Em tưởng vụ mời này cứ bình thường đề suất thôi nhỉ , như người nhà em bữa vào viện 354 ( vì ngay cạnh để cấp cứu ) xong không chuyển được qua bm để mở thì viện họ kêu muốn thì mời bên ý qua luôn được mà , thủ tục đâu đến mức kiểu công văn ...
Chờ dc công văn thì mút mùa. Ở đây mấu chốt sự việc nó ko nằm ở cái công văn ấy. Có CV thì BN sống ah. Em ko phải BS nên cũng chả bênh, nhưng m.ng nên ko nên xoắn vào vấn đề đó.
"GÓC NHÌN VỤ 3 BÁC SĨ Ở BẠCH MAI
Thấy ồn ào vụ 3 bác sĩ BV Bạch Mai, mình đã phỏng vấn, rồi viết, nhưng lại bỏ. Vì tìm hiểu kỹ, mình không thấy có gì tiêu cực trong câu chuyện này. Do đó, mình nhìn vụ việc khác với nhiều người.
Chuyện là thế này: Trong ekip bác sĩ can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân ở BV Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, có 3 bác sĩ Viện Tim mạch QG BV Bạch Mai, chắc là được mời.
Bệnh nhân 67 tuổi, được can thiệp thay van động mạch chủ qua da ngày chủ nhật 28/7 và đến 29/7 thì bị ngưng tuần hoàn, rối loạn nhịp thất ác tính, tràn máu ngoài màng tim, chèn ép tim, sau đó tử vong. Sở Y tế Đắk Lắk bèn làm báo cáo gửi Bộ Y tế và BV Bạch Mai.
Việc các bác sĩ BV Bạch Mai tham gia ca can thiệp này trước hết là có lợi cho người bệnh khi không phải khăn gói ra Hà Nội. Vì sẽ rất vất vả, một bệnh nhân sẽ kèm theo vài người đi kèm, rồi lạ nước lạ cái, “xảy nhà ra thất nghiệp” chi phí tốn kém vô cùng.
Cái lợi nữa là chọn các chuyên gia giỏi vì bệnh viện tuyến dưới đã mời thường “chọn mặt gửi vàng”, lại ở Viện tim mạch Quốc gia nữa thì khỏi bàn về chuyên môn.
Đã là các bác sĩ giỏi can thiệp, thì khả năng xảy ra tai biến sẽ thấp hơn các bác sĩ kém về tay nghề.
Bệnh nhân tử vong sau một ngày chứ không phải ngay trên bàn can thiệp, nên cũng có nhiều nguyên nhân cần xem xét như chăm sóc sau can thiệp, cơ địa bệnh nhân, có bệnh nền không vv…
Tôi nghĩ, chắc là bệnh nhân nặng, nhiều nguy cơ nên BV Đắc Lắc mới phải mời chuyên gia từ HN vào mà không tự làm.
Tôi nói thế vì tuần trước, bố chồng cháu gái tôi thấy hơi khó thở, gia đình đưa đi khám mấy BV ở Hà Nội thì đều bảo đã quá nặng, đưa vào Viện Tim mạch Quốc gia cũng có kết luận như thế.
Nhưng nhìn ngoài anh ấy không có vẻ bệnh nặng, nên gia đình rất sốc khi bác sĩ nói rằng, tim đã quá suy, lại bị mỡ máu, huyết áp, tiểu đường, do đó anh ấy có thể “đi” bất cứ lúc nào và gia đình phải sẵn sàng lo hậu sự.
Vì thế, ca can thiệp tim cho anh ấy được xác định 50-50 và gia đình cho con cháu gặp mặt đầy đủ trước khi anh ấy vào phòng can thiệp. Ơn giời là ca can thiệp thành công, nhưng bệnh dù đỡ hơn thì vẫn ở khả năng đi bất cứ lúc nào vì tim đã suy quá nặng.
Người bệnh tim là thế. Như không đấy mà cấp cứu ngay được. Nên việc bệnh nhân ở Đắc Lắc tử vong, thành thật chia buồn với gia đình, nhưng với một dàn bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm bay từ Hà Nội vào thì cá nhân tôi nghĩ khó có nguyên nhân về chuyên môn.
Tôi thấy một số báo xoáy vào là các bác sĩ đi có xin phép BV Bạch Mai không, nhưng hôm đó là ngày nghỉcuối tuần, chứ k phải ngày làm việc. Họ có thể rủ nhau đi du lịch, vào đó được nhờ can thiệp cho bệnh nhân cấp cứu, cũng có sao?
Chưa kể, cần nhìn rộng ra, nếu họ là giảng viên ĐHYHN, thì họ còn phải có trách nhiệm hỗ trợ các trường Y trong hệ thống, là việc bình thường. Hoặc họ có vai trò gì đó trong Hội Tim mạch VN, họ cũng phải có trách nhiệm với các đơn vị/cá nhân thành viên về chuyên môn nữa chứ! Họ đâu chỉ cơ mỗi vai là BS của BV Bạch Mai.
Việc trị bệnh cứu người, chỉ nên xem xét về chuyên môn, động cơ, chứ cứ nguyên tắc, máy móc thì cô điều dưỡng ở BV Bạch Mai chả thể cứu được anh du khách Ấn ở Đà Nẵng, hay cô điều dưỡng ở Hải Phòng cũng không thể cứu cháu bé sặc sữa trên đường được và nhiều bác sĩ khác như Pgs.H cũng không thể cứu sống những bệnh nhân trên máy bay.
Hồi trước, có mấy giáo sư ở Mỹ sang BV Việt Đức tập huấn về phẫu thuật cột sống, các bác ý cũng mổ cho bệnh nhân.
Nghề y là nghề đặc thù, nếu vì mục đích cứu người, mà bác sĩ có chuyên môn cao, có chứng chỉ hành nghề, lại không tiêu cực, tham ô tham nhũng, chỉ mong mang lợi cho bệnh nhân, thì việc bác sĩ về tuyến dưới làm cũng không nên coi là điều gì bất thưởng, ghê gớm.
Cháu tôi ở Quảng Ninh mấy năm trước bị gãy chân, gia đình không muốn về Hà Nội xa xôi, không có người chăm nên mời bác sĩ BV Việt Đức về Quảng Ninh mổ, gia đình đỡ vất vả bao nhiêu mà chi phí cũng không nhiều như nếu phải về Hà Nội.
Giờ nhiều nơi mời bác sĩ về tuyến dưới, như thế không chỉ tốt cho bệnh nhân mà còn giảm tải bệnh viện tuyến trên, bác sĩ đi vào ngày cuối tuần, không ảnh hưởng gì việc chung, thì nên khuyến khích.
Thanh Hằng"