Các cụ xem con em mình trong trường hợp này không? Nhìn vụ này ra chỉ béo công ty XKLD.
Nguồn: saigontimes dịch từ The New York Times.
=================
Để đối phó với tình trạng thiếu nhân lực trong khi vẫn duy trì chính sách đóng cửa với người nhập cư, Nhật Bản đã tạo ra một hình thức gọi là “thực tập sinh”, nhận người nước ngoài để đào tạo nghề nhưng thực chất là sử dụng lao động giá rẻ. Chương trình này có những mặt trái.
Cố tình tạo kẽ hở
Cô Lưu Hồng Mỹ (Liu Hongmei), công nhân dệt may tại một nhà máy ở Thượng Hải, đã chán nản với công việc của mình vì đồng lương ít ỏi, chỉ khoảng 430 đô la Mỹ mỗi tháng. Cách đây ba năm, cô quyết định tìm kiếm cơ hội mới ở Nhật Bản. Một công ty may mặc Nhật Bản hứa trả cho cô mức lương cao gấp 3 lần mức thu nhập ở Trung Quốc và Lưu kỳ vọng sẽ tiết kiệm được hàng ngàn đô la cho gia đình mình. “Đó là một cơ hội lớn”, cô nhớ lại khi kể với phóng viên The New York Times.
Về mặt pháp lý, những gì mà Lưu làm ở nhà máy tại Nhật Bản như ủi và đóng gói quần áo được coi là “đào tạo”; bản thân cô được gọi là “thực tập sinh” hoặc “tu nghiệp sinh”, nhưng thực ra cô chỉ làm những công việc giản đơn mà người bản xứ không làm.
Giống như một số nước phát triển khác, Nhật Bản đang trải qua một thời kỳ khan hiếm lao động giản đơn để làm những việc như thu nhặt rau quả, dọn giường trong các trại dưỡng lão hay rửa bát đĩa ở nhà hàng. Từ lâu, Nhật Bản đã đóng cửa với những người nhập cư bất hợp pháp và những người muốn tìm kiếm công việc lao động chân tay. Chính sách này đang khiến cho nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ Nhật Bản lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng, kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Đến nay, chính sách nhập cư và lao động của Nhật vẫn đang gây nhiều tranh cãi về mặt chính trị. Nhưng năm ngoái, tổng số lao động nước ngoài ở Nhật Bản đã lần đầu tiên đạt 1 triệu người. Con số này tăng cao bởi những người nhập cư theo chương trình “thực tập sinh”, nghĩa là họ đến Nhật Bản trên danh nghĩa là để học tập, đào tạo, chứ không phải để... làm việc. Mục đích sâu xa của chương trình này là để hợp pháp hóa lệnh cấm của Nhật đối với những người nhập cư làm các công việc giản đơn.
Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, nhiều trang trại, doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các nhà sản xuất sẽ khó tồn tại nếu không có thực tập sinh nước ngoài. “Trên thực tế, gần như tất cả rau củ bán trong các siêu thị ở Tokyo đều do thực tập sinh thu hoạch”, Kiyoto Tanno, giáo sư tại Đại học Tokyo Metropolitan, cho biết.
Để đối phó với tình trạng thiếu lao động, đồng thời xoa dịu các nhóm kinh doanh, Chính phủ Nhật đã cố tình tạo ra kẽ hở nhập cư này. Và hàng trăm ngàn lao động giản đơn đã đổ tới Nhật qua kẽ hở đó. Họ là những người như cô Lưu, đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Campuchia.
Bóc lột và lừa đảo
Số lượng lao động trong độ tuổi của Nhật Bản đã giảm mạnh kể từ giữa những năm 1990, hệ quả của nhiều thập niên có tỷ suất sinh thấp. Để tăng lực lượng lao động, Nhật Bản đang tìm cách kéo dài thời gian tối đa mà thực tập sinh nước ngoài có thể ở lại Nhật, nâng lên năm năm thay vì ba năm như trước, đồng thời cho phép nhiều hơn các loại hình doanh nghiệp có thể sử dụng thực tập sinh, bao gồm cả các trại dưỡng lão, các công ty cung cấp dịch vụ dọn dẹp khách sạn và văn phòng.
“Nếu chúng ta muốn tăng trưởng kinh tế trong tương lai, chúng ta cần người nước ngoài”, ông Kimura khẳng định.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh về số lượng thực tập sinh cũng dẫn tới những hệ lụy như tình trạng bóc lột lao động và lừa đảo. Nobuya Takai, một luật sư đại diện cho các thực tập sinh trong các tranh chấp lao động, cho biết các công ty Nhật không trực tiếp thuê thực tập sinh mà thông qua một hệ thống trung gian.
Hầu hết các thực tập sinh đều phải chi hàng ngàn đô la tiền phí môi giới trước khi họ có thể đến Nhật Bản. Ông Takai cho hay, thị thực của người lao động gắn họ với một công ty duy nhất và nếu gặp phải các ông chủ xấu, các thực tập sinh cũng không thể tự động từ bỏ công ty này để sang công ty khác. “Họ không thể thay đổi công việc, và nếu trở về nhà thì sẽ mất tiền phí môi giới”, ông Takai nói.
