Xe Indonesia 320 triệu, ô tô Thái 450 triệu, chờ 'đợt sóng' đổ về Việt Nam
Quan tâm5
17/10/2019 03:00 GMT+7
Ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia ngày càng rẻ, chỉ 300-440 khiến xe trong nước khó trụ vững. Sắp tới thủ tục nhập khẩu còn thông thoáng hơn nữa, dự báo giá tiếp tục giảm.
Cho dân vay lãi suất 0% để mua ô tô, xe giá rẻ có cửa sống
Ô tô Việt vừa ra đường đã lo cạnh tranh với Lào, Campuchia
Ô tô giảm tiếp trăm triệu, xả kho từ nay đến mùa Tết
Xe nhập tung hoành
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2019, ô tô nguyên chiếc nhập về Việt Nam đạt 107.000 xe các loại, tăng hơn 160% so với cùng kỳ 2018.
Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan đạt 62.300 chiếc, chiếm khoảng 60% tổng số xe nhập khẩu, với kim ngạch 1,2 tỷ USD. Tiếp đến là Indonesia với gần 32.000 chiếc, chiếm gần 30% tổng số xe nhập khẩu, đạt kim ngạch hơn 445 triệu USD.
Theo khai báo trị giá hải quan, lượng xe nhập từ Thái có giá hơn 442 triệu đồng/chiếc, trong khi đó xe của Indonesia là 320 triệu đồng/chiếc. Xe nhập từ 2 quốc gia này đều tập trung vào các mẫu giá rẻ, dung tích xi lanh thấp, để được lợi thế tối đa về thuế, đang cạnh tranh mạnh với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Ô tô nhập khẩu giá 300-400 triệu tràn về Việt Nam ngày càng nhiều
Theo tính toán, với tốc độ như hiện nay, số lượng ô tô nhập khẩu cả năm 2019 dự báo sẽ lên đến trên 130.000 chiếc, đạt kim ngạch khoảng 2 tỷ USD. Xe nhập dần chiếm lĩnh thị trường, đẩy lùi xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Không những thế, sắp tới thủ tục nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ còn thông thoáng hơn. Các cơ quan chức năng đang sửa đổi quy định tại Nghị định 116/2017 NĐ-CP về điều kiện kinh doanh ô tô. Theo đó, sẽ bỏ kiểm tra chất lượng theo lô như hiện nay chuyển sang kiểm tra mẫu xe đại diện cho từng kiểu loại. Cùng với đó là bỏ quy định xe nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do nước sở tại cấp.
Theo dự kiến quy định mới này sẽ được thực hiện từ đầu năm 2020. Như vậy hoạt động nhập khẩu sẽ thông thoáng hơn nữa.
Một DN nhập khẩu ô tô cho biết, vừa qua trong quá trình kiểm tra theo lô, phát hiện một số lô xe nhập khẩu có vấn đề, cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty khắc phục. Công ty phải mời chuyên gia từ nhà máy sản xuất sang, rất tốn kém chi phí đi lại, ăn ở và thời gian lưu kho bãi kéo dài. Vì vậy, sau đó công ty không nhập khẩu mẫu xe đó nữa do lo ngại rủi ro.
Sắp tới nếu chỉ kiểm tra mẫu, mỗi phiên bản mang 1 xe đi thử nghiệm, sau đó được phép nhập về thoải mái, chắc chắn sẽ thông thoáng hơn. Xe không phải lưu kho bãi lâu ngày, tiết kiệm nhiều chi phí.
Theo các DN, do phải kiểm tra khí thải và an toàn với từng lô xe nhập khẩu nên phải mất khoảng 45 ngày mới hoàn tất thủ tục. Mỗi lô xe nhập về, DN phải lấy ít nhất một chiếc, thuê chạy hơn 3.000 km, sau đó mới mang đi kiểm tra chất lượng, vì vậy rất tốn thời gian. Hơn nữa, đến nay cả nước mới chỉ có một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội có đủ điều kiện để kiểm tra nên tất cả xe nhập khẩu đều dồn về đây. Điều này đã làm tăng thời gian và chi phí nhập khẩu. Thời gian càng kéo dài thì chi phí lưu kho bãi, lãi vay càng tăng. Các DN nhận xét hiện chi phí này đã tăng gấp đôi so với trước.
Các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý
Ô tô nội đi về đâu?
Thủ tục đơn giản, xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ vào Việt Nam dễ dàng hơn và chắc chắn giá sẽ giảm hơn nữa. Nếu số lượng nhập về nhiều, cạnh tranh tăng giữa các đối thủ tăng lên, giá xe nhập khẩu có thể giảm thêm khoảng 10% nữa, so với hiện nay, một DN nhập khẩu ô tô tính toán. Nhờ vậy người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Trước thông tin này, các DN đang đầu tư lớn cho sản xuất ô tô trong nước không khỏi lo lắng. Chính sách thông thoáng với xe nhập khẩu sắp ban hành, vậy với xe trong nước thì như thế nào. Xe nhập không bị ngăn cản nữa, vậy cần có chính sách để xe trong nước phát triển.
Tuy nhiên, đến nay các chính sách hỗ trợ DN ô tô trong nước vẫn ở dạng đề xuất, không biết có trở thành hiện thưc hay không. Điều các DN mong chờ nhất là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới đến nay vẫn chưa được trình ra Quốc hội. Các cơ quan chức năng đã có đề xuất, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lên cao hơn các hiện nay, cùng với đó là ưu đãi miễn khoản thuế này, cho linh kiện mua trong nước để lắp ráp xe.
Bên cạnh đó là các ưu đãi về thuế thu nhập DN, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chuyển giao công nghệ hay ưu đãi vốn vay cho người mua xe trong nước sản xuất lắp ráp. Những chính sách này, được cho là đủ mạnh để giúp các DN ô tô trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu.
“Đã đầu tư rất lớn vào sản xuất ô tô, chúng tôi rất mong chờ chính sách đột phá từ cơ quan chức năng. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Thời gian cứ trôi đi, trong khi chính sách không trở thành hiện thực, DN sẽ phải hứng chịu những rủi ro rất lớn và ngành công nghiệp ô tô khó phát triển”, giám đốc một công ty lo lắng.
Theo Bộ Công Thương, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ô tô. Đồng thời, các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực, làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Cùng với đó, chính sách trong nước thiếu ổn định và đồng bộ, do đó chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Trần Thủy