Thôi để em copy bài này cho mọi người đọc luôn nhá
http://sohoa.vnexpress.net/News/Hinh-anh/Man-hinh/2007/06/3B9AEBB7/
Hai công nghệ TV màn hình phẳng mỏng này đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Mặc dù cùng có ngoại hình người mẫu nhưng những TV được làm từ công nghệ khác nhau này có ưu và nhược điểm riêng.
Như tên gọi của nó các màn hình Plasma sử dụng một ma trận các tế bào Plasma của các khí hiếm được cấp các điện áp để giúp tạo ra hình ảnh. Trong khi đó, các màn hình LCD (màn hình tinh thể lỏng) là các "bánh sandwich" được làm từ tinh thể lỏng và được đặt vào không gian giữa hai lớp kính (thuỷ tinh). Hình ảnh được tạo ra bởi sự thay đổi điện áp cấp cho các tinh thể.
Chất lượng hình ảnh
Tuy nhiên, những gì diễn ra bên trong màn hình hiển nhiên không quan trọng bằng hình ảnh chúng tạo ra ở bên ngoài. Giờ đây, các TV mỏng Plasma và LCD đều được công nhận là cho hình ảnh hoàn hảo, mặc dù các chuyên gia về giải trí tại gia và các game thủ khăng khăng cho rằng TV bóng đèn hình (CRT), xét một các toàn diện, vẫn cho ảnh tốt nhất.
Những chuyên gia về giải trí tại gia đều có chung nhận định, để xây dựng một rạp hát/phim gia đình, màn hình Plasma có phần được đánh giá cao hơn. Điều này là bởi màn hình Plasma có thể hiển thị các tông màu đen chính xác hơn LCD, và có nghĩa là độ tương phản và tính chi tiết của các game màu tối đạt được ở TV Plasma tốt hơn (tiêu chí quan trọng cho việc trình chiếu phim).
Trong khi đó, ở công nghệ LCD, một đèn nền có nhiệm vụ cấp ánh sáng đến lớp tinh thể lỏng. Do đó, nó khó đạt được màu đen trung thực bởi có sự rò rỉ ảnh sáng giữa các điểm ảnh sang nhau. Đây là thành tố mà các hãng sản xuất LCD không ngừng phải cải tiến ở các thế hệ màn hình mới.
Lợi thế của Plasma
Bên cạnh độ tương phản kéo theo khả năng thể hiện màu đen sâu tốt hơn, màn hình Plasma còn tự hào cho góc nhìn rộng hơn LCD. Góc nhìn được tính bằng vị trí của người ngồi tại hai bên màn hình so với vị trí trung tâm mà khi xem chất lượng (màu sắc, độ rõ nét) của hình ảnh vẫn còn được đảm bảo.
Thông thường bạn sẽ thấy độ sáng và màu sắc của hình ảnh trên màn hình LCD sẽ mờ nhạt hẳn khi xem ở các góc nhìn hẹp trong khi ở TV Plasma vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên, điểm yếu này của LCD đang ngày càng được cải thiện, bởi trên thị trường ngày một nhiều các TV LCD có góc nhìn rộng ngang bằng thậm chí là tốt hơn Plasma.
Plasma cũng có thể tái tạo màu sắc sáng hơn cũng bởi vì LCD bị hiện tượng rò rỉ ánh sáng giữa các điểm ảnh dẫn tới ảnh hưởng đến độ bão hoà màu.
Các chuyên gia về màn hình Plasma cũng sẽ cho bạn biết Plasma hơn hẳn LCD về khả năng hiển thị các cảnh phim hành động và nội dung thể thao. Điều này là hoàn toàn đúng với các thế hệ TV LCD đời cũ. Tuy nhiên, những màn hình LCD mới đã được cải tiến đáng kể, do đó sai khác về khả năng hiển thị các thước video chuyển động nhanh giữa LCD và Plasma không còn, thậm chí LCD còn tỏ ra tốt hơn.
Điều này được minh chứng bằng thông số thời gian đáp ứng của điểm ảnh tính bằng đơn vị miligiây (ms), chỉ số này càng thấp chất lượng hiển thị phim hành động càng tốt.
Trước đây, lợi thế lớn nhất của Plasma so với LCD là giá cả, đặc biệt là ở tầm màn hình lớn. Tuy nhiên, trong vòng một năm gần đây, cục diện này đã thay đổi: LCD qua mặt Plasma cả về độ phân giải và giá cả.