Bộ Tư pháp Nhật Bản xác nhận, trong năm 2015 đã có 6.000 lao động tìm cách ở lại Nhật bất hợp pháp bằng cách bỏ công ty này để sang làm cho công ty khác. Và theo một số liệu của chính phủ, hiện có tổng cộng 60.000 người nước ngoài đang ở Nhật Bản mà mà không có thị thực hợp lệ.
The New York Times đã tìm gặp một số thực tập sinh tại Nhật. Tất cả đều cho hay họ mất từ 7.000-11.000 đô la Mỹ phí môi giới. Hầu hết họ đều phải vay mượn người thân hoặc ngân hàng.
Cao Bao, 33 tuổi đến từ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, sang Nhật làm việc cho Công ty Kishimoto - nhà sản xuất, nhà cung cấp phụ tùng ô tô. Cao cho biết, các thực tập sinh bị bắt quét dọn và sơn nhà máy vào ngày nghỉ và không được trả lương, chỉ vì quản lý phát hiện họ có sai sót trong công việc. Sau khi khiếu nại, Cao đã bị sa thải.
Tham Thi Nhung, 32 tuổi, là người Việt Nam. Nhung phải làm việc từ 8 giờ sáng tới 9-10 giờ đêm tại một xưởng may nhỏ ở tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản. Cô cho biết, suốt 4 tháng qua, cô và các đồng nghiệp không có một ngày nghỉ nào, nhưng người chủ chỉ trả một phần tiền làm thêm của họ. Tháng 11 vừa qua, sau khi phàn nàn rằng họ được trả tiền thấp hơn mức cam kết là 712 đô la Mỹ/tháng, Nhung và một số đồng nghiệp đã bị sa thải.
“Chúng tôi có trao đổi với chủ, nhưng bà ta cho biết sẽ không trả nhiều hơn. Bà ta nói hoặc làm tiếp hoặc về nước”, Nhung kể.
Các dữ liệu của chính phủ về tai nạn ở nơi làm việc cho thấy, thực tập sinh có nhiều khả năng bị tổn thương trong công việc hơn so với công nhân bản xứ. Đây là hệ quả của việc đào tạo kém, rào cản ngôn ngữ hoặc do họ được giao làm những việc nguy hiểm hơn. Từ năm 2010, đã có hai thực tập sinh tử vong vì làm việc quá sức, thuật ngữ Nhật gọi là karoshi.
Cô Lưu người Trung Quốc phải vay mượn người thân để trả khoản tiền môi giới khoảng 7.000 đô la Mỹ nhằm có được thị thực vào Nhật Bản. Tới đây, Lưu mới nhận ra mình phải đối mặt với điều kiện làm việc nặng nề hơn và lương thấp hơn mức đã hứa. Cô kể: “Ông chủ đối xử với chúng tôi như nô lệ”.
Chủ của cô là Takeshi Nakahara, 50 tuổi, người sở hữu vài cơ sở may mặc nhỏ ở Gifu, gần Aichi. Ông Takeshi cho hay ông đã sử dụng các thực tập sinh Trung Quốc từ 15 năm trước vì không có người Nhật nào muốn làm việc trong ngành dệt may. “Trả lương thấp là cách duy nhất để chúng tôi có thể cạnh tranh với các nhà máy nước ngoài giá rẻ”, ông giải thích.
Ông Takeshi thừa nhận ông đã trả cho cô Lưu và các công nhân Trung Quốc khác một mức thấp hơn lương tối thiểu làm thêm theo quy định. Nhưng ông cho rằng, ý tưởng đó chính là của Lưu và các đồng nghiệp của cô. “Họ yêu cầu làm thêm giờ nhiều hơn và sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn quy định”, ông nói.
Mặc dù thỏa thuận này là bất hợp pháp, nhưng ông Takeshi cho hay ông cảm thấy bị phản bội khi các thực tập sinh (sắp hết hạn hợp đồng ba năm) kiện nhà máy để đòi tăng lương.
Các công nhân Trung Quốc đã tìm và nhận được sự giúp đỡ từ Zhen Kai, một nhà hoạt động Trung Quốc đã sống ở Nhật Bản nhiều thập kỷ. Ông Zhen điều hành một văn phòng ở Gifu bao gồm cả khu trọ tạm thời, nơi lao động bị sa thải có thể ở lại.
Ông Zhen nói rằng ông thông cảm với các doanh nghiệp, nếu không có các thực tập sinh thì họ sẽ không thể tồn tại. Ông cho rằng, Chính phủ Nhật đã có cách hiệu quả để giúp các doanh nghiệp đó sống sót bằng cách để cho họ bóc lột công nhân.
Ông Zhen đã đàm phán với ông Nakahara, và người chủ lao động này ban đầu chấp nhận đền bù cho công nhân Trung Quốc ở mức 5.800 đô la. Do chán nản và nhớ nhà, cô Lưu đã chấp thuận mức đền bù đó và chuẩn bị trở về Trung Quốc. Bốn phụ nữ khác đã quyết định ở lại Nhật Bản để đấu tranh đòi bồi thường nhiều hơn, và một vài tuần sau đó họ chấp nhận đề nghị ở mức 10.000-16.000 đô la.
Khi được hỏi liệu họ đã học được gì trong quá trình “đào tạo” tại Nhật, những thực tập sinh này chỉ cười chua chát. “Toàn là khó khăn gian khổ”, Lưu nói.