Em nói sơ qua thế này, theo 1 thống kê gần đây mà em đọc được thì số người tốt nghiệp đại học ở Séc chiếm khoảng 12 tới 14% dân số. Đây có thể coi là tầng lớp trung lưu của Séc. Tầng lớp thượng lưu thì chắc chỉ chiếm 1% dân số.
Đầu tiên là những người tốt nghiệp đại học trong xã hội luôn được mọi người kính trọng. Thu nhập của họ cũng cao hơn hẳn so với mặt bằng chung, nhưng theo đó thì mức thuế, phí và bảo hiểm cũng cao hơn tầng lớp lao động phổ thông trung bình trong xã hội.
Thứ hai, những người đóng thuế, phí và bảo hiểm mức cao thì khi về hưu, mức hưu chí họ nhận cũng rất cao so với mặt bằng chung. Tất nhiên họ đã phải đóng góp nhiều nhất ở độ tuổi lao động, thì khi về già họ mới được hưởng những quyền lợi đó.
Thứ ba, họ có kinh tế vững và ổn định, nên việc đầu tư giáo dục cho con cái có nhiều lựa chọn tốt hơn mà không phải phụ thuộc vào hệ thống giáo dục miễn phí của nhà nước. Chẳng hạn, nếu các con không thi vào được trường chuyên Gymnázium, thì có thể trọn học trường Quốc tế với mức phí khá cao. Vì các trường chuyên công lập tại Séc chất lượng cũng không kém mấy trường Quốc tế, nên đa số chỉ giới trung lưu mới chấp nhận để bỏ tiền cho con học trường tư.
Hơn nữa ở bên này mục tiêu để vào đại học không nhiều, tỷ lệ học hết 13 năm phổ thông rồi thi vào đại học không cao. Nên các trường dậy nghề, trường hướng nghiệp thu hút nhiều học viên hơn, bởi xã hội luôn tạo điều kiện công việc làm cho thanh niên đủ 18 tuổi. Nói về vấn đề này thì em phải nói rõ thêm về hệ thống giáo dục của Séc để cụ hiểu rõ hơn sự khác biệt trong hướng nghiệp của đa số các gia đình lao động tại Séc và giới trung, thượng lưu.
Hệ giáo dục của Séc từ khi rời khỏi khối Liên Xô thì là hệ giáo dục 13 năm phổ thông. Trong đó có 5 năm tiểu học (từ lớp 1 tới lớp 5). Tiếp đến là trường chuyên Gymnázium hệ 8 năm (dành cho học sinh học hết lớp 5) và trường chuyên Gymnázium hệ 4 năm (dành cho học sinh học hết lớp 9). Nếu không vào được hệ trường chuyên Gymnázium hay Academie thì học viên có thể học hệ trường dậy nghề với đầy đủ các lĩnh vực trong 4 năm. Khá nhiều học viên sau khi tốt nghiệp Gymnázium hay trường nghề, lại không học tiếp lên đại học mà quyết định đi làm. Nhiều người học trường nghề, chỉ học hệ 3 năm, tức là không có bằng tốt nghiệp phổ thông, chỉ học 3 năm rồi thi lấy chứng chỉ tay nghề, lúc đó đủ 18 tuổi là xin vào nhà máy đi làm luôn, hoặc thường là đã được nhà máy tuyển dụng từ năm thứ 2 của trường nghề.
Giới Trung lưu như em nói, đa phần là chí thức, có tài sản tích lũy tốt, nên luôn hướng các con đi sâu theo con đường học thuật. Họ sẵn sàng đầu tư tiền của cho các con học ở những trường Quốc tế đắt đỏ nếu con không thi được vào Gymnázium. Còn lại số khá đông dân Séc để con tự phấn đấu trong hệ thống trường công, hay tự vay tiền nhà nước để học đại học. Họ không có tư tưởng cho con vào đại học bằng mọi giá như đa số người Việt Nam mình.
Về những mặt khác, vì giới trung lưu có tiền, có điều kiện về kinh tế nên họ có thể trọn những nơi sống có đẳng cấp cao hơn người bình thường. Khi vào viện, họ chấp nhận trả phí để được ưu tiên, như không phải xếp hàng, được ở phòng riêng, phòng đặc biệt. Hay đơn giản chẳng hạn như nhóc nhỡ nhà em muốn xin vào câu lạc bộ bóng đá yêu thích thì phải vượt qua được khảo sát của CLB. Còn nếu con của giới trung lưu muốn, thì có thể tự bỏ tiền ra để mua xuất thành viên của CLB. Xã hội Séc cũng luôn có các dịch vụ VIP trả tiền trong mọi lĩnh vực để dành cho giới Trung và Thượng lưu.
Nhưng ngược lại trong hệ thống phúc lợi của xã hội Séc thì người dân thường cũng được hưởng rất nhiều gói dịch vụ cũng chẳng kém giới thượng lưu là bao. Chẳng hạn dịch vụ y tế chăm sóc và điều trị sức khỏe tại gia trong quá trình vài tháng đều không mất thêm phí nào cả. Có khi gói dịch vụ đó bảo hiểm phải trả có khi lên tới cả tỷ VND. Đó có thể nói là 1 sự bất bình đẳng đối với giới trung lưu, khi họ phải bỏ rất nhiều tiền mới được hưởng. Nhưng em nghĩ đúng như cụ
TorienT nhận định, đó mới là các mặt của xã hội, không thể có bình đẳng ở mọi tầng lớp thành phần, mà luôn có tồn tại một số bất bình đẳng. Xã hội không thể nào làm hài lòng tất cả mọi thành phần đang tồn tại trong nó.