(Trái hay Phải)- Bi kịch có thể đến từ một lời nói dối, bi kịch có thể đến với một người chuyên phải nghe lời nói dối. Thế nên sống ở trên đời, được nghe những lời thật thà cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao.
I- Tôi có anh bạn đang làm phó cho một cơ quan, khi ông trưởng đến tuổi nghỉ hưu, anh bỗng nhiên được trên giao cho chữ “quyền”. Nghe tin thấy mừng cho bạn, vì thời buổi này, có chút chức tước chắc cũng dễ có “đồng ra đồng vào” hơn. Hôm ghé qua cơ quan anh chơi, anh vồ vập lắm, bảo ngồi đây chơi với anh đi, có chuyện gì thì phải nói cho thật lòng nhé.
Tôi ngạc nhiên, ô hay, có chuyện gì đâu mà thật với không thật. Anh gãi gãi đầu, ừ, quên đi mất. Đắn đo một lúc, anh mới tâm sự. Từ hồi có thêm chữ “quyền”, anh như người mắc bệnh “mất cái búa”, nghe chuyện gì của đồng nghiệp cũng nghĩ họ không thật lòng với mình, chắc là lại muốn nhờ vả cái gì đây.
Người khen cái xe mới đổi đẹp cũng thấy nghi nghi, chắc là muốn được ưu ái trong công việc. Người nói anh dạo này vượng khí hẳn ra, lại càng nghi hơn, đến khổ.
Anh bảo ngày trước khi chưa có chữ “quyền”, mình còn được tụ bạ với đồng nghiệp, thích thì cùng nhau đi bia hơi chém gió, nói xấu sếp xả stress ào ào. Giờ thì bỗng nhiên mình bị loại ra khỏi cộng đồng, không ai cho nhập hội, một nhóm đang tụm năm tụm ba tán chuyện như ngô rang, thấy mặt mình tự dưng nguội tanh, sượng sùng.
Anh bảo khổ quá, giờ đây không còn phân biệt được ai nói thật lòng, ai giả dối xun xoe để cầu lợi nữa. Tự nhiên mọi câu chuyện đều thấy đãi bôi, thấy vờ vĩnh, bệnh “mất cái búa” nó hành mình quá thể, thêm chữ “quyền” có sung sướng gì đâu.
Bẵng đi một thời gian, lại nghe tin anh bị mất chữ “quyền”, nhưng không phải được “cắt cu” như thiên hạ thường tán vui mà để trở về nguyên vị trí cũ. Vì như người ta, khi đang ở thế lập lờ phải “nã thật nhiều đạn” cho dứt điểm, thì anh cứ tối ngày chăm chỉ vào công việc, mong rằng cấp trên sẽ thấy “gái có công thì chồng chẳng phụ”. Rõ anh vẫn là một người ngây thơ, “vào rừng mơ bắt con tưởng bở”.
Tôi lại đến thăm anh, anh không buồn bã chán nản như tôi tưởng mà nhanh nhẹn, tự tin hơn hẳn so với hồi được tập sự làm sếp trưởng. Anh bảo từ khi tìm thấy “cái búa” rồi, anh sung sướng bao nhiêu, những câu chuyện của đồng nghiệp cũng vẫn chỉ như trước kia, nhưng anh đón nhận nó với một tấm lòng không nghi kỵ.
Ai khen anh cũng vui, không cần phải lo lắng xem họ có định nhờ vả gì không. Lại tụ bạ bia hơi chém gió nói xấu sếp ào ào.
Anh bảo: “Sau mấy tháng được làm “sếp nháp”, anh nghiệm ra, trên đời này khổ nhất là không được nghe lời nói thật. Cái chức của mình bé tý teo mà đã thấy khổ thế, cho mình ngồi cao hơn không biết còn khổ thế nào. Thôi mất nó lại hóa hay”.
Tôi thấy mừng cho bạn tôi vô cùng, vì dù chẳng có được công danh, nhưng cái phần người trong anh vẫn vẹn nguyên, chẳng sứt mẻ đi đâu cả.
II- Chị giúp việc cho bố mẹ tôi mấy hôm nay cứ như người ốm dở, đi đứng vật vờ, ai hỏi cũng không nói không rằng mặc dù thường ngày chị thuộc diện chưa thấy người đã thấy tiếng. Mẹ tôi lo quá bảo tôi đến xem chị làm sao, thường ngày chúng mày vẫn hay tâm sự với nhau nhiều chuyện.
Tôi đến hỏi chị, gặng mãi chị mới kể đầu đuôi. Số là mấy hôm trước, có người em họ tên H. trong quê gọi ra, giọng vui vẻ lắm, bảo nhà em sắp mua cái xe máy, chị còn tiền thì cho em mượn tạm mấy triệu.
Chị bảo ừ, đang còn tháng lương mới nhận mà chưa tiêu đến, rồi chị gửi về cho. Gớm, nhà cô chắc hẳn mới phất lên hay sao ấy, đang nghèo rớt mùng tơi tự nhiên lại tính chuyện mua xe, rồi nhịn ăn mua xăng mà chạy cho oai với cả làng nhé.
Chị bảo bận bịu mấy ngày, công nọ việc kia, vả lại cũng nghĩ, mua xe máy thì cũng đâu có vội gì, nên chưa sắp xếp được thời gian ra bưu điện gửi tiền về cho người em họ.
Hôm qua, có người trong quê gọi điện ra, trách chị sao không gửi tiền về, nhà cô H. có đứa con nhỏ 5 tuổi, bố mẹ đi làm đồng, chơi một mình ở nhà bị rơi xuống ao, con bé bị nặng lắm, vớt lên mang đến viện, nằm mấy hôm không cứu nổi, giờ đã đi rồi. Chị hốt hoảng hỏi sao nó bảo vay tiền mua xe máy cơ mà, người ở quê bảo, nó nói dối mày đấy, xe máy xe mung gì đâu.
Chị gọi về cho H., người mẹ khóc ngất đi trong điện thoại, cô bảo: “Chị ơi, con em nằm viện mất một tuần, nhà không còn một đồng, em gọi điện đi vay khắp nơi, gặp ai cũng nói là chuẩn bị mua xe máy thiếu tiền, nói thế may ra người ta còn cho vay vì nghĩ em có của, chắc còn có ngày trả được, chứ nói chữa cho con em chết đuối thì chắc gì người ta đã chịu cho vay hả chị?”
Chị khóc nấc lên với tôi, trời ơi, việc nguy cấp như thế sao nó lại nỡ nói dối tôi hả cô, nếu nó cứ nói thật thì chắc con bé đã không phải ra đi oan nghiệt thế. Sao mà nó ngu ngốc quá.
Tôi chết lặng trong lòng, chẳng nói được lời gì an ủi chị. Mặc cảm cái nghèo đè nặng lên số phận người ta, khiến một người mẹ trong cơn tuyệt vọng nhất cũng không dám mở lời nói thật, cuối cùng đã không cứu được con mình. Sao đời lại nhiều chuyện đắng cay đến thế hả đời.
Mi An