Phần VII:Hòa Thân phủ
Phủ Hòa Thân-Cung Vương Phủ nằm trên phố Nguyên Soái - khu phố cư ngụ của các tướng tĩnh cao cấp của nước CHND Trung Hoa, nay trở thành địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn của hàng triệu du khách trong và ngoài nước khi đến thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc.
Cung Vương Phủ hiện là Vương Phủ nhà Thanh được bảo tồn hoàn chỉnh nhất! Chủ nhân của Phủ lần lượt là 2 vị quyền uy nhất thời, đứng "dưới 1 người, trên vạn người" , 1 vị là sủng thần của vua Càn Long - Hòa Thân ( vào ở từ 1776 đến 1799) , 1 vị là em thứ 6 của vua Hàm Phong - Cung Thân Vương Dịch Hân ( vào ở từ 1852-1898). Trong phủ gồm phủ đệ, hoa viên, 2 bộ phận hợp thành. Tổng diện tích 60 nghìn m2, trong đó phủ đệ chiếm 32 nghìn m2, hoa viên chiếm 28 nghìn m2.
Truyền thuyết về chiếc bớt đỏ
Năm Càn Long 66 tuổi, trong dịp hết sức tình cờ, đã chú ý tới Hòa Thân. Hòa Thân lúc đó mới 25 tuổi, làm chức đô úy, thuộc hàng thế tập (cha truyền con nối). Hòa Thân hết sức bình thường trong vô số thị vệ trẻ phục vụ tại Tử Cấm thành. Người con gái có chiếc bớt đỏ bẩm sinh mà Càn Long phải lòng đến chết mê chết mệt là nàng Hương phi.
Hương phi vốn là một nàng phi được hoàng đế Ung Chính hết sức sủng ái. Bởi nàng có mối tình vụng trộm loạn luân với chàng hoàng tử Hoàng Lịch (hoàng đế Càn Long sau này) nên bị thái hậu nổi giận ban cho cái chết. Sau khi Hương phi chết thảm, Càn Long vẫn buồn rầu thương nhớ khôn nguôi. Gặp Hòa Thân, Càn Long giật mình khi phát hiện trên trán chàng trai trẻ này cũng có một cái bớt màu hồng. Từ đó, Càn Long rất yêu mến Hòa Thân.
Năm Hương phi chết cũng là năm Hòa Thân ra chào đời. Chiếc bớt trên trán chàng trai rất giống chiếc bớt của nàng nên Càn Long cho rằng nàng đã đầu thai sang kiếp khác thành Hòa Thân để lại lọt vào Tử Cấm thành, mãi mãi được ở bên cạnh Càn Long. Truyền thuyết này quá hoang đường nhưng từ đó con đường công danh của Hòa Thân cứ tăng vùn vụt như diều gặp gió.
Hòa Thân được thăng cấp bổ nhiệm làm lính gác cổng Càn Thanh. Một tháng sau, y được thăng làm ngự tiền thị vệ và thụ phong chức chính lam kỳ phó đô thống. Sang tháng Giêng năm sau, y được bổ làm tả thị lang bộ Hộ, rồi chỉ hai tháng sau được cất nhắc lên chức quân cơ đại thần. Sang tháng tư, y được phong chức đại thần tổng quản phủ Nội vụ.
Chỉ vẻn vẹn trong nửa năm, Hòa Thân từ một tên thị vệ quèn nhanh chóng nhảy tót lên giai tầng quyền lực tối cao của Đại Thanh, trở thành viên đại thần nắm quyền sinh sát trong tay. Lúc này Hòa Thân mới có 27 tuổi.
Trong 24 năm từ khi Hòa Thân bắt đầu được Hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, vị đại thần này đã gom góp được một số tài sản lớn tới khó tin. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu, gồm có:
Những dịnh thự, đất đai có tổng cộng 3.000 phòng, 8.000 mẫu (32 km²) đất; 42 ngân hàng; 75 hiệu cầm đồ; 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1.000 lạng mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu, 600 cân nhân sâm loại tốt, 1.200 chuỗi ngọc bích, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả mơ nhỏ), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn, 40 bàn để bộ đồ ăn bằng bạc (10 bộ mỗi bàn), 11 mảnh san hô (mỗi mảnh cao hơn 1 m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 giường có trang trí vàng và khảm đá quý, 460 đồng hồ tốt của châu Âu, 606 gia nhân, 600 phụ nữ trong phủ.
Nhà kho dài 100 m với 120 cửa sổ kiểu dáng khác nhau phô bày sự giàu có của gia chủ, là nơi chứa vàng bạc châu báu, ngà voi, da thú quý, đồ thủy tinh, gốm sứ cổ, vải vóc quý của các vùng miền và nước ngoài...
Phía trước
Phía sau
Phủ Hòa Thân không thua gì cung vua, chỉ khác là quy mô nhỏ hơn mà thôi. Kiến trúc của phủ tuân thủ nghiêm ngặt luật phong thủy “tiền thủy hậu sơn” - trước là hồ nước phía sau dựa vào thế núi. Bao bọc quanh phủ và hai bên lối đi được quây bằng những phiến đá, sắp xếp cực kỳ kỳ thú ngoạn mục.
Cổng vào vườn sau
Cũng Thọ Thạch đầu tiên
Ao Dơi
Sông Trăng
Nội phủ
Hòa Thân là người giỏi và thích thơ văn, cho xây một cái quán nhỏ, nền quán khắc chìm chữ phúc rồi dẫn nước vào cho liên tục chảy qua. Chủ nhân rót rượu đầy chén thả xuống dòng nước, chén rượu trôi theo dòng dừng ở đâu và gần ai thì người đó phải đọc một bài thơ rồi mới được cạn chén.
Hòa Thân còn cho xây ký viện khang trang để mời bạn bè, quan khách thưởng thức nghệ thuật. Trung tâm phủ có một tòa lầu dựng trên đồi là nơi Hòa Thân ngắm trăng, ngâm thơ, đọc sách. Toàn bộ phủ rợp bóng cây xanh cổ thụ, điểm xuyết những khóm trúc, những bụi hoa tường vi màu hồng phấn và hành lang hun hút được trang trí họa hệt vườn Viên Minh thu nhỏ. Dọc hành lang có một lối đi dốc không có bậc, biểu thị cho con đường hoạn lộ thăng quan tiến chức của Hòa Thân luôn hanh thông vượng khí.