Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng trước việc các bộ ngành, cơ quan trung ương thanh lý xe công.
Theo Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính), từ ngày 1/1-17/6/2016, các bộ ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện thanh lý 264 ôtô công với giá trị còn lại 390 triệu đồng. Nguyên giá của các xe này là 79,68 tỷ đồng.
Chiều 29/6, trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng phân trần, sau hơn chục năm sử dụng, giá trị xe còn lại chỉ có vậy.
Xe công vượt giá, vượt định mức sẽ bị thu hồi.
Ông Thắng nói thêm, việc thanh lý xe công được diễn ra theo quy trình đấu giá công khai, "ai cũng được mua”.
Ông Thắng nói, đơn vị sử dụng xe khi thấy xe cũ, hỏng, không sử dụng được nữa, tự họ tổ chức bán thanh lý hoặc thuê tổ chức có chức năng thanh lý tài sản. Theo luật, những xe được phép thanh lý được quy định là có thời hạn sử dụng xe 15 năm hoặc chạy trên 250.000km (đối với vùng sâu vùng xa, miền núi là 200.000km).
“Khi mang ra bán, các đơn vị phải tuân thủ quy định về bán đấu giá tài sản từ việc quy định lại giá đến tổ chức đấu giá. Quy trình bán đấu giá được thực hiện theo Nghị định 17 của Chính phủ”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo điều 51 Nghị định 17, Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Về trình tự, thủ tục bán đấu giá, điều 23 của Nghị định nêu rõ, tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
Còn theo Điều 28, đơn vị bán đấu giá phải thông báo công khai tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá, thời gian, địa điểm, số lượng, chất lượng, giá khởi điểm, nơi trưng bày, thời hạn trưng bày…tài sản.
Về hình thức bán đấu giá, theo điều 33 của Nghị định 17, tổ chức bán đấu giá tài sản có thể lựa chọn một trong các hình thức đấu giá sau đây để tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói; Đấu giá bằng bỏ phiếu; Các hình thức khác do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện cả nước hiện có 40.000 xe công, trong đó có khoảng 11.000 chiếc (chiếm 27,5%) đến hạn thanh lý.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, hơn 100 bộ, ngành đang phải rà soát lại số lượng xe công. Việc này không phải là sai sót, chỉ là điều chỉnh định mức. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 8/43 bộ ngành và 18/63 địa phương chưa có báo cáo về rà soát, sắp xếp ôtô công gửi Bộ Tài chính.
Quyết định 32 nêu rõ, người ra quyết định mua sắm ôtô không đúng/thẩm quyền, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại phải bồi thường thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Đối với việc quản lý, sử dụng ôtô không đúng quy định, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Xe công mua không đúng tiêu chuẩn, vượt giá quy định, vượt định mức bị thu hồi để xử lý theo quy định của pháp luật về tài sản nhà nước.
http://kenh14.vn/thanh-ly-264-xe-thu-390-trieu-cong-khai-ai-cung-duoc-mua-20160629210056829.chn