Su-30 và các biến thể
Cập nhật lúc :10:30 AM, 04/11/2011
Su-30 hiện là tiêm kích xuất khẩu chủ lực của Nga với nhiều biến thể và tên gọi khác nhau.
(ĐVO) Su-30 là một phát triển nâng cấp của Su-27, ban đầu được gọi là Su-27PU, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1987. Sau đó, Su-27PU được đổi tên thành Su-30, NATO định danh là Flanker-C.
Vào năm 1990, Sukhoi đã giới thiệu một biến thể Su-30M, với chữ M có nghĩa là hiện đại hóa. Mẫu Su-30M sau này được chuyển cho Không quân Nga để tiến hành đánh giá.
Tuy nhiên, Su-30M không nhận được đơn hàng từ phía quân đội. Do đó, Sukhoi đã giới thiệu một biến thể mới hướng tới thị trường xuất khẩu có tên gọi là Su-30MK, với MK là viết tắt của hai chữ Modernizirovannyi Kommercheskiy, có nghĩa là hiện đại hóa và thương mại.
Từ Su-30MK bắt đầu xuất hiện thêm nhiều biến thể khác nhau và được đặt tên theo quốc gia được xuất khẩu.
Về cơ bản, các biến thể của Su-30MK là tương đương nhau, tuy nhiên tùy thuộc vào yêu cầu của từng quốc gia, thiết kế và trang bị của máy bay có sự điều chỉnh, chủ yếu là ở hệ thống điện tử và động cơ.
Su-30MKI
Su-30MKI là biến thể được thiết kế đặc biệt để xuất khẩu cho Ấn Độ, NATO định danh là Flanker-H. MKI là viết tắt của cụm từ (Модернизированный Коммерческий Индийский) trong tiếng Nga được dịch sang tiếng Anh là Modernized Commercial for India (hiện đại hóa và thương mại cho Ấn Độ)
Su-30MKI của Không quân Ấn Độ, biến thể mạnh nhất của gia đình Su-30.
Su-30MKI là biến thể có nhiều khác biệt nhất so với các biến thể còn lại của gia đình Su-30. Cụ thể Su-30MKI được trang bị thêm cánh mũi, động cơ đẩy vector 2D AL-31FP giúp tăng khả năng cơ động. Nhờ vậy, Su-30MKI được đánh giá là biến thể mạnh nhất trong gia đình Su-30.
Về hệ thống điện tử, Su-30MKI có hệ thống điện tử phức hợp từ nhiều quốc gia khác nhau bao gồm Israel, Ấn Độ, Nga và Pháp. Su-30MKI được trang bị radar NIIP N011M Bars, đây là một radar quét mạng pha điện tử bị động rất mạnh, cung cấp khả năng giám sát không đối không, đối đất, đối hải cùng lúc, hệ thống điều khiển vũ khí kỹ thuật số với khả năng kháng nhiễu rất tốt.
Radar N011M Bars có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 350-400km với các mục tiêu cỡ lớn, theo dõi ở cự ly 200km, tầm quét phía sau là 60km. Radar của Su-30MKI có khả năng phát hiện F-16 ở cự ly từ 140-160km.
Radar này có khả năng theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc. Vì vậy, Su-30MKI có khả năng hoạt động như một máy bay cảnh báo sớm (một dạng AWACS mini).
Su-30MKI có khả năng mang tất cả các loại vũ khí hiện đại nhất của Nga và Ấn Độ. Đặc biệt, Su-30MKI được tích hợp khả năng mang tên lửa hành trình BrahMos, có khả năng thực hiện cả nhiệm vụ đối đất và chống hạm, được xem là khả năng độc nhất vô nhị.
Dự kiến, tương lai Su-30MKI của Ấn Độ sẽ được nâng cấp hơn nữa với radar Irbis-E, cải tiến hệ thống điện tử hàng không, hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu OLS-30, thiết bị ngắm bắn mục tiêu LITENING của Israel.
Su-30MKK
Đây là biến thể xuất khẩu riêng cho Trung Quốc, NATO định danh là Flanker-G, MKK có nghĩa là Mnogofunktzionniy Kommercheskiy Kitayski (máy bay chiến đấu đa năng thương mại cho Trung Quốc)
Biến thể Su-30MKK của Không quân Trung Quốc.
Theo yêu cầu của phía Trung Quốc, họ muốn tạo ra một biến thể Su-30MK hoàn toàn khác so với Su-30MKI của Ấn Độ. Su-30MKK không có cánh mũi và động cơ đẩy vector. Bù lại máy bay được chế tạo với tỷ lệ sử dụng vật liệu composite và sợi carbon cao hơn, khả năng chịu ứng suất trọng trường cao hơn.
Su-30MKK có một hệ thống điện tử hàng không được thiết kế để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Không quân Trung Quốc. Đa phần các hệ thống điện tử được sản xuất tại Nga chứ không hỗn hợp như của Su-30MKI.
So với Su-30MKI của Ấn Độ, radar của Su-30MKK yếu hơn, cụ thể 20 chiếc Su-30MKK đầu tiên được trang bị radar N001VEP, chỉ có khả năng theo dõi 10 mục tiêu ở cự ly 100km, tấn công 4 mục tiêu cùng lúc hoặc 2 mục tiêu trên không và 2 mục tiêu dưới đất.
