“Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò”. Đó là mùa đông xứ Bắc trong thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Mùa mà cái lạnh theo gió len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẻm. Gió chạy trên mặt sông, luồn theo những rặng tre, chuyến đò ngang thưa thớt. Gió đưa tiếng xao xác gọi nhau của những người đi chợ sớm. Sương mù lan tỏa đồng ruộng, làng mạc. Nhưng trong cái tĩnh lặng của thôn xóm sâu vào trong từng mái lá, bếp lửa nhiều nhà đã tỏ, đã thấy rậm rịch từ cổng làng bước chân trâu cùng người ra đồng trong buổi cày sớm.
Mùa đông xứ Bắc. Lũ trẻ như anh thời ấy thích mùa đông hơn mùa hè. Dù hè về được nghỉ học. Bởi mùa đông chơi bời nghịch ngợm ngoài trời được nhiều hơn. Mùa đông có nhiều thứ để ăn hơn: hạt dẻ, ngô rang, ngô luộc, rồi bánh khúc… Mùa đông có nghĩa là sắp Tết. Tết được bố mẹ sắm cho quần áo mới, lại được ăn Tết nữa… Lớn lên, nhớ mãi những ngày đông dọc ngang qua những nẻo đường. Trong cái nắng vàng như rót mật, gió thổi hun hút. Trời lạnh. Những cánh đồng còn trơ gốc rạ, nước ngập xâm xấp, trong veo, những đám bèo tấm dạt về một phía. Vài con đòng đong cân cấn chạy vun vút… Và những “đêm trắng”. Cả một dải mây xám bàng bạc trên trời. Không trăng không sao nhưng trời vẫn sáng. Dắt tay nhau đi trên cánh đồng thấy đất trời đẹp quá…
Nhưng đấy là chuyện sau này. Anh nhớ mãi một lần, bố con ngồi trò chuyện, lúc anh đang học cấp I. Khi nghe anh nói thích mùa đông, bố chỉ ân cần bảo: “Mùa đông thì hay đấy. Nhưng bố thích mùa hè hơn. Mùa hè nóng nhưng người nghèo còn chịu được. Mùa đông lạnh quá, người nghèo khó sống”. Ôi chao! Lúc đó anh đâu biết cái rét tái tê đối với người chỉ có mảnh áo tơi, chân trần lội ruộng, để cày bừa, cấy hái… Còn bao việc nhà nông phải làm trong gió rét. Cũng bố anh, những ngày tháng 5 tháng 6 nóng nực, lại nói với các con rằng: mình ở thành phố, nóng thế này chỉ mong có một trận mưa. Nhưng mưa lúc này thì ở nhà quê khổ: lúa má đang gặt ướt hết…
Bây giờ mùa đông đất Bắc dường như ít rét hơn. Thậm chí có năm không rét. Lúa cũng không phải cấy xong trước Tết. Người dân nông thôn cũng không phải lo quá nhiều đến cái ăn, cái mặc.
Trong nỗi nhớ mùa Đông, vẽ lên trong đầu một mùa Đông xa xưa, anh nhớ đến câu chuyện về mùa Đông mùa Hè thuở nào. Càng thấm thía rằng bố anh đã truyền lại cho mình một chân lý giản đơn: hãy quan tâm đến người khác. Anh tin rằng trong mỗi gia đình, đều có những câu chuyện tương tự. Cha mẹ truyền cho con cái từ thuở ấu thơ những câu chuyện về lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”. Và đến lượt con cái họ lại truyền cho con cháu mình.
Cái vòng tròn ấy cứ thế mà xoay chuyển, đi mãi với thời gian.
Cứ mỗi độ Đông về, ngẫm ngợi câu thơ “đã nghe rét mướt…” anh lại kể cho con anh câu chuyện giữa anh với ông nội của nó./.