Các TV Plasma ở châu Á có kích thước phổ biến là 42 đến 63 inch, với giá bán dao động từ 1.500 USD (42”) đến 63.000 USD. Trong khi đó, LCD với kích thước 52” cao cấp chỉ có giá 11.000 USD (tầm đại trà lớn nhất), hay phiên bản 65” bán theo đơn đặt hàng của Sharp cũng chỉ có giá khoảng 21.000 USD. Như vậy, về tỷ lệ giá thành trên một inch đường chéo, TV LCD Bravia cao cấp nhất loại 52” giờ tương đương với TV Plasma 50” đầu bảng của Pioneer, chiếc PDP-5000EX.
Lợi thế của TV LCD
Bên cạnh giá cả cạnh tranh, LCD vượt lên công nghệ đối thủ Plasma ở khá nhiều thông số chìa khoá khác.
Ở cùng tầm kích thước, nó hơn hẳn Plasma về độ phân giải tự nhiên, tức là đạt được nhiều điểm ảnh hơn. Đặc biệt, các màn hình độ phân giải cao sẽ giúp hiển thị hình ảnh 1.080 dòng quét (1080i/p) trung thực hơn và LCD dường như là địa chỉ tin cậy hơn về tỷ trọng HDTV. Tuy nhiên, những TV Plasma hàng đầu cũng có thể hiển thị nội dung 1080p, do đó, ở tầng TV mỏng cao cấp cán cân độ phân giải dường như là cân bằng.
Phe LCD còn cao giọng cho rằng công nghệ của họ ngốn ít điện năng hơn màn hình Plasma, một số thống kê cho thấy nó tiết kiệm tới 30% so với công nghệ đối thủ. LCD cũng nhẹ hơn TV Plasma nếu so sánh ở cùng kích thước, nên dễ dàng hơn cho việc di chuyển cũng như gắn tường.
Màn hình LCD còn tự hào về tuổi thọ dài hơn. Trước đây, TV Plasma đời cũ chỉ đạt được tuổi thọ hơn 20.000 giờ xem nếu đặt ở độ sáng bằng một nửa độ sáng tối đa trong khi LCD luôn được cam đoan là đạt 60.000 giờ. Tuy nhiên, khoảng cách này đã được thu hẹp ở thế hệ các TV Plasma đời mới, với tuổi thọ trung bình được khẳng định là từ 30.000 đến 60.000 giờ.
Bạn cũng có thể nghe thấy ai đó nói rằng Plasma dễ gặp hiện tượng cháy hình, trong khi ở LCD có thể được coi là miễn nhiễm. Hiện tượng cháy hình xảy ra khi một hình ảnh được hiển thị quá lâu trên màn hình, kết quả là tạo ra một bóng ma của hình ảnh vĩnh viễn lưu trên đó. Tuy nhiên, ở các TV Plasma mới, căn bệnh này đã được loại trừ nhờ các công nghệ cải tiến cũng như các chế độ bảo vệ màn hình hữu hiệu. Có thể hiện tượng cháy hình vẫn còn, nhưng chỉ sau một vài ngày chúng sẽ bị nhạt đi chứ không phải bị lưu và in lên vĩnh viễn.
Công nghệ nào tốt hơn?
Nếu bạn đang tìm kiếm một TV màn hình lớn từ 50 inch trở lên, Plasma là địa chỉ an toàn hơn bởi nó mạnh hơn về chất lượng hình ảnh, mặc dù LCD nhìn chung đạt độ phân giải cao hơn. Còn ở tầm 46, 47” trở xuống, LCD đang là ứng viên nặng ký cho loại hình TV mỏng mảnh quyến rũ, đặc biệt ở tầm dưới 40” nó là công nghệ độc nhất hiện nay. Điều quan trọng nhất là, giá bán của LCD ngày càng mềm đi.
Tuy nhiên, bất kể là LCD hay Plasma, người dùng cần để ý tới việc tích hợp bộ thu tín hiệu truyền hình. Một hộp kênh analog là tính năng tiêu chuẩn, nhưng giờ đây người ta đang tìm kiếm các model được tích hợp đầu thu truyền hình số (digital tuner) và truyền hình độ nét cao HDTV (HDTV tuner).