Su-30MK2
Là biến thể nâng cấp của Su-30MKK xuất khẩu cho Trung Quốc, chủ yếu nâng cấp hệ thống điện tử. Theo đó, radar N001VEP cho phép hỗ trợ phóng tên lửa chống tàu Kh-31A. Các nâng cấp của Su-30MK2 chủ yếu phục vụ như một máy bay tác chiến trên biển chuyên dụng.
Máy bay được trang bị hệ thống thông tin chiến thuật C4ISTAR (ra lệnh, kiểm soát, truyền thông, máy tính, tình báo, giám sát, tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu và trinh sát) đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ cao hơn. Các nâng cấp mới cho phép tấn công mục tiêu chính xác hơn so với biến thể Su-30MKK
Su-30MK2 được đánh giá là biến thể mạnh thứ 2 của gia đình Su-30, tuy không có radar quét mạng pha điện tử bị động và động cơ đẩy vector như Su-30MK nNhưng Su-30MK2 có hệ thống điện tử hàng không rất hiện đại, các hạn chế về hứng chịu ứng suất trọng trường của Su-30MK được giải quyết hoàn toàn, khả năng mang tải trọng vũ khí lớn hơn so với Su-30MKI của Ấn Độ.
Su-30MK3: Là biến thể Su-30MKK của Trung Quốc từ chiếc số 21 trở đi được trang bị radar Zhuk-MSE, radar có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không với khoảng cách tối đa từ 110-180km, phát hiện mục tiêu cỡ tàu khu trục ở cự ly 300km.
Radar mới cho phép hỗ trợ phóng tên lửa chống tàu Kh-59 MK. Radar Zhuk-MSE cho phép tấn công 4 mục tiêu mặt đất cùng lúc thay vì chỉ hai mục tiêu như radar N001VEP.
Su-30MKV:
Là biến thể MK xuất khẩu cho Venezuela, có nhiều điểm giống với Su-30MK2. Hệ thống điện tử hàng không và radar được trang bị không được công bố.
Su-30MK2V: Là biến thể Su-30MK2 xuất khẩu cho Việt Nam với một số cải tiến về hệ thống điện tử hàng không theo yêu cầu nhiệm vụ của Không quân Nhân Dân Việt Nam.
Biến thể Su-30MK2V của Không quân nhân dân Việt Nam.
Su-30MKA: Là biến thể MK xuất khẩu cho Algeria. Su-30MKA được cho là có nhiều điểm tương tự với Su-30MKI của Ấn Độ nhưng không có cánh mũi và động cơ đẩy vector. Hệ thống điện tử chủ yếu từ Nga và Pháp.
Su-30MKM: Là biến thể xuất khẩu riêng cho Không quân Hoàng gia Malaysia, Su-30MKM có một vài hệ thống điện tử tương tự như Su-30MKI của Ấn Độ. Hệ thống điện tử đa quốc gia từ Nga, Nam Phi và Pháp.
Su-30MKM có màn hình hiển thị HUD hiện đại, hệ thống dẫn đường hồng ngoại tiên tiến, thiết bị chỉ thị mục tiêu laser từ Pháp, cảm biến cảnh báo radar và cảm biến cảnh báo tên lửa của Nam Phi.
Biến thể Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia.
Su-30MKM được trang bị cánh mũi như Su-30MKI của Ấn Độ nhằm tăng khả năng cơ động, nhưng không có động cơ đẩy vector.
Theo
Defense Industrydaily, Su-30MKM được trang bị radar quét mạng pha điện tử bị động N011M BARS PESA tương tự như radar của Su-30MKI, cùng với các hệ thống điện tử hiện đại khác cung cấp khả năng tác chiến ngang ngửa với Su-30MKI của Ấn Độ.
Trong gia đình Su-30, biến thể Su-30MKI được đánh giá là mạnh nhất cả về khả năng cơ động và hệ thống điện tử hàng không. Các biến thể còn lại phần lớn là tương tự nhau, chỉ có một vài cải tiến nhỏ theo yêu cầu của từng quốc gia.
Việc nhận biết các biến thể chủ yếu dựa vào logo của không quân các quốc gia, ngoại trừ Su-30MKI và Su-30MKM có khác biệt ở cánh mũi, các biến thể còn lại có ngoại hình hoàn toàn giống nhau.
Tuy nhiên, trên cùng một mẫu máy bay chỉ cần có vài cải tiến về hệ thống điện tử, đặc biệt là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu có thể làm thay đổi đáng kể năng lực tác chiến của máy bay.
Ví dụ, chỉ cần thay thế trạm định vị mục tiêu quang điện OLS-27 bằng trạm OLS-30 có thể làm tăng đáng kể khả năng tấn công chính xác hoặc chỉ cần nâng cấp bộ vi xử lý của radar có thể làm tăng đáng kể số lượng mục tiêu có thể theo dõi hay tấn công cùng lúc.
Những cải tiến hay nâng cấp này đều thuộc vào bí mật của từng quốc gia, ngoại trừ Su-30MKI và Su-30MKK được công bố các thông số kỹ thuật khá rõ ràng, các biến thể cho các quốc gia còn lại đều không được công bố.