắt buộc Toyota phải nộp 1,2 tỷ USD để dàn xếp các vấn đề liên quan đến một loạt vụ kiện ở nước Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ cũng chính thức công bố chấm dứt toàn bộ các vụ kiện cáo liên quan Toyota ở nước này từ năm 2009 đến nay, do lỗi chân ga. Ngoài khoản phạt 1,2 tỷ USD, không có cá nhân nào bị tuyên phạt. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho biết: “
Số tiền phạt 1,2 tỷ USD là mức phạt cao nhất trong lịch sử nước Mỹ đối với một hãng sản xuất ô tô. Đây là mức phạt hợp lý dành cho Toyota vì tập đoàn này đã lừa dối khách hàng và cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc cho các thành viên Quốc hội Mỹ”. Bên cạnh hình phạt nặng nề này, một cuộc giám sát độc lập sẽ được giới chức Mỹ áp dụng đối với Toyota để xem xét và đánh giá các chính sách, cách thực hành và các thủ tục liên quan đến vấn đề an toàn của hãng sản xuất ô tô Nhật Bản.
Thỏa thuận giữa Toyota với Bộ Tư pháp Mỹ cũng được xem như một tiền lệ để các cơ quan chức năng Mỹ sử dụng cho cuộc điều tra đang diễn ra với General Motors (GM – hãng xe hàng đầu của Mỹ) và các trường hợp tương tự từ nay về sau. GM đã tiến hành triệu hồi 1,6 triệu xe để sửa lỗi hệ thống đánh lửa. Đây là lỗi có thể liên quan đến hơn 10 trường hợp tử vong. GM đã phát hiện lỗi này từ cách đây hơn 10 năm, nhưng lại chậm trễ triệu hồi xe. Văn phòng công tố ở Manhattan đang tiến hành điều tra việc GM chậm xử lý lỗi kỹ thuật của xe. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, GM sẽ phải tham gia phiên chất vấn của Quốc hội Mỹ và giải quyết một loạt các vụ kiện tập thể của các chủ sở hữu xe. GĐ điều hành GM - bà Mary Barra - đã công khai xin lỗi về sự chậm trễ trong quá trình triệu hồi xe và hứa hẹn sẽ tập trung vào việc nâng cao độ an toàn của xe GM. Hiện chưa rõ liệu hành động thiện chí này của GM có giúp họ giảm được án phạt hay không.
Bộ trưởng Bộ GTVT Mỹ Anthony Foxx nhận định rằng, án phạt nghiêm khắc dành cho Toyota đã gửi đi "một thông điệp mạnh mẽ" đến tất cả các nhà sản xuất ô tô rằng, họ nên thực hiện theo các yêu cầu thu hồi của Mỹ, nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
-Lời thừa nhận muộn màng
Về phần mình, Toyota đã chấp nhận nộp phạt để chấm dứt các vụ kiện liên quan đến lỗi tăng ga đột ngột trên nhiều mẫu xe cách đây 5 năm. Toyota buộc phải thừa nhận, họ đã lừa dối và che đậy sự thật về sự cố liên quan tới hệ thống an toàn kỹ thuật của xe bằng nguyên nhân dẫn đến việc hãng này thu hồi xe năm 2009, là do thảm chùi chân gây ảnh hưởng đến chân ga.
Đây là một khoản phạt rất lớn, nhưng vẫn còn hơn là Toyota phải đối mặt với các cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ. Các công tố viên đã đề nghị điều tra hình sự đối với Toyota, nhưng đồng ý rút lại đề nghị này nếu Toyota chịu để một đơn vị giám sát độc lập xem xét toàn bộ các vấn đề liên quan đến an toàn sản phẩm, và nếu Toyota thực hiện đúng mọi điều khoản trong thỏa thuận giữa hãng này với Bộ Tư pháp Mỹ.
Ngoài mức phạt 1,2 tỷ USD, hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản còn phải thừa nhận việc gây nhầm lẫn cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng Mỹ về hai lỗi ở một số dòng xe của tập đoàn trong năm 2009 và 2010. Kể từ năm 2009, Toyota liên tục phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện về sự cố chân ga, cùng những chiến dịch triệu hồi xe với quy mô lớn. Chỉ riêng lỗi kỹ thuật này, Toyota đã phải triệu hồi 12,4 triệu xe trên toàn cầu, trong đó có 10,2 triệu chiếc tại Mỹ. Trong hai năm 2009-2010, các vụ thu hồi xe của Toyota trên toàn thế giới đã khiến hãng này chịu thiệt hại khoảng 2,4 tỷ USD. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi đầu năm 2010.
Tác động xấu từ án phạt
Cuộc khủng hoảng của Toyota bắt nguồn từ một vụ tai nạn khủng khiếp xảy ra vào tháng 8-2009 ở San Diego, Mỹ. Một chiếc xe Lexus ES350 do hãng này sản xuất bị tăng tốc vượt ra ngoài sự kiểm soát của lái xe, khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Vụ việc đã khiến Toyota phải thu hồi hàng triệu xe trên toàn thế giới, bắt đầu từ năm 2009.
Tuy nhiên, Toyota đã không trung thực trong việc công khai các lỗi kỹ thuật có liên quan. Tập đoàn này đã không thu hồi tất cả các xe có nguy cơ bị lỗi thảm sàn kẹt vào chân ga khiến xe tăng tốc ngoài khả năng kiểm soát của lái xe. Một kỹ sư của Toyota đã kết luận rằng, Corolla - mẫu xe bán chạy nhất của tập đoàn này - bị lỗi kẹt thảm sàn, nhưng Toyota lại không triệu hồi mẫu xe này. Ngoài ra, Toyota đã che giấu một lỗi khác liên quan đến hiện tượng xe tăng tốc mất kiểm soát, đó là lỗi kẹt chân ga.
-Án phạt 1,2 tỷ USD ngay lập tức tác động xấu đến hình ảnh và giá trị thị trường của Toyota. Theo nhật báo Wall Street, giá cổ phiếu Toyota tại thị trường chứng khoán Tokyo đã giảm 0,8% trong phiên giao dịch ngày 19-3, ngay sau khi thông tin chính thức về án phạt được công bố.
Trên thực tế, mặc dù phải nhận mức phạt rất lớn, nhưng đây lại là khoản phạt không thể tránh khỏi và nó giúp Toyota khép lại hàng loạt vụ kiện cáo kéo dài trong suốt 4 năm qua, do lỗi xe tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn. Tuy rằng Toyota đã phải nhận mức phạt kỷ lục ở Mỹ và cao hơn mức dự kiến ban đầu là 1 tỷ USD, nhưng chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu xe hơi Kelley Blue Book - Karl Brauer - vẫn nhận định, Toyota có thể dễ dàng vượt qua vụ bê bối này và tiếp tục phát triển. Trước khi án phạt trên đưa ra, Toyota đã mất 1,6 tỷ USD bồi thường cho chủ nhân của các xe mắc lỗi, và phải nộp phạt 33,725 triệu USD trong hai năm 2010 và 2012 do chậm trễ thông báo và khắc phục lỗi.
Thùy link:
http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/vu-toyota-bi-my-phat-12-ty-usd-tra-gia-vi-lua-doi-khach-hang-4896