Em vừa tìm được bài viết này trên An ninh thủ đô, pót lên đây để các bác biết ạ.
Những chiếc xe đạp bằng giá xe máy, và hơn…
Thứ sáu 27/07/2012 11:35
ANTĐ - Những chiếc đạp có giá thành ngang với một chiếc xe máy, dần trở nên phổ biến. Cá biệt có người chơi nghiệp dư nhưng cũng sắm xe đạp trị giá cả trăm triệu đồng.
Một chiếc xe đạp city (đi trong phố)
“May áo” cho xe
Cách dễ nhất và rẻ nhất để sở hữu một chiếc xe đạp thể thao tại Hà Nội là ra phố Bà Triệu. Cũng kiểu dáng tương tự và giá thành chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/chiếc; song chất lượng xe ở mức “tiền nào, của ấy”. Những người tới đây mua xe đạp, hầu hết chưa có ý định gắn bó lâu dài với bộ môn này, mua xe khi hứng lên bất chợt, không tìm hiểu kỹ. Đơn giản hơn là, họ chỉ định dành khoản kinh phí trong phạm vi nhất định cho một chiếc xe đạp.
Đối với những người có chút đam mê như Tú (
nhân vật trong kỳ 1- P.V), thường sẽ tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng internet, đăng ký làm thành viên của những diễn đàn chuyên về xe đạp… sau đó mới quyết định mức tiền đầu tư và đi “may áo” cho xe.
Chiếc xe đạp và tốc độ gần 92km/h chủ nhân đạt được khi đổ dốc (Ảnh: xedap.vn)
Qua sự tư vấn của các thành viên có kinh nghiệm, hoặc là ngay người bán hàng, đó sẽ là chiếc xe đạp phù hợp nhất cho vóc dáng chủ nhân: Gióng ngang khung xe tương thích với độ dài của lưng, ghi- đông phù hợp với đôi tay, yên xe mềm mại, pê-đan đủ để bàn chân đặt lên thoải mái nhất…
Dù chơi nghiệp dư, nhưng với những chiếc xe đạp “thửa” như thế này, không ít người đã đạt được những thành tích đáng nể: Về đường dài- có người đi xuyệt Việt, về tốc độ- có người đạt tới hơn 90km/h khi đổ dốc cầu bằng xe Road (xe đạp đua đường trường).
Anh Tôn đang sửa 1 chiếc xe touring cho khách
Trào lưu chơi xe đạp MTB
Tại Hà Nội, Dương Mạc An Tôn là một cái tên khá nổi trong việc cung cấp xe MTB (xe đạp địa hình) theo kiểu “may áo” nói trên.
Ngồi tại Anton Bike Store (số 108 Hàng Bông, Q. Hoàn Kiếm), xoa xoa cái đầu cắt cua, anh Tôn kể về cơ duyên đến với bộ môn xe đạp: “Tôi vốn là dân thể thao, trước đây đi dạy tennis tại nhiều sân trên địa bàn thành phố. Cách đây chừng 2 năm, cột sống trở nên có vấn đề, buộc phải điều trị. Tôi thử tham gia một số môn thể thao khác, trong đó bơi và đặc biệt là đạp xe đã giúp những cơn đau sống lưng giảm xuống rất nhiều. Từ đó tôi bắt đầu chuyển qua xe đạp”.
Tùy từng loại xe mà phụ tùng khác nhau. Bên trái là lốp và yên xe MTB; bên phải là của xe Road
“Tuy nhiên, cách đây 2 năm, phong trào đạp xe nghiệp dư chưa mạnh như hiện nay. Chất lượng xe cũng như phụ tùng ở mức trung bình, ngoài ra khi hỏng hóc việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cũng khá vất vả. Trong khi đó tôi lại có những mối quan hệ ở nước ngoài có thể giải quyết vấn đề này, vì thế ban đầu nhà tôi trở thành nơi anh em đến giao lưu, trao đổi. Đến nay, tôi chuyển hẳn thành kinh doanh- cố gắng tạo dựng một địa chỉ uy tín về cung cấp những chiếc xe chất lượng, đồng thời cũng là nơi bảo hành sửa chữa”.
“Trong 100 người chơi xe đạp nghiệp dư, thì có khoảng 10 người thích xe Road (chủ yếu người trung niên), 10 người thích xe BMX hoặc Trials (xe đạp nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu dành cho thanh niên), còn lại 80 người thích xe MTB”- Anh Tôn phân tích- “Vì thế tôi tập trung cung cấp loại xe này. Thậm chí trong số 80 người có thể liệt kê ra đến khoảng 15 người là dân văn phòng, sử dụng xe như phương tiện di chuyển chính, hàng ngày”.
Ghi-đông phức tạp của một chiếc MTB
Cần phải chọn tỉ mỉ từng bộ phận để "may áo" thành chiếc xe đạp phù hợp
Như đã nói trên, khách tìm đến cửa hàng sẽ được ông chủ tư vấn kỹ càng nhất, sao cho có thể mua chiếc xe đạp hợp với túi tiền và vóc dáng. Không giấu diếm, anh Tôn cho biết giá thành những chiếc xe đạp do mình cung cấp ra, dao động từ 10- 20 triệu đồng.
Thấy tôi gật gù thán phục trước mức giá xe đạp bằng với xe máy, anh Tôn cười: “Có gì đâu, vẫn là mức giá bình dân thôi. Những chiếc xe này khung chủ yếu bằng nhôm, nhưng nếu sử dụng khung các-bon, đồng thời ráp thêm những chi tiết cao cấp khác, giá xe có thể lên tới cả trăm triệu đồng. Trong số 100 người tôi nói trên, sẽ có khoảng 4-5 người sở hữu những chiếc xe đạp thực sự “khủng” này”. Anh hứa: “Có dịp, tôi sẽ liên lạc để nhà báo có thể mục sở thị những chiếc xe đạp này. Dù sao thì chủ của xe thường rất cá tính, tôi cần liên lạc trước”.
"Cửa hàng sửa xe đạp" xịn nhất nhì Hà Nội
Trong thời gian ngồi tiếp chuyện tôi, cứ 15-20 phút, lại có một người đạp xe rẽ vào Anton Bike Store. Người thì pê-đan chưa được trơn tru, người chỉnh lại tay lái cho chặt… Mặc dù có vài nhân viên trong cửa hàng song anh Tôn vẫn đích thân ra kiểm tra kỹ lưỡng và chỉnh sửa lại cho khách.
Ở một góc cửa hàng tôi nhìn thấy lỉnh kỉnh những máy móc và đồ nghề sửa chữa xe đạp. Vì thuê ở phố Hàng Bông- con phố thương mại đắt đỏ bậc nhất Hà Nội- đối ngược với hình ảnh những điểm sửa xe đạp nơi góc ngã tư, dưới chân cột đèn... đã đi vào tiềm thức nhiều người Việt Nam thủa bao cấp, nên chẳng thế mà nhiều thành viên chơi xe đạp thường gọi vui nơi đây là “cửa hàng sửa xe đạp xịn nhất nhì Hà thành”.
An Huy