Từ Avalon về Melbourne thì đi Sky Bus là tiện nhất. Tần xuất 30'/chuyến, mất 24AUD và khoảng 1h là về đến Melbourne. Sân bay rất nhỏ nên ra khỏi cửa là thấy ngay quầy bán vé và điểm đón khách.
Điểm cuối của tuyền Sky Bus từ sân bay Avalon về Melbourne là Southern Cross Station. Đây là nhà ga và cũng là trạm trung chuyển lớn nhất Melbourne, kết nối hệ thống đường sắt và rất nhiều tuyến xe bus đi khắp nơi.
Chính vì lẽ đó mà em cũng book khách sạn ở ngay gần Southern Cross Station. Theo kinh nghiệm của em thì cứ ở loanh quanh khu vực nhà ga/bến xe trung tâm có tuyến kết nối thẳng với sân bay là tối ưu nhất. Giá phòng có thể hơi mắc một chút nhưng tiết kiệm rất nhiều về thời gian đi lại. Chưa kể khu vực này có nhiều tiện ích. Tính tổng thể là "lợi" nhiều hơn "thiệt"
Bước ra khỏi nhà ga thấy trời mây thế này thật là phấn chấn quá.
Lối trên cao dành cho khách bộ hành đi từ bên này sang bên kia nhà ga. Phía dưới là toàn bộ các đường ray cho tàu vào ra. Sở dĩ lối đi này rất rộng là vì nó còn dẫn thẳng đến sân vận động Marvel Stadium nằm ngay cạnh ga. Các CĐV thường xuyên lấp kín con đường này trước và sau mỗi trận bóng bầu dục.
Đợt này em toàn chọn Travelodge, cả Sydney lẫn Melbourne vì đều có thể đi một mạch từ sân bay về khách sạn và ngược lại. Ngoài ra, mấy cái inland tour mà em book trước đều có điểm pick up/drop off ngay gần khách sạn, rất thuận tiện.
Mặc dù đến sớm nhưng đã có phòng nên lễ tân cho bọn em check in luôn
Một tác phẩm điêu khắc trông rất hiện đại nhưng lại có tên là Aurora, lấy theo tên Nữ thần Rạng đông, cũng trùng với tên con phố nơi có khách sạn em ở cách đố mấy bước.
Theo giới thiệu thì cái khối kim loại này mang tính biểu tượng cho lịch sử của Docklands là cảng quan trọng nhất của Victoria.
PS: nói chung là với thông tin ít ỏi và vốn kiến thức về nghệ thuật điêu khắc gần như 0 nên em chẳng tìm thấy sự liên hệ gì giữa cái tên, hình khối này cả, cccm đừng cười nhé
Em ở khu Dockland, phía tây Melbourne CBD. Vốn là vùng đầm lầy nhưng được cải tạo để biến thành cảng Victoria từ năm 1880. Quá trình xây dựng đã phải nắn dòng và mở rộng sông Yarra, con sông chảy qua Melbourne. Cảng Victoria là nơi tập kết các tàu của Hải quân Hoàng gia Úc tại Melbourne, sau đó là cảng hàng hóa. Còn bây giờ thì trở thành cảng du lịch với rất nhiều bến tàu và các tuyến du lịch trên sông Yarra. Khu vực này hiện rất phát triển trong giai đoạn mở rộng thành phố Melbourne về phía Tây.
Những bến tàu cũ đã dỡ đi nhưng hệ cọc vẫn được giữ lại và chụp lên đó những cái "mũ trắng" như thế này, đồng thời biến chúng thành một art work nằm trong tổng thể Dockland's Art Walk.
Art work này có tên là "White caps". Theo quan điểm châu Á mình thì về mặt phong thủy k0 được ổn lắm cccm nhỉ. Ai lại làm rừng cọc nhọn ngay bến tàu thế này. Hay tại vì ta vốn tự hào bởi những chiến thắng Bạch đằng cả ngàn năm trước nên có suy nghĩ như vậy?
Phương tiện công cộng chủ yếu và đặc trưng của Melbourne là tàu điện (electric tram). Nếu không kể từ thời horse tram và cable tram, thì electric tram đầu tiên của Melbourne xuất hiện vào năm 1889.
Với thâm niên 130 năm có lẻ, ngày nay hệ thống tàu điện của Melbourne đã mở rộng khá nhiều. Tuy nhiên, đối với những tuyến có bề dày lịch sử, đặc biệt là những tuyến chạy qua khu trung tâm, thì việc trang bị các công nghệ hiện đại bên trong k0 làm ảnh hưởng đến vẻ ngoài thô sơ, cũ kỹ, thậm chí có phần lạc hậu. Ví dụ như quả cửa sổ trượt vận hành bằng "cơm" này.
Ngày nay, lìu tìu như HN hay SG đều nhắm đến metro và tàu điện trên cao chứ đừng nói đến các thành phố lớn khác đã có tàu điện ngầm từ lâu rồi, nhưng Melbourne vẫn trung thành và liên tục phát triển hệ thống tàu điện nổi này. Nên chẳng khó hiểu khi Melb đang giữ vị trí hệ thống tàu điện nội đô lớn nhất thế giới.