Có bạn trẻ hỏi: Con nghe quý thầy giảng pháp là người có chánh kiến thì không nên cúng sao giải hạn, mà đầu năm chỉ cần lên chùa dự lễ cầu an, tụng kinh Dược Sư thì mới là đúng pháp. Nhưng thực tế con thấy có nhiều chùa những ngày đầu năm (khoảng từ mùng 8 đến rằm) vẫn làm lễ cúng sao giải hạn...
thuvienhoasen.org
Đại đức Chúc Phú với bài viết “Khảo sát về tín niệm cúng sao giải hạn” có nêu rõ nguồn gốc của tục cúng sao: “Bà-la-môn giáo là một tôn giáo đa thần (ở Ấn Độ). Trăng sao đối với người Bà-la-môn là những vị thần có năng lực đặc biệt. Trong vô vàn những vì tinh tú, trăng sao, thì niềm tin vào chín vị sao, Phạn ngữ gọi là Navagraha, Trung Hoa dịch là Cửu diệu, là một tín niệm có lịch sử hình thành rất sớm, có cơ sở lý luận rõ ràng và hiện còn được tiếp tục duy trì tại một số khu vực ở Ấn Độ.
Theo cách hiểu xưa nay, khi bàn về thờ tự trăng sao, cụ thể là tín niệm cúng sao giải hạn, phần lớn đều cho rằng đó là một tín niệm có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tuy nhiên, căn cứ theo William Monier, William Edward Soothill, thì tập tục phụng cúng các vì sao cũng như quan điểm về chín vị sao (Cửu diệu) vốn có mặt từ lâu trong triết học về thiên văn và ngành chiêm tinh của Ấn giáo. (...)
Đức Phật đã chỉ rõ: Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu. Nghiệp có thể thay đổi. Con người hoàn toàn có thể làm chủ vận mạng của mình, thông qua những nỗ lực chuyển hóa bản thân mà không phải cầu xin một vị thần thánh, hay phụng cúng một vì tinh tú nào. Đó là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa Phật giáo và các triết phái tư tưởng tôn giáo khác tại Ấn Độ nói chung và Bà-la-môn giáo nói riêng”.
Nói thật thì hay mất lòng, tôi xin kết lại bằng lời kinh xưa mà Đức Phật đã căn dặn:
“Môn đệ của ta sẽ không ếm bùa chú,
không giải mộng, không chiêm tinh,
không đoán lành dữ từ tiếng thú kêu,
không làm phép chữa bệnh, hay trị vô sinh”. (trích "Tuvataka Sutata" Kinh Lối đi nhanh chóng)