Cảm biến áp suất lốp là gì?
Cảm biến áp suất lốp (Tire Pressure Monitoring System, viết tắt là TPMS) là một thiết bị điện tử được thiết kế để giám sát áp suất bên trong lốp xe. Thông thường, 1 bộ cảm biến áp suất lốp ô tô sẽ có 4 cảm biến lắp ở 4 lốp và 1 màn hình hiển thị. Trên màn hình hiển thị sẽ có đầy đủ thông tin về áp suất, nhiệt độ của từng lốp. Khi áp suất trong lốp thay đổi đột ngột hoặc cao/thấp hơn so với mức cài đặt sẵn, cảm biến sẽ thông báo cho tài xế thông qua tín hiệu âm thanh, hình ảnh.
Cảm biến áp suất lốp giúp người dùng theo dõi áp suất bên trong lốp
Dựa theo vị trí lắp đặt, người ta chia cảm biến áp suất lốp thành 2 loại chính là: Cảm biến áp suất lốp gắn trong và cảm biến áp suất lốp gắn ngoài.
- Cảm biến áp suất lốp gắn trong: Là loại có đầu cảm biến gắn bên trong lốp xe, van cảm biến thay cho van của lốp xe ban đầu. Sử dụng loại cảm biến này, người dùng có thể yên tâm, không lo bị trộm. Tuy nhiên, việc lắp đặt, sửa chữa cảm biến áp suất lốp gắn trong khá phức tạp, cần có sự hỗ trợ của thợ tay nghề cao và các dụng cụ chuyên dụng.
- Cảm biến áp suất lốp gắn ngoài: Là loại có đầu cảm biến gắn vào đầu van của bánh xe. Việc lắp đặt, sửa chữa cảm biến áp suất lốp gắn ngoài khá đơn giản, thuận tiện vì không cần phải tháo lốp hay cân bằng động. Nhưng vì được gắn ở bên ngoài nên nó dễ bị trộm hơn so với cảm biến áp suất lốp gắn trong. Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng, bởi vì nhiều loại cảm biến gắn ngoài hiện nay đã được trang bị công nghệ mã hóa bảo mật và cảnh báo chống trộm vô cùng thông minh.
Có nên lắp cảm biến áp suất lốp trên xe hơi?
Cảm biến áp suất lốp ngày càng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Tại những quốc gia tiên tiến như Mỹ, lắp cảm biến áp suất lốp ô tô thậm chí còn là việc bắt buộc phải thực hiện. Vậy tại sao chúng ta nên trang bị cảm biến áp suất lốp cho xe hơi của mình? Những lợi ích dưới đây sẽ giúp chúng tôi trả lời câu hỏi này của bạn:
Hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người sử dụng ô tô
Áp suất bên trong bánh xe là một yếu tố cực kỳ quan trọng mà tài xế cần phải theo dõi thường xuyên. Nếu áp suất không đảm bảo, bánh xe sẽ bị quá mềm (non hơi, thiếu hơi) hoặc quá căng. Trong trường hợp này, bánh xe có thể phát nổ và gây tai nạn bất kỳ lúc nào. Không những vậy, áp suất ở mức không phù hợp còn làm ảnh hưởng đến khả năng vận hành và sự ổn định của xe, làm tăng tiêu hao nhiên liệu và khiến người lái cảm thấy không thoái mải.
Với xe đạp, xe máy, chúng ta có thể dễ dàng biết được bánh xe mềm hay quá căng bằng cách quan sát và dùng tay nắn, nhưng với ô tô thì khó hơn nhiều bởi vì bánh xe của nó có kích thước lớn và dày. Cách tốt nhất để theo dõi áp suất bánh xe ô tô là sử dụng cảm biến áp suất lốp. Với thiết bị này, bạn có thể theo dõi áp suất bên trong bánh xe thường xuyên, kịp thời phát hiện ra những bất thường, có điều chỉnh phù hợp (ví dụ tháo bớt hơi khi bánh quá căng,
bơm hơi lốp ô tô khi bánh quá non), từ đó hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn.
Giúp kéo dài tuổi thọ của lốp xe
Bánh xe quá căng hoặc quá non không chỉ gây mất an toàn mà còn làm giảm tuổi thọ của lốp, khiến lốp dễ bị nứt, mòn, biến dạng… Bằng cách sử dụng cảm biến áp suất lốp, bạn có thể hạn chế được những tình trạng này, giúp lốp bền hơn, từ đó tiết kiệm được chi phí sửa chữa.
Có thể thấy, cảm biến áp suất lốp không chỉ góp phần đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn giao thông mà còn giúp lốp xe bền hơn, hạn chế tiêu hao nhiên liệu. Chính vì vậy, lắp đặt cảm biến áp suất lốp cho ô tô là điều thực sự cần thiết.