Nhóm Kzak là nhóm đầu tiên đưa Airbrush vào VN
theo Vnexpress.net
'Độ' xe bằng nghệ thuật airbrush
Chiếc bình xăng vẽ chú chim mải miết sải cánh giữa bầu trời lạnh giá hay đàn cá heo tung tăng dưới đại dương...là những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật vẽ phun sơn airbrush.
Tác giả của chúng là 5 chàng trai nhóm Kzak - những người đầu tiên đem môn nghệ thuật này đến với giới trẻ Việt. Tới xưởng vẽ của Kzak, ngắm nhìn những chiếc xe máy trong tấm áo mới, vẽ những chú cá heo bơi tung tăng, đóa hồng nhung đang nở rực rỡ hay rồng lửa oai hùng, không ai là không bất ngờ. Chúng là những bức tranh hiện thực đẹp tới mức có cảm tưởng bọt nước sẽ tung lên nếu chú cá heo quẫy mạnh...Những cảm giác đó thể hiện đúng slogan của Kzak: "Lặng yên để chiêm ngưỡng".
Nét vẽ tinh xảo
Không giống những loại hình hội họa khác, các tác phẩm của airbrush rất sống động, có chiều sâu và thể hiện sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Mặc cho yếm, thân xe gồ ghề hay bằng phẳng, bức tranh vẫn bóng mịn. Những nét vẽ thanh mảnh được trau chuốt tỉ mỉ, các mảng màu được phối và chuyển tông một cách khéo léo. Người ngắm sẽ còn ngạc nhiên hơn khi biết những tác phẩm ấy được thể hiện bằng súng phun sơn chứ không phải bút lông hay chổi đánh móng tay của thợ vẽ nail.
Chiếc bình xăng trở nên đẹp và giàu sức sống hơn nhờ airbrush.
Trịnh Anh, họa sĩ chính của Kzak, cho rằng cái khó của airbrush là khi thực hiện không được tỳ tay vào mặt bức tranh, trong khi nguyên liệu dùng để vẽ là sơn ôtô, cực kỳ khó tẩy. Điều chỉnh được nét vẽ theo đúng ý muốn là cả một vấn đề. Hơn nữa, bút sơn phun chỉ cung cấp dạng điểm tròn hoặc nét viền mờ. Mỗi lần "bắn" ra, tia mảnh nhất cũng chỉ có tiết diện 3-4 mm, đặc tính này thuận lợi cho việc tạo mảng màu, nhưng lại khó xử lý đường nét sắc.
Sau 2 năm hành nghề, Kzak tự phát triển thêm một số kỹ thuật vẽ súng phun mới như tạo hiệu ứng phủ mờ, gợn vân trời mây hoặc sắc cạnh cho chi tiết như râu tóc... Không giống loại hình vẽ trên giấy, toan...mà trong đó, họa sĩ có thể vứt bỏ cả khung hình để vẽ lại, các tác phẩm airbrush thực hiện trên bề mặt xe cộ, vật dụng đắt tiền nên không thể bỏ đi khi sai hỏng. Do vậy, họa sĩ cần tập trung cao độ. Trước khi "đặt bút", họ phải định dạng tất cả trong đầu, từ bố cục đến chi tiết và màu sắc. Nếu đã bấm nút "bắn" điểm đầu tiên là phải vẽ liên tục, dừng lại sẽ mất tập trung, ý tưởng có thể "bay" mất. Đó cũng là lý do mà mỗi tác phẩm chỉ do một họa sĩ thể hiện.
Thời gian trung bình để hoàn thiện một bức vẽ từ 3-5 ngày vì phải qua các công đoạn xử lý làm sạch nền, bả ma-tít, đánh bóng, phun sơn theo họa tiết tồi lại phủ sơn bóng chống trầy xước, sấy khô. Do tất cả đều làm thủ công nên khi trời nồm hoặc quá nóng, quy trình sẽ kéo dài hơn. Mỗi loại sản phẩm cũng đòi hỏi kinh nghiệm riêng, vì chất liệu chế tạo của từng hãng, từng model khác nhau như từ vỏ nhựa đến hợp kim, sợi carbon, các loại hợp chất bảo vệ bề mặt chống xước... Bất cứ một công đoạn nào nếu sơ suất sẽ phải làm lại từ đầu. Chính vì sự kỳ công, tinh tế như vậy mà airbrush được đánh giá cao.
Lặng lẽ đến Việt Nam
Dù đã phát triển hơn 100 năm nhưng đến nay, môn nghệ thuật này vẫn còn khá xa lạ tại Việt Nam. Airbrush mới chỉ du nhập vào được hai năm và cũng rất tình cờ. Năm 2005, trong một lần xem chương trình giới thiệu về airbrush trên kênh Discovery, Lê Tuấn Hùng, cựu sinh viên công nghệ thông tin, bị cuốn hút bởi những nét vẽ kỳ diệu. Từ sự hiếu kỳ, tò mò, Hùng tìm các tài liệu để đọc thêm rồi đâm mê nghệ thuật vẽ phun sơn này. Anh rủ thêm những người bạn là Đào Đức Hải, Nguyễn Tiến Hoàng, Nguyễn Trịnh Anh, Đỗ Hồng Quang cùng tìm tài liệu, chủ yếu trên Internet, kênh truyền hình American Chooper, Discovery, nghiên cứu và học vẽ.
Cả một đại dương trước mũi Classico.
Qua các mối quan hệ, nhóm nhờ mua bút vẽ ở Anh và Mỹ, học hỏi cách pha sơn của những người trong nghề và bắt đầu tập luyện. Thời điểm đó, mọi vật dụng của các thành viên đều được lôi ra thí nghiệm. Sau khi đã khá thành công trên những mẫu vẽ laptop, case, thùng loa, 5 chàng trai thế hệ 8x lại thử sức trên những thân xe máy vốn gồ ghề và nhiều hình dạng. Xe của thành viên nào trong nhóm cũng phải "dính" chút airbrush, thậm chí của cả bạn bè và người thân.
Không dừng lại ở đó, nhòm Kzak còn muốn phổ biến loại hình nghệ thuật này cho giới trẻ nên đã giới thiệu tác phẩm của mình trên các diễn đàn. Nhận thấy nghệ thuật này được nhiều người quan tâm, Kzak quyết định kinh doanh. Từ những khách hàng ban đầu là bạn bè và người thân, giờ đây Kzak nhận được khá nhiều đơn đặt hàng. Trong số đó có rất nhiều khách là dân chơi xe như các thành viên câu lạc bộ Vespa, câu lạc bộ môtô Hà Nội... Đào Đức Hải, phụ trách kinh doanh cho biết trung bình mỗi tháng Kzak nhận khoảng 40-50 sản phẩm gồm xe máy, laptop, case, mũ bảo hiểm.
Các mẫu được Kzak thiết kế riêng dựa trên yêu cầu và sở thích của từng cá nhân. Một mẫu có giá từ 700.000 đồng trở lên, phụ thuộc vào mẫu vẽ có nhiều chi tiết hay không, độ khó khi thực hiện cũng như chất liệu của sản phẩm.
Dưới đây là những tác phẩm tiêu biểu của Kzak.