Nhìn chung, Việt Nam Cộng hòa có nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ, công nghiệp nhỏ bé (chỉ chiếm khoảng 8-10%
GDP) và hướng nội, chưa giải quyết được vấn đề năng lượng, thương mại chủ yếu là nhập khẩu và tiêu thụ hàng viện trợ
[4]. Trong khảo sát năm 1971, chính phủ Mỹ nhận định: cơ cấu lao động của Việt Nam Cộng hòa chủ yếu là trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp (chiếm 88%), lao động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại chỉ chiếm 8,7%. Các nhà máy công nghiệp nhỏ và ít, không đủ để giải quyết tình trạng thất nghiệp (chiếm 22% dân số tính riêng khu vực Sài Gòn) và do đó, các tiêu chuẩn sống nhìn chung là rất thấp trong bối cảnh
lạm phát cao
[5].
Về bộ mặt đô thị, khảo sát năm 1970 của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy 33,8% dân số của Việt Nam Cộng hòa sống ở đô thị, với đô thị lớn nhất là Sài Gòn và đây cũng là đô thị duy nhất của Việt Nam Cộng hòa có trên 500 ngàn dân. Trung tâm thành phố có một số công trình, khu phố được xây dựng to đẹp và sang trọng, tuy nhiên, các công trình này chủ yếu do
Pháp xây dựng từ thập niên 1940, các khu nhà mới rất ít được xây dựng kể từ sau năm 1950, trong khi đó dân cư nông thôn đổ về thành thị tìm việc và tránh chiến sự khiến Sài Gòn dần trở thành một
khu ổ chuột khổng lồ
[6]. Khảo sát cho thấy khoảng 40% dân số khu vực Sài Gòn khi đó (tức khoảng 1,2 triệu người) phải sống tại
khu ổ chuột với những điều kiện về y tế, vệ sinh rất kém
[7]
Một đặc trưng của kinh tế Việt Nam Cộng hòa là sự kiểm soát của giới thương nhân
người Hoa đối với nền kinh tế. Trước năm 1975, ở miền Nam,
Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối và
tín dụng. Đến cuối năm 1974, người Hoa kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện... và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập khẩu
[